Tăng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung trợ cấp gia đình sẽ giúp lao động vượt qua thách thức khi không có việc làm, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Tại báo cáo mới công bố Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ở Việt Nam: Xu hướng, thách thức và kiến nghị, ILO đánh giá khoản rút BHXH một lần nhìn qua có vẻ lớn, hấp dẫn với lao động nhưng có nhiều bất cập. Không ai biết mình sống được bao lâu sau khi nghỉ hưu, có thể là 5 hoặc 30 năm và cũng không biết sẽ phải chi bao nhiêu hàng tháng cho đến cuối đời. Nếu không có phương án tiết kiệm, lao động sẽ gặp khó khăn khi về già.
Nhiều người dùng khoản rút bảo hiểm một lần đầu tư kinh doanh, mua nhà mới, cho con du học hoặc du lịch nước ngoài. Nhưng phần lớn tiêu hết rất nhanh, ngay cả với người có kế hoạch tài chính kỹ lưỡng.
ILO dẫn nghiên cứu ở Malaysia những năm 2000, phần lớn lao động rút bảo hiểm một lần để nghỉ hưu sớm đã tiêu sạch khoản này trong 3 năm. Cuối cùng, họ vẫn phải trông chờ vào khoản trợ cấp xã hội dành cho người nghèo của chính phủ. Khi đó, cả xã hội phải gánh chịu chi phí, gồm những người đang nộp thuế.
Một bất cập nữa là phần lớn lao động rút BHXH một lần trong độ tuổi đi làm khiến Việt Nam đối mặt thách thức kép khi vừa phải mở rộng lưới an sinh, vừa giữ chân họ ở lại hệ thống.
Để giải quyết bài toán rút BHXH một lần, ngoài đưa chính sách trợ cấp gia đình, trẻ em vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ILO khuyến nghị nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp. Khi không có hoặc nhận mức trợ cấp thấp, lao động buộc phải tìm nguồn thay thế và nghĩ ngay đến rút BHXH một lần.
Hiện tỷ lệ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 60% nhưng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH thấp, tiền trợ cấp lao động nhận được vì thế khá thấp so với chi phí sinh hoạt lẫn thu nhập thực tế. Thống kê tiền lương đóng BHXH của lao động chỉ 5,56 triệu đồng, mức trợ cấp lao động nhận được chỉ 3,4 triệu đồng mỗi tháng.
ILO cũng khuyến nghị tăng dần thời gian chờ dài hơn 12 tháng sau khi nghỉ việc để giảm động lực rút BHXH một lần của lao động, như mỗi năm đóng bảo hiểm tăng thêm một tháng chờ. Ngoài ra, cần làm tốt hơn chính sách đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng giúp lao động nhanh tìm việc mới.
Theo ILO, tăng các khoản trợ cấp cùng đi dần từng bước hạn chế rút BHXH một lần sẽ không tạo ra cú sốc và khiến lao động dễ chấp nhận thay đổi chính sách hơn. “Việc này phải lấy ý kiến lao động, chủ sử dụng để đảm bảo chính sách nhận được đồng thuận của họ và xã hội đều chấp nhận”, báo cáo nêu.
Tới cuối năm 2022, kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 59.300 tỷ đồng, dự kiến năm nay tăng lên hơn 62.400 tỷ. Cùng năm, lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng gần 23% so với cùng kỳ, khoảng 983.000 người. Phần lớn lao động chọn nhận tiền trợ cấp, trong khi số được hỗ trợ học nghề chỉ 21.800.
Tại Diễn đàn người lao động cuối tháng 7, công nhân kiến nghị Quốc hội sửa luật theo hướng nâng tiền trợ cấp, giảm mức đóng dưới 1% cho người lao động, bởi nguồn quỹ kết dư lớn trong khi mức trợ cấp còn hạn chế. Lao động cho rằng tiền trợ cấp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của sáu tháng liền kề trước khi nghỉ việc là thấp.
Hồng Chiêu