Nga bố trí tổ hợp pháo – tên lửa Pantsir-S1 lên tháp không ở Moskva, nhằm tăng cường năng lực đối phó UAV tập kích.
Kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-24 tuần trước đăng hình ảnh tổ hợp Pantsir-S1 được triển khai tới các khu vực xung quanh thủ đô Moskva nhằm tăng cường năng lực phòng không trước các cuộc tập kích bằng UAV.
Một số tổ hợp được đặt trên tháp cao, tương đồng với tháp Flak (Flakturm), tên gọi của hệ thống tháp phòng thủ mà Đức từng xây dựng trong Thế chiến II, theo một số nhà quan sát.
Tháp Flak là công trình kiến trúc bằng bê tông khổng lồ có chiều cao khoảng 70 mét, tương đương một tòa nhà cao 21 tầng, được trang bị hàng chục vũ khí phòng không, trong đó pháo 128 mm, để có thể bao quát không phận và tăng tầm bắn.
Các tháp phòng không của Nga không cao như tháp Flak. Một số cao tương đương tòa nhà ba tầng, trong khi số khác thì còn thấp hơn, chỉ giống một con dốc cao khoảng 6 mét. Các tổ hợp Pantsir S-1 dường như được đưa lên nóc tháp phòng không bằng cần cẩu hoặc máy bay trực thăng hạng nặng.
Ukraine gần đây tiến hành nhiều cuộc tập kích bằng UAV nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. BBC ngày 1/9 ước tính đã có hơn 190 cuộc tập kích bằng UAV như vậy kể từ đầu chiến sự, trong đó riêng thủ đô Moskva hứng chịu hơn 10 đợt tấn công.
Ngày 30/8, UAV của Ukraine đồng loạt tấn công ít nhất 6 khu vực tại Nga, khiến 4 máy bay vận tải hạng nặng Ilyushin Il-76 tại thành phố Pskov bị hư hại. Đây được cho là vụ tập kích bằng UAV có quy mô lớn lớn nhất nhằm vào lãnh thổ Nga tính từ đầu năm.
Theo chuyên gia quân sự Michael Peck, việc Nga đặt tổ hợp Pantsir S-1 trên tháp cao giúp tổ hợp này tăng phạm vi phát hiện mục tiêu và tầm bắn. Đây không phải là ý tưởng mới, bởi Nga từng đặt tổ hợp Pantsir lên nóc các tòa nhà cao tầng ở Moskva, song đây là lần đầu tiên nước này xây dựng công trình chuyên dụng để bố trí loại vũ khí này.
Peck cũng cho rằng chiến thuật của Nga còn có tác dụng về mặt tâm lý, khi các tháp cao này đóng vai trò biểu tượng về khả năng bảo vệ của chính phủ đối với người dân.
Được phát triển từ những năm 1990 và đưa vào biên chế quân đội Nga từ năm 2003, Pantsir-S1 được trang bị hai pháo 30 mm và 12 ống phóng tên lửa phòng không tầm bắn 18 km.
Pantsir-S1 có thể phát hiện và đối phó tên lửa, rocket, trực thăng cũng như các loại máy bay không người lái (UAV) mà Ukraine thường dùng để trinh sát hoặc tấn công tự sát.
Tổ hợp Pantsir có một camera ảnh nhiệt cho phép xạ thủ phát hiện liệu vỏ nhựa của UAV có gắn thuốc nổ và kíp hay không. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các kíp vận hành Pantsir trong mỗi ca chiến đấu đều phát hiện và tiêu diệt nhiều mục tiêu. Kênh Zvezda của Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Ukraine đang săn lùng các tổ hợp Pantsir do chúng “đạt hiệu quả 100%” trên chiến trường.
Phạm Giang (Theo Business Insider, Defence Blog)