Những ngày gần đây, “sầu riêng” đang trở thành chủ đề nóng được nhiều người quan tâm, bởi loại trái cây này chính thức trở thành ngành hàng tỷ USD mới của nước ta. Song, vấn đề xung quanh câu chuyện phát triển bền vững, tạo dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh của trái sầu riêng Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng được đặt ra.
Tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) – cho biết, sầu riêng Việt Nam không phải chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà đã xuất khẩu đi 24 thị trường.
Trong 8 tháng năm 2023, lượng sầu riêng tươi xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn, còn với sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng và còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu.
“Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục mở cửa thị trường cho quả sầu riêng sang thị trường Ấn Độ – một thị trường tỷ dân rất tiềm năng”, bà Hương cho hay. Nhưng muốn xuất khẩu được sang Ấn Độ cũng như các thị trường khác, chúng ta phải đảm bảo được khâu tổ chức sản xuất cũng như chất lượng quả sầu riêng.
Với thị trường Trung Quốc, bà nhận định đây là thị trường lớn nhất, có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng. Theo đó, vùng trồng phải đăng ký; phải quản lý được sinh vật gây hại; được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý; đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc…
Tương tự, cơ sở đóng gói cũng phải đảm bảo quy tắc một chiều; đảm bảo phân khu đầy đủ; yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất.
Thời gian tới, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu… đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.
Bà Hương lưu ý, thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng. Những lô hàng chộp giật, mạo sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng Việt Nam, doanh nghiệp làm ăn uy tín cũng bị ảnh hưởng.
“Vậy những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với Chi cục Bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay. Không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình”, bà nhấn mạnh.
Theo bà, hiện nay các đối thủ của sầu riêng Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, Philippines… liên tục đầu tư vào khoa học công nghệ. Họ đã xây dựng được thương hiệu và định vị, định danh trên thị trường quốc tế. Nếu chúng ta cứ ngủ quên trên chiến thắng, tự ru ngủ mình là số 1, là duy nhất thì nguy cơ thua ngay từ lúc bắt đầu.
Bà mong thời gian tới, nông dân và doanh nghiệp sẽ cùng nhau nâng cao trách nhiệm cộng đồng, tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và các nước xuất khẩu; cùng nhau hợp tác và hỗ trợ để xây dựng thương hiệu sầu riêng Việt Nam. Có như vậy, sầu riêng Việt Nam mới phát triển bền vững, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, thừa nhận, sầu riêng đã tăng trưởng nóng suốt mấy năm vừa qua. Song, ông cho rằng cần nhìn thẳng vấn đề ngành hàng của nước ta đã đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines nên cần có cách ứng phó phù hợp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông, phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.
Trong hành trình nâng tầm sầu riêng Việt Nam, ông Toản không quên vai trò của truyền thông. Đây sẽ là khởi nguồn cho việc nông dân tự chủ hơn trong quy trình canh tác, quyết định mua bán, đồng thời để các nhà cung cấp, sơ chế, chế biến có cái nhìn sát hơn với yêu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, ông đề nghị quan tâm hơn đến các thị trường khác, thông qua các FTA thế hệ mới. Bởi, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại như: CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á – Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác – liên kết – thị trường”. Do vậy, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Đã đến lúc chúng ta kết hợp giữa việc siết chặt quản lý trong sản xuất, chuỗi ngành hàng vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tâm An