Cô Keisha Sethi, 24 tuổi, bắt đầu phát hiện tình trạng kỳ lạ của mình khi mang thai ở tháng thứ 7. Ban đầu, bạn trai cô là anh Brad nhận thấy một vết ố màu xanh da trời trên bệ ngồi toilet, theo tờ The Sun (Anh).
Cô Sethi cũng bắt đầu quan sát thấy những vết ố xanh trên quần áo, mền và vỏ gối. Điều này khiến cặp đôi cảm thấy bối rối vì không biết chúng xuất hiện do đâu. “Tôi giống như đang chảy mực xanh, cảm thấy mình không khác gì con bạch tuộc. Tôi không biết đó là gì”, cô Sethi kể lại.
Vì lo sợ những vết ố đó có thể là dấu hiệu thai nhi bất ổn nên cô đã lập tức đến bác sĩ kiểm tra. Các kết quả chẩn đoán sau đó phát hiện cô mắc một tình trạng hiếm gặp gọi là chromhidrosis, khiến người mắc tiết ra mồ hôi có màu. Trong trường hợp của Sethi, nguyên nhân dẫn đến chromhidrosis là do sự mất cân bằng nội tiết khi đang mang thai, khiến tuyến mồ hôi tích tụ nhiều lipofuscin, loại sắc tố làm mồ hôi đổi màu.
Viện Y tế Quốc gia Mỹ cho biết chromhidrosis xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này không chỉ khiến người mắc tiết mồ hôi có màu xanh dương mà còn là xanh lá cây, màu đen, vàng và nâu. Bất kỳ ai cũng có thể mắc mà không liên quan gì đến giới tính, tuổi tác, sắc tộc hay vùng địa lý sinh sống.
Chromhidrosis là vô hại nhưng khiến người mắc dễ cảm thấy xấu hổ và lo lắng, thậm chí có thể gây rối loạn lo âu hay trầm cảm. Bệnh thường là mạn tính nhưng màu sắc của mồ hôi sẽ nhạt dần theo thời gian do sự tích tụ lipofuscin trong tuyến mồ hôi sẽ ít dần.
Có nhiều phương pháp điều trị chromhidrosis tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, từ thoa kem capsaicin lên da đến dùng thuốc kháng khuẩn, theo The Sun.