Bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe, bạn đọc còn có thể xem thêm các bài viết: Phòng tránh đau mắt đỏ tại nơi làm việc như thế nào?; 3 món ăn sáng giúp giảm mức cholesterol cao; 4 bài tập giúp tăng nhanh sức mạnh cơ ngực…
Dùng gừng nhiều quá có sao không?
Gừng thường được sử dụng để điều trị buồn nôn, bệnh dạ dày và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Nhưng nếu dùng quá nhiều, gừng có thể gây ra một số tác dụng phụ với sức khỏe.
Gừng chứa nhiều chất chống ô xy hóa, có tác dụng ngăn ngừa và giảm viêm khớp, nhiễm trùng, giảm nguy cơ ung thư, tiểu đường và nhiều bệnh khác. Dùng gừng mức độ vừa phải rất có lợi cho sức khỏe.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sử dụng gừng trong ăn uống là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cơ quan này không hề khuyến cáo dùng gừng như một sản phẩm bổ sung thường xuyên. Những tác dụng phụ khi dùng gừng quá nhiều gồm:
Vấn đề dạ dày. Các chuyên gia cũng lưu ý gừng có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa và tác dụng này rất có lợi. Tuy nhiên, ăn quá nhiều gừng khi bụng đói có thể gây tác động bất lợi, trong đó có trào ngược a xít và tiêu chảy.
Tụt đường huyết. Gừng có tác dụng giúp giảm đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Thế nhưng, nạp quá nhiều gừng có thể khiến đường huyết trong máu xuống thấp đến mức nghiêm trọng, dẫn đến tụt đường huyết. Bạn đọc có thể xem thêm nội dung bài viết này trên trang sức khỏe ngày 14.9.
3 món ăn sáng giúp giảm mức cholesterol cao
Cholesterol cao là yếu tố góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ.
Chế độ ăn uống là yếu tố góp phần chính dẫn đến cholesterol cao. Và thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa là thủ phạm hàng đầu gây ra tình trạng này. Những chất béo có hại này có nhiều trong thịt mỡ, phô mai, bơ và bánh quy.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm có thể giúp giảm mức cholesterol. Nổi bật nhất là 3 loại thực phẩm bạn có thể xem xét đưa vào bữa sáng, bao gồm yến mạch, trái bơ và các loại đậu.
Yến mạch. Thực phẩm này chứa chất xơ hòa tan, giúp giảm cholesterol “xấu”. Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ) cho biết: Chất xơ hòa tan có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol vào máu. Tiêu thụ 5 -10 gram chất xơ hòa tan trở lên mỗi ngày sẽ làm giảm cholesterol “xấu”.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí nghiên cứu về mỡ máu Lipids in Health and disease năm 2017, cho thấy ăn 70 gram yến mạch nấu cháo hằng ngày trong 28 ngày đã giảm 11,6% mức cholesterol “xấu”. Nội dung tiếp theo của bài viết này sẽ có trên trang sức khỏe ngày 14.9.
4 bài tập giúp tăng nhanh sức mạnh cơ ngực
Cơ ngực săn chắc, khỏe mạnh không chỉ mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn giúp cải thiện các hoạt động thường ngày. Đẩy một chiếc xe máy, cánh cửa hoặc bất kỳ vật nặng nào cũng đều cần cơ ngực khỏe mạnh. Một số bài tập có thể giúp nhanh chóng tăng sức mạnh cơ ngực.
Cơ ngực chắc khỏe cũng góp phần cải thiện tư thế vận động. Nếu cả cơ ngực và cơ lưng đều mạnh mẽ thì sẽ cải thiện khả năng hô hấp. Với phụ nữ, cơ ngực chắc khỏe sẽ giúp ngực họ nâng cao hơn một chút so với tự nhiên.
Để cải thiện cơ ngực, mọi người hãy thực hiện thường xuyên các bài tập sau:
Hít đất. Hít đất là bài tập đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện ở bất kỳ đâu. Loại bài tập này phù hợp với cả người mới bắt đầu và người đã tập luyện lâu. Đặc biệt, hít đất không chỉ nhắm vào cơ ngực mà còn giúp tăng sức mạnh nhiều nhóm cơ khác như vai, lưng, bụng và bắp tay sau.
Ép ngực bằng tạ đơn. Khi thực hiện động tác này, người tập sẽ nằm ngửa trên ghế dài, hai tay đưa ra trước ngực, khuỷu tay hơi cong, bàn tay cầm tạ và hướng lòng bàn tay vào trong. Động tác sẽ bắt đầu bằng cách mở rộng cánh tay sang 2 bên, hạ tạ xuống để cảm thấy căng cơ ngực, sau đó co cơ ngực để khép 2 cánh tay lại như vị trí bắt đầu. Hãy bắt đầu ngày mới với tin tức sức khỏe để xem thêm nội dung bài viết này bạn nhé!