“Câu chuyện đi học của tôi là một hành trình với nhiều khó khăn nhưng cũng có vô vàn trải nghiệm đáng giá, đem lại những bài học theo tôi suốt cả cuộc đời”, Trần Việt Dũng (31 tuổi) bắt đầu kể về cuộc đời mình. 9X cũng cảm thấy biết ơn vì sự vất vả của bố mẹ chính là động lực lớn nhất giúp anh nỗ lực vươn lên.
Sinh ra ở Thái Bình, 11 tháng tuổi, Dũng mắc viêm màng não. Dù đã được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng di chứng để lại khiến Dũng bị điếc một tai. Thời điểm gia đình phát hiện ra con không nghe được là khi Dũng 9 tuổi, đã quá muộn để can thiệp.
Bố mẹ sau đó dẫn Dũng đi khám ở một số nơi, nhưng chi phí điều trị đắt đỏ và không đem lại kết quả gì, cuối cùng, gia đình cũng đành chấp nhận việc con trai chỉ có thể nghe bằng một bên tai còn lại.
Suốt quãng thời gian học phổ thông, vì luôn cảm thấy khó nghe, lúc nào đi học Dũng cũng xin thầy cô cho ngồi bàn đầu. Nhưng cũng nhờ vậy, nam sinh ngồi nghe giảng rất tập trung và đạt được thành tích học tập tốt. Việt Dũng lần lượt thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Thái Bình, sau đó là ngành Kinh tế của Trường ĐH Ngoại thương.
Học tập tại ngôi trường này, Dũng được truyền cảm hứng bởi các thầy cô của khoa Tài chính ngân hàng. Vì thế, khi đang học cuối năm nhất ngành Kinh tế, Dũng quyết định đăng ký thêm ngành Tài chính quốc tế với mong muốn sẽ được làm việc ở một công ty xuyên quốc gia sau khi tốt nghiệp.
Trong quá trình học, ngoài giáo trình, thầy cô thường cung cấp cho sinh viên các thuật ngữ và nguồn tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh. Dũng nhớ lại, đó là tháng ngày “vô cùng khổ sở” vì ngồi trên lớp anh không hiểu gì. Hơn nữa, việc mất đi thính lực bên tai trái cũng khiến Dũng khó tiếp thu bài giảng trọn vẹn. Vì thế sau khi về nhà, Dũng thường phải bật ghi âm lên nghe lại, sau đó tự tra cứu, giải nghĩa từng thuật ngữ.
Trong khi các bạn đều thuần thục tiếng Anh, Dũng tự ti không biết làm cách nào để cải thiện điểm yếu. “Suốt 1 năm, tôi tự luyện nghe và học ngữ pháp thông qua các tài liệu trên mạng. Nhưng quả thật, khi ở trình độ không biết gì, việc tự học rất khó. Nó giống như thể một người mù đi trên con đường không có ai chỉ dẫn, mọi thứ đều mò mẫm nên không đem lại kết quả gì”, Dũng nhớ lại.
Năm đầu đại học, mọi thứ với Dũng đều rất tệ. Nhận thấy việc tự học không ổn, Dũng bèn gom hết số tiền mình có để đăng ký một khóa tiếng Anh gần trường. Nhưng vì số lượng buổi học trong khóa quá ít, trình độ tiếng Anh của Dũng vẫn không tiến bộ được bao nhiêu.
Dũng tiếp tục trăn trở tìm kiếm một môi trường phải sử dụng tiếng Anh thường xuyên với mức chi phí rẻ. Sau khi suy nghĩ rất lâu, anh đưa ra một quyết định liều lĩnh: Ôn thi tiếp vào khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc Gia Hà Nội.
Đối với một người thi tốt nghiệp THPT chỉ đạt 2,6 điểm môn tiếng Anh, thi đầu vào tại Trường ĐH Ngoại thương cũng chỉ đạt 235/990 TOEIC, đây là thách thức không nhỏ. Vì thế, dù rất quyết tâm ôn luyện khối D trong suốt 5 tháng và đã làm hồ sơ thi đại học, Dũng vẫn tự ti chưa dám đi thi.
Phải đến năm thứ hai, khi vừa học song bằng, Dũng tiếp tục đấu tranh và quyết định sẽ ôn thi thêm một năm nữa. Cũng nhờ ý chí quyết tâm, đến tháng 6/2012, Dũng vừa đủ điểm đỗ vào Trường ĐH Ngoại Ngữ, dù tiếng Anh chỉ đạt hơn 7 điểm.
Thời điểm Dũng theo đuổi 3 bằng đại học một lúc, gia đình vẫn đang gặp khó khăn về kinh tế. Để nuôi 2 con ăn học, bố Dũng làm xe ôm, còn mẹ bán nước mía. Nhưng “khi thực lòng muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp đỡ ta” – câu nói của nhà văn Paulo Coelho trong cuốn Nhà giả kim đã trở thành kim chỉ nam giúp Dũng vượt qua giai đoạn khó khăn ấy.
Trong lúc đang loay hoay với học phí, chị chủ nhà trọ thấy Dũng hiền lành, chăm chỉ nên đã đề nghị Dũng kèm cặp một số môn tự nhiên cho con trai. Một thời gian sau khi thấy có kết quả, người chủ trọ tiếp tục giới thiệu cho Dũng con của những người bạn khác. Có buổi, Dũng dạy 6 học sinh/lớp với số tiền lên tới 600.000 đồng.
“Đó là số tiền bằng 1/3 chi phí sinh hoạt một tháng của sinh viên ở thời điểm ấy”, Dũng nói. Vừa đi học, Dũng vừa đi dạy thêm, đủ để trang trải chi phí học tập ở cả 3 chương trình.
Trường ĐH Ngoại thương vốn cho sinh viên đăng ký tín chỉ, còn tại Trường ĐH Ngoại ngữ, nhà trường sắp xếp lịch học cố định cho sinh viên năm nhất. Thời gian đầu, Dũng không gặp khó khăn vì có thể đăng ký lịch học đan xen giữa các môn ở cả hai trường.
Tuy nhiên sau năm nhất, Dũng bắt đầu gặp rắc rối trong việc sắp xếp thời gian. Có thời điểm, anh phải chạy liên tục giữa hai trường trong một ngày, thậm chí không còn thời gian để ăn.
“Những ngày nào bị trùng môn, tôi buộc phải ưu tiên chọn Trường ĐH Ngoại thương. Cũng có giai đoạn nghỉ học nhiều, tôi không được phép thi môn học ấy. Rất may bên Trường ĐH Ngoại ngữ có kỳ hè nên tôi thường đăng ký học lại vào dịp này. Ngoài việc trùng học, nếu trùng thi, tôi cũng sẽ làm đơn hoãn thi bên Trường ĐH Ngoại ngữ”.
Không ít giai đoạn bị stress vì khối lượng học tập khổng lồ, Dũng kiệt quệ khi phải chạy đua theo lịch học dày đặc, kín mít từ sáng đến tối. Nhiều lần, nam sinh tủi thân vì mệt mỏi, không có thời gian cho các trải nghiệm hay mối quan hệ cá nhân như bạn bè.
Mọi thứ càng khủng hoảng hơn khi 100% bài giảng tại Trường ĐH Ngoại ngữ đều sử dụng tiếng Anh. Trong khi hầu hết bạn bè đều đã có nền tảng, là học sinh chuyên Anh hoặc có giải thưởng, thành tích về tiếng Anh, Dũng vẫn vật vã trong ngổn ngang những điều mới.
Một giáo viên khi biết Dũng đi học ở ngôi trường này với mong muốn để học giỏi tiếng Anh, cô nói đây là suy nghĩ sai lầm, bởi để học được ngành Ngôn ngữ Anh, sinh viên đều phải có nền tảng từ trước. Vào trường, không có giáo viên nào dạy lại những điều căn bản như Dũng vẫn nghĩ.
Có lần, Dũng tâm sự với mẹ về chuyện muốn từ bỏ. Mẹ nói: “Quan trọng con cảm thấy điều gì là phù hợp và có thể cân bằng được. Nhưng trước khi từ bỏ, hãy nghĩ lại quãng thời gian ôn thi vất vả. Nếu vẫn có thể cố gắng, con hãy học thay cả phần của mẹ. Trước đây, mẹ cũng rất thích học nhưng không có điều kiện để thực hiện điều đó”. Câu nói ấy khiến Dũng cảm thấy không thể phụ lòng mẹ.
Nhưng “cuộc đời vốn là sự cân bằng động”. Dù có nhiều áp lực, sau một thời gian dài Dũng đã học được cách thích nghi.
“Cả kỳ học và làm rất nhiều bài tập bằng tiếng Anh buộc tôi phải tự tìm tòi, trau dồi. Mặc dù kết quả đạt được không cao so với các bạn trong lớp, tôi vẫn thấy bản thân tiến bộ từng ngày”.
Năm 2014, Dũng hoàn thành chương trình Kinh tế của Trường ĐH Ngoại thương. Lúc này, anh chỉ còn học hai bằng là Tài chính quốc tế và Ngôn ngữ Anh.
Vẫn định hướng sẽ theo đuổi ngành tài chính sau khi tốt nghiệp, Dũng nhận thấy để làm tốt trong ngành, ngoài kiến thức về Kinh tế tài chính và giỏi tiếng Anh, vẫn cần phải có thêm kiến thức về ngành Luật.
Đang quen với guồng quay học tập, Dũng quyết định học thêm một tấm bằng khác về Luật Kinh tế. Đến cuối năm 2017, Dũng kết thúc việc học cả 4 văn bằng.
Sau khi tốt nghiệp, Dũng tìm được công việc đúng như mong muốn. Buổi tối, anh vẫn đi dạy thêm tiếng Anh. Nhưng công việc đi dạy lại khiến Dũng nhận ra bản thân yêu thích lĩnh vực giáo dục. Xuất phát điểm từ con số 0, Dũng đồng cảm và thấu hiểu những lo lắng của người mới bắt đầu.
Anh cho rằng “một đời mình như kẻ tìm đường”. Có những điều tưởng chừng hợp nhưng cuối cùng lại không phù hợp. Vì thế, anh quyết định nghỉ hẳn công việc làm về tài chính, tập trung nâng cao khả năng giảng dạy và phát triển bản thân. Sau khi nghỉ việc, Dũng tự học và ôn thi, sau đó đạt 8.0 IELTS, 990 TOEIC.
Việc bị điếc, theo Dũng lại là lợi thế cho anh trong việc học tiếng Anh. Nhờ vậy, anh phải học cách tập trung ở mức tối đa và tự rèn cho mình tính kiên trì, nhẫn nại.
“Mỗi lần làm bài nghe, tôi luôn phải cố gắng nghe thật kỹ không dưới 10 lần, tới nỗi thuộc luôn kịch bản. Cũng vì khó nghe hơn người khác, tôi phải học cách tập trung. Khi làm bài, tôi cảm giác cả thế giới bên ngoài tan biến, chỉ còn mình và bài thi ấy”.
Hành trình chinh phục tiếng Anh cũng giúp Dũng nhận ra rằng, ngoại ngữ vốn dành cho số đông chứ không riêng những người có năng khiếu. “Ai cũng có thể học ngoại ngữ. Nhưng đa phần, ít người tiến đến mức thuần thục vì thường bị nản chí giữa đường”, Dũng nói.
Trải qua nhiều khó khăn, từng có lúc định dừng lại, nhưng cuối cùng Dũng vẫn lựa chọn cách đối diện với mọi áp lực. Anh cho rằng, khó khăn, áp lực trong cuộc sống là những thứ luôn luôn tồn tại.
“Nếu coi áp lực là một khối u, việc sợ hãi và chạy trốn không khác gì tiêm một liều thuốc giảm đau nhưng khối u vẫn còn đó. Vấn đề mấu chốt là mình phải đối diện và xử lý những áp lực ấy. Sau mỗi lần vượt qua một khó khăn, bản thân sẽ càng trở nên mạnh mẽ và có thể đương đầu với những khó khăn tiếp theo trong cuộc đời”, Dũng chiêm nghiệm.
Thực hiện: Thúy Nga
Ảnh: Nguyễn Huế
Thiết kế: Minh Hòa
Thúy Nga