Nhiều dự án đã được tháo gỡ khó khăn
8 tháng đầu năm 2023, sau khi Chính phủ đưa ra hàng loạt các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn về tín dụng, pháp lý, thị trường BĐS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo các chuyên gia phân tích của Công ty CBRE, nhiều dự án đã bắt đầu triển khai trở lại. Nhờ đó, lượng cung được cải thiện và lượng hấp thụ sản phẩm BĐS, đặc biệt là căn hộ chung cư tăng lên. Đặc biệt, những dự án có pháp lý tốt, quy hoạch bài bản nằm tại các địa phương phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư. Nếu so với năm 2020 – 2021, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS không được khả quan. Điều này dễ hiểu bởi các doanh nghiệp BĐS hiện vẫn đang chịu áp lực về dòng tiền, sức ép về thanh khoản trên thị trường.
Vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã rà soát 180 dự án BĐS tại TP.HCM và 175 dự án tại Hà Nội. Sau khi phân loại nhóm dự án, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án. Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của Tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.
Tại Hà Nội, đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của hơn 100 dự án. Các dự án đều được tháo gỡ các vấn đề liên quan đến dứt điểm giải phóng mặt bằng, xem xét, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kết nối hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai thi công dự án, đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật; phê duyệt quy chế cho thuê nhà tại dự án…
Ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, những nỗ lực này của địa phương và tổ công tác bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường BĐS. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của các Tổ công tác Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần giải quyết cho hầu hết các dự án BĐS đang gặp vướng mắc. Bên cạnh đó, phía ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất 4 lần, nhằm hạ mặt bằng cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp BĐS và người mua nhà dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng hơn. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường trong thời gian tới.
Các chính sách tháo gỡ thường có độ trễ về thời gian, vì vậy các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ cần phân loại các doanh nghiệp BĐS để xử lý theo các hướng khác nhau. Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đang gặp vướng mắc về hàng tồn kho, Nhà nước có thể giúp tổ chức xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp ngoài nước để thêm kênh tiêu thụ. Đối với doanh nghiệp yếu kém về tài chính, có nhiều dự án vướng mắc pháp lý mà không đủ nguồn lực để thực thi, Nhà nước có thể sắp xếp mua lại hoặc “rót vốn” hỗ trợ. Doanh nghiệp BĐS cũng phải chấp nhận sáp nhập hoặc tái cấu trúc trong bối cảnh này.
“Các cơ chế, chính sách mà Chính phủ đưa ra đang tạo nên những tác động tích cực đối với thị trường BĐS. Về phía các doanh nghiệp BĐS, cần định hướng phát triển và có giải pháp phục hồi bền vững. Đặc biệt, trong vấn đề cơ cấu sản phẩm của mình cần tính toán kỹ phân khúc BĐS nhà ở phục vụ thực sự nhu cầu của người dân để khi thị trường BĐS ấm trở lại, kéo theo sự hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp mình”- ông Đính nhấn mạnh.
Chuẩn bị nguồn cung dự án trong tương lai
Khảo sát của Hội Môi giới BĐS Việt Nam với 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS cho thấy, về nguồn cung, có tới 43% doanh nghiệp được khảo sát cho biết các cơ chế, chính sách mới được ban hành từ đầu năm 2023 đã có tác động tích cực, rất tích cực tới nguồn cung BĐS.
Xét trên tổng thể trong suốt gần 8 tháng qua, tình hình nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân trên thị trường BĐS đã có tín hiệu tích cực. Cụ thể vào những tháng cuối quý 2 và đầu quý 3, tại TP.HCM, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng , hàng loạt dự án nhà ở xã hội đã được triển khai và mở bán.
Theo ông Hà Quang Hưng -Phó cục Trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), sự thay đổi này đến từ hai nguồn chính yếu sau. Thứ nhất, một số dự án vướng mắc ở khâu pháp lý cuối cùng, được tháo gỡ và kịp thời đưa ra thị trường. Thứ hai, một số dự án trước đó đã đủ điều kiện mở bán nhưng chủ đầu tư trì hoãn việc ra hàng do tâm lý e ngại thị trường trầm lắng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch bán hàng. Trước các động thái quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các chủ đầu tư được trấn an tinh thần và có thêm niềm tin để quyết định mở bán. Ngoài ra, phải nói thêm rằng các vấn đề về pháp lý dự án không thể giải quyết trong thời gian ngắn, do vậy, việc doanh nghiệp BĐS chuyển động lo lắng giải quyết các vấn đề vướng mắc pháp lý trong thời điểm này sẽ giúp cho nguồn cung tương lai của thị trường BĐS được đảm bảo hơn.
Hiện tại, các doanh nghiệp BĐS đang chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư, cơ cấu sản phẩm… nhằm đảm bảo phù hợp với năng lực của doanh nghiệp và phù hợp với nhu cầu thực của xã hội; Khẩn trương rà soát, hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh chóng triển khai, thực hiện dự án đảm bảo đúng quy định pháp luật.