Trưa 13.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thị sát hiện trường và vào Bệnh viện Bạch Mai thăm nạn nhân vụ cháy chung cư đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn Q.Thanh Xuân (Hà Nội). Cùng ngày, Thủ tướng đã ký công điện yêu cầu khắc phục vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (Q.Thanh Xuân, Hà Nội).
Trong công điện, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn. Thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã giao Công an TP.Hà Nội vào cuộc, đồng thời giao UBND Q.Thanh Xuân phối hợp với lực lượng công an làm rõ nguyên nhân vụ cháy, kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; báo cáo Thường trực Thành ủy, UBND thành phố trong tháng 9.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND TP.Hà Nội giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini.
Ám ảnh
Đến tối qua (13.9), Công an TP.Hà Nội cho biết vụ cháy kinh hoàng xảy ra vào tối 12.9 tại chung cư mini ở địa chỉ số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân) đã khiến 56 người chết, 37 người bị thương.
Chung cư này nằm sâu trong ngõ ngách nhỏ, cách phố Khương Hạ khoảng 400 m. Khi xảy ra hỏa hoạn, xe chữa cháy chuyên dụng chỉ có thể di chuyển đến cuối ngõ 29 Khương Hạ rồi dùng vòi phun nước từ khoảng cách hơn 100 m mới có thể tiếp cận được hiện trường. Chung cư này được thiết kế kiểu ống, có 9 tầng với 45 căn hộ và chỉ có một lối ra ở cửa chính. Tầng 1 dùng để xe, các tầng còn lại là căn hộ cho thuê. Hai mặt logia tòa chung cư gắn song inox, có ô thoát ra ngoài, nhưng không có thang xuống.
Khi hỏa hoạn xảy ra, rất nhiều người không kịp chạy thoát, dù lực lượng cứu hộ đã cố gắng hết sức, song cũng không thể tránh khỏi thảm kịch.
Lo sợ hỏa hoạn
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, hiện nay khu vực Q.Thanh Xuân còn rất nhiều chung cư mini khác. Trong con hẻm 20/70/19 phố Khương Hạ còn 2 tòa chung cư được xây cao 6 tầng với thiết kế tương tự. Nếu sự cố xảy ra ở khu vực tầng 1, lối thoát duy nhất sẽ bị bịt kín. Thay vào đó, người dân chỉ có thể chạy lên tầng thượng chờ đợi sự cứu giúp.
Tình hình cháy nổ diễn biến rất phức tạp
Sáng 13.9, tại phiên họp 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề cập tình hình các vụ cháy xảy ra liên tục, nghiêm trọng thời gian qua và cho rằng “tình hình cháy nổ trên phạm vi cả nước diễn biến rất phức tạp”.
Bà Thanh dẫn chứng số liệu từ báo cáo của Chính phủ, 8 tháng trong năm 2023 đã xảy ra 2.031 vụ cháy, tăng 38%, làm 83 người chết, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. “Có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy, chết 3 – 4 người cùng một gia đình”, bà Thanh nói.
Bà Thanh cũng dẫn báo cáo của Chính phủ cho hay, cả nước còn hơn 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
Báo cáo tại phiên họp về con số 38.000 cơ sở còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho hay nguyên nhân là do vừa rồi Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn mới về phòng cháy, chữa cháy cao hơn. Trong khi những cơ sở nêu trên thì khi xây dựng lại áp theo tiêu chuẩn cũ nên rất khó khắc phục.
Lê Hiệp
Nắm bắt nhu cầu thuê căn hộ của các sinh viên, người lao động thu nhập thấp…, nhiều tòa chung cư mini, nhà ống 6 tầng đã xuất hiện nhan nhản quanh khu vực các trường đại học hoặc nội thành Hà Nội. Để tối ưu hóa “lợi nhuận”, nhiều chủ đầu tư sẽ lựa chọn xây chung cư mini, nhà ống trong ngõ hẻm, ô tô không thể di chuyển vào. Đồng thời, logia được thiết kế xây âm vào bên trong để tối đa hóa diện tích căn hộ. Do xây trong ngõ hẻm và liền kề với nhiều nhà cao tầng nên cửa sổ, ô thoáng hoặc logia đều được hàn bằng khung thép để đảm bảo an ninh trật tự. Điều này vô hình trung đã gây ra nhiều khó khăn cho người dân khi có sự cố xảy ra từ bên trong.
Đơn cử, tại các con ngõ ở phố Đồng Me, đường Mễ Trì Thượng (P.Mễ Trì, Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), do gần nhiều trường đại học và bến xe nên nơi đây dần trở thành “thủ phủ” của chung cư mini, nhà ống. Đi dọc các con ngõ này, không khó để bắt gặp biển cho thuê căn hộ trong chung cư mini có diện tích từ 20 – 35 m².
Hậu quả khôn lường
Đề cập vụ cháy thương tâm vừa qua, theo luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty luật Minh Bạch, sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: chủ đầu tư, các cấp chính quyền, cán bộ đô thị, cán bộ phòng cháy, chữa cháy phụ trách địa bàn… Ngoài ra, cần rà soát lại toàn bộ quá trình hình thành công trình từ nguồn gốc đất đến quá trình xây dựng, đưa vào sử dụng, kiểm tra phòng cháy, chữa cháy…
Đặc biệt, cần làm rõ tại sao lại xây dựng, đưa vào hoạt động một công trình tập trung số người quá đông trên diện tích không lớn, nằm trong ngõ nhỏ hẹp như vậy. Tiếp đó là làm rõ trách nhiệm của chính quyền ở các trường hợp: nếu không có giấy phép xây dựng tại sao lại để công trình mất an toàn mọc lên? Còn nếu có giấy phép xây dựng thì có xây dựng đúng hay không?
Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Nghiêm Quang Minh (44 tuổi, trú P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, UBND Q.Thanh Xuân đã cấp phép xây dựng cho ông Nghiêm Quang Minh từ tháng 3.2015. Giấy phép xây dựng số 89 ngày 11.3.2021 do Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân Đặng Hồng Thái ký. Công trình được xác định là nhà ở riêng lẻ, vị trí xây dựng tại tổ 3, cụm 4 (số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ). Diện tích xây dựng tầng 1 (có tầng lửng) là 167,4 m², mật độ xây dựng 70%. Công trình có chiều cao 6 tầng, tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật; tổng diện tích sàn xây dựng là 1.165,9 m²; tổng chiều cao công trình là 20,2 m (không tính tum thang).
Theo quan sát của PV, tòa nhà trên là một trong những công trình cao nhất ngõ 29 Khương Hạ, so với giấy phép cao hơn 3 tầng. Sau khi đưa vào sử dụng, tòa nhà này trở thành chung cư mini với 45 căn hộ, khoảng 150 người dân sinh sống.
Ông Đặng Hồng Thái, nguyên Phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân, xác nhận khi chủ nhà xây dựng sai phép ông đã có 2 văn bản chỉ đạo xử phạt. Theo ông Thái, ông đã ra quyết định cưỡng chế và giao Chủ tịch UBND P.Khương Đình thực hiện quyết định cưỡng chế nhưng tiếp theo như thế nào thì phải kiểm tra lại.
Mai Thu – Nguyễn Trường
“Tại sao lại cấp phép cho công trình mất an toàn như vậy? Trách nhiệm giám sát của chính quyền địa phương ở đâu? Có hay không sự buông lỏng quản lý?”, ông Tuấn Anh nói.
Trong khi đó, kiến trúc sư – chuyên gia phản biện độc lập Phạm Thanh Tùng nhận định vụ cháy chung cư mini đã cho thấy công tác cấp phép, quản lý đô thị yếu kém của cơ quan quản lý. “Đã có nhiều khuyến cáo về việc không phát triển chung cư mini mà phải đưa loại nhà này vào kiểm soát từ thiết kế đến thẩm định, nhưng vẫn có sự buông lỏng trong quản lý”, ông Tùng cho hay.
Trước hậu quả kinh hoàng do vụ cháy gây ra, ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 (Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng), đặt vấn đề cần làm rõ quy trình cấp phép, xây dựng, quản lý chung cư mini trên. Đồng thời, ông Thịnh cho rằng cần làm rõ vấn đề công trình đưa vào khai thác sử dụng, công an phòng cháy, chữa cháy, công an khu vực, cơ quan chức năng liên quan quản lý, kiểm tra, kiểm soát như thế nào? Những trường hợp không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy có được báo cáo, ngăn chặn không đưa vào sử dụng hay không?
“Nếu không kiểm soát tốt, hậu quả sẽ khôn lường”, ông Thịnh nhấn mạnh.