Chuyển đổi số trong nông nghiệp đang trở thành xu thế tất yếu đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thậm chí nông dân chuyển đổi để thích nghi.
Thời gian qua, nhiều “nông dân 4.0” ở Bắc Ninh đã dám nghĩ, dám làm, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.
Nông dân 4.0
Sau hơn 10 năm nỗ lực, kiên trì theo đuổi đam mê với cây măng tây xanh, anh Vũ Huy Tuấn, xã Minh Tân, huyện Lương Tài đã khởi nghiệp thành công. Mô hình của anh đã tạo việc làm cho 10 lao động, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm. Thành công của anh Tuấn là nhờ sự tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ dám làm, biết ứng dụng các kỹ thuật khoa học công nghệ vào sản xuất .
Theo anh Tuấn, với 2 ha trang trại áp dụng công nghệ IoT với hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo khắp trang trại, nên việc chăm sóc cây trồng cần rất ít lao động. Cụ thể, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người sử dụng có thể quản lý chi tiết được lượng nước tưới, thời gian tưới, độ ẩm, nhiệt độ trong trang trại… Dù ở bất kỳ đâu, người quản lý trang trại cũng có thể quản lý được công nhân làm việc, cũng như tình trạng dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển của cây.
Năm 2020, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh thành lập Chi hội nghề nghiệp măng tây xanh gồm 32 hội viên là những nông dân đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh cây măng tây xanh và các sản phẩm chế biến từ măng tây xanh. Anh Vũ Huy Tuấn được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng. Với vai trò của mình, anh Tuấn đã cùng với Ban Chấp hành Chi hội quy tụ, hướng dẫn các hội viên sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo dựng thương hiệu măng tây xanh Bắc Ninh, đăng ký tham gia chương trình OCOP của tỉnh; phân bổ thời gian sản xuất, thu hoạch để tạo nguồn hàng ổn định thường xuyên cung ứng ra thị trường.
Để việc tiêu thụ măng tây xanh, anh Tuấn đã tích cực giới thiệu các sản phẩm của Chi hội nghề nghiệp lên sàn thương mại điện tử, cũng như các trang mạng xã hội.
“Các sản phẩm từ măng tây xanh của chúng tôi được áp dụng dán mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sau đó, đưa lên sàn thương mại điện tử qua cổng thông tin. Khách hàng chỉ cần quét và truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm sẽ biết được thông tin nhà vườn, quy trình canh tác và ngày thu hoạch sản phẩm. Do vậy, việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc tại các sản thương mại điện tử giúp việc tiêu thụ măng tây không bị thương lái ép giá, qua đó nâng cao chất lương, giá thành sản phẩm”, anh Tuấn chia sẻ.
Ở Bắc Ninh, ông Trần Văn Tường, ở phường Trang Hạ, thành phố Từ Sơn được ví như “ông trùm” gà giống, bởi mỗi tháng, gia đình ông cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 con gà giống đảm bảo chất lượng.
Theo ông Tường, ông đã đầu tư trên 20 tỷ đồng vào khu trang trại ở huyện Lương Tài bao gồm tiền mua đất, xây dựng chuồng lạnh, xây dựng tường bao, máy ấp trứng, hệ thống điện và máy phát điện dự phòng. Hệ thống chuồng lạnh, luôn được duy trì ở nhiệt độ 28 độ C, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm thu dọn sạch, khử mùi tốt. Với phương pháp chăn nuôi chuồng lạnh, gà ít bệnh, tiết kiệm được chi phí thuốc men, thức ăn.
“Trang trại đã áp dụng máy cho ăn tự động và uống nước tự động nên số công nhân giảm tới 50%. Đặc biệt, cuối năm 2022, tôi đã đưa vào sử dụng bồn cấp cám tự động 16 tấn để cấp cám cho 4 khu chuồng lạnh nuôi trên 3 vạn con gà bố mẹ. Việc sử dụng bồn cám đã giúp tôi tiết kiệm khoảng 20 triệu tiền vỏ bao khi mua thức ăn chăn nuôi”, ông Tường nói.
Với tổng đàn trên 3 vạn gà bố mẹ, cứ 4 ngày ông lại cho khoảng 100.000 trứng vào lò ấp nở, tỷ lệ ấp nở thành công là 80%, cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 gà giống mỗi tháng. Hiện, khu trang trại chăn nuôi và ấp nở trứng đã tạo công ăn việc làm cho 15 – 17 lao động địa phương với mức thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng, riêng 3 lao động chọn gà giống đực, mái, ông chi trả mỗi tháng khoảng 150 triệu đồng để trả tiền lương. Trừ chi phí, hiện mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Trình, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch thực hiện. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và ngành nghề nông thôn; trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trong thực hiện chính sách đã tác động tích cực tới việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất từ 118,4 triệu đồng/ha năm 2019 lên 138,7 triệu đồng/ha năm 2022.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh chủ động các hoạt động hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp thực hiện việc chuyển đổi số như: Tập huấn cho các hộ kinh doanh đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử VOSO; xây dựng phần mềm quản lý an toàn thực phẩm dữ liệu về lĩnh vực an toàn thực phẩm như thông tin cơ sở sản xuất ban đầu được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chuỗi sản xuất ban đầu. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã thành lập nhóm Zalo để cập nhật các thông tin mới, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn. Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản trong hoạt động chuyển đổi số đã tạo thuận lợi, minh bạch thông tin, giảm chi phí trung gian. Qua đó, tạo mối “liên kết – hợp tác” chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và nông dân, khắc phục điểm nghẽn của một nền sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, tạo ra các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, trách nhiệm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Công Trình cho rằng, việc chủ động ứng dụng công nghệ số vào quản lý, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thấy, nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đang dần chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại và sản xuất nông nghiệp ngày một hiệu quả và bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số tổ chức, cá nhân chưa quen với việc ứng dụng công nghệ số; trình độ ứng dụng công nghệ số của một số tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nông nghiệp còn hạn chế…
Để việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp được thực hiện ngày càng hiệu quả, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu, xây dựng lộ trình đầu tư, nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR code. Xây dựng và hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời; đồng thời đẩy mạnh thông tin, truyền thông tuyên truyền về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận tiếp cận chính sách và đưa công nghệ số vào sản xuất, qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.