Hầu hết nguyên nhân gây chết người tại các vụ hỏa hoạn là ngạt và nhiễm độc khí, đặc biệt ở các tòa nhà cao tầng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa Phỏng – Tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM).
Nguy cơ thiệt mạng do ngạt, nhiễm độc khí
– Trong một vụ cháy, có rất nhiều loại khí độc được sinh ra từ khói của đám cháy như CO, CO2, amoniac, axit hữu cơ…
– CO và CO2 là nguyên nhân chính gây tử vong. Cụ thể, ngộ độc khí dẫn đến suy hô hấp, rối loạn thần kinh, mất kiểm soát.
– Các loại khí này cũng khiến cơ thể tiêu hao nhiều thể lực vì thiếu oxy.
– Ngoài ra, khói khí độc sinh ra trong đám cháy gây cản trở tầm nhìn, kích ứng mắt làm nạn nhân mất phương hướng, khiến việc thoát và công tác cứu người bị nạn khó khăn.
Kỹ năng phòng tránh
– Sử dụng khăn thấm nước che kín miệng và mũi lọc không khí khi hít thở. Có thể sử dụng mặt nạ chống khói nếu được trang bị trước.
– Muốn thoát ra khỏi đám cháy, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy nhanh qua đám lửa ra ngoài, tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
– Khi lượng khói phát sinh nhiều, người thoát nạn phải cúi khom người, quỳ, bò hoặc trườn ra khỏi đám cháy.
– Cố gắng bình tĩnh, nhanh chóng gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy để được cứu nạn kịp thời.
– Trong quá trình tới viện, nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt.
Các bước xử lý khi có tai nạn bỏng
– Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt
+ Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi đám cháy, dập lửa, ngắt điện…
+ Cởi hoặc cắt bỏ quần áo bị cháy hoặc thấm đẫm nước sôi, nhẫn hoặc đồng hồ trước khi phần bỏng sưng nề.
+ Tránh làm vỡ hoặc trợt vòm nốt phỏng.
+ Đặt nạn nhân nơi an toàn, thoáng, cao ráo để có thể thực hiện cứu chữa sơ bộ ban đầu có hiệu quả.
– Đánh giá ban đầu, bảo đảm những chức năng sống
+ Thăm khám nhanh để kịp thời đánh giá trạng thái toàn thân nạn nhân.
+ Đánh giá sơ bộ mức độ tổn thương.
+ Hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực nếu có ngừng thở ngừng tim, cố định xương gãy (nếu có)…
– Nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch
+ Ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30-60 phút từ sau khi bị bỏng.
+ Nhiệt độ nước tiêu chuẩn từ 16-20 độ C.
+ Thời gian ngâm rửa kéo dài từ 15-45 phút, có thể ngâm rửa tới khi hết đau rát.
+ Cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn: nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng…
+ Nếu có nước vô khuẩn thì càng tốt.
+ Chú ý giữ ấm và tránh gió lùa sau ngâm rửa, nhất là mùa đông, không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân.
– Che phủ tạm thời vết bỏng
+ Che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch như gạc y tế, thậm chí khăn mặt, khăn tay, vải màn… sạch để quấn phủ lên.
+ Với vùng mặt, vùng sinh dục bị bỏng, chỉ cần phủ một lớp gạc.
+ Băng ép cần tiến hành sớm, tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng.
+ Không bôi bất kỳ chất gì vào vùng bỏng khi chưa rửa sạch và không được sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
– Ủ ấm, bù nước và muối sau bỏng
+ Ủ ấm nạn nhân, nhất là về mùa đông.
+ Cho nạn nhân uống nước oresol, nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước mì tôm, nước hoa quả.
+ Nếu nạn nhân là trẻ còn bú thì vẫn cho bú bình thường.
– Nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất
+ Sau khi hoàn thành công việc sơ cấp cứu, cần nhanh chóng vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.
+ Bỏng kết hợp với chấn thương, gãy xương: cố định tạm thời vùng chấn thương và xương bị gãy trước khi vận chuyển.
+ Chú ý giữ ấm trên đường vận chuyển.
+ Tùy hoàn cảnh cụ thể mà vận chuyển bằng cáng, võng, xe đạp, xe máy, ô tô…
+ Khi bỏng nặng, tốt nhất là vận chuyển nạn nhân bằng xe cứu thương, trên đường vận chuyển vẫn tiếp tục theo dõi chức năng sống, cho uống nước và giảm đau (nếu xe có sẵn thuốc).
Mỹ Ý