Trước đây, khi nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), người ta lại nhớ đến một nơi đầy gian khó với địa hình chủ yếu là những ngọn núi đá gập ghềnh, hiểm trở. Năm 2010, hồ sơ Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, qua đó cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành và người dân đặc biệt là tỉnh Hà Giang diện mạo của Cao nguyên đá Đồng Văn đã có nhiều đổi thay, khởi sắc.
Khu du lịch quốc gia (DLQG) Cao nguyên đá Đồng Văn là toàn bộ Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, gồm 04 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ của tỉnh Hà Giang, được giới hạn: Phía Bắc và phía Đông giáp Trung Quốc; phía Nam giáp huyện Bắc Mê Hà Giang và huyện Bảo Lâm Cao Bằng; phía Tây giáp huyện Vị Xuyên Hà Giang. Với tổng diện tích 232.606 ha, trong đó khu vực tập trung phát triển các dịch vụ du lịch rộng khoảng 2.000 ha.
Du khách đến với Cao nguyên đá (Ảnh: Internet)
Phát triển du lịch Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, chủ yếu dưới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị tổng thể các loại hình di sản, khai thác hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch, trong đó các di sản địa chất đóng vai trò chủ đạo, các di sản văn hóa dân tộc là bản sắc, chú trọng bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Cùng mối liên kết với các địa bàn trọng điểm về du lịch, dịch vụ của tỉnh, các điểm đến trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và với Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, bảo đảm lợi ích cộng đồng dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Với đầu tư trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.
Cụ thể đến năm 2025 đón 950 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 250 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón 1,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 380 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2025 đạt khoảng 2.800 tỷ đồng và phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 5.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu phát triển về cơ sở lưu trú năm 2025 có khoảng 5.700 buồng; năm 2030 có khoảng 9.000 buồng. Chỉ tiêu việc làm đến năm 2025 tạo việc làm cho 8.600 lao động trực tiếp. Phấn đấu năm 2030 tạo việc làm cho trên 13.000 lao động trực tiếp.
Qua đó định hướng phát tập trung khai thác thị trường khách từ thủ đô Hà Nội, các đô thị trong vùng đồng bằng sông Hồng, như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, như: Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên; từng bước mở rộng các thị trường lớn ở miền Trung, miền Nam như Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… Chú trọng khách du lịch tham quan di sản địa chất, sinh thái, giáo dục địa chất, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, đô thị và sự kiện, vui chơi, giải trí.
Những hàng rào đá cao, vững chắc ôm trọn lấy những ngôi nhà nhỏ (Ảnh: Internet)
Ưu tiên phát triển thị trường khách có khả năng chi tiêu cao: Tây Âu (Pháp, Đức, Anh…), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada), Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng thị trường đến từ các nước ASEAN (Lào, Bắc Thái Lan, Campuchia), Đài Loan, Trung Quốc và các nước Đông Âu. Chú trọng khách du lịch nghiên cứu, tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá cảnh quan, giá trị Công viên địa chất toàn cầu, sinh thái nông nghiệp đặc thù và thể thao mạo hiểm.
Phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản địa chất và Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn, du lịch cộng đồng phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa dân tộc, du lịch thiên nhiên: Phát triển trên cơ sở khai thác các đặc trưng đa dạng sinh học và trải nghiệm thiên nhiên, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch đô thị và sự kiện.
Đẩy mạnh các hoạt động như: một ngày của Pao; Chợ tình Khâu Vai; Một ngày với vua mèo tại khu di tích kiến trúc nghệ thuật nhà Vương; Một ngày làm nương rẫy với người Mông ở Mèo Vạc; Phố đi bộ và lễ hội phố cổ Đồng Văn; Du lịch thể thao mạo hiểm khinh khí cầu, dù lượn; Du lịch khám phá sông Miện.
Đẩy mạnh phát triển 04 trung tâm du lịch gồm Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Đồng Văn gắn với du lịch tham quan, văn hóa lịch sử, nghiên cứu địa chất; Trung tâm du lịch khoa học, mạo hiểm Mèo Vạc gắn với du lịch sinh thái, khám phá, văn hóa, nghiên cứu địa chất; Trung tâm du lịch sinh thái, đô thị xanh Yên Minh gắn với du lịch sinh thái bao gồm cả các hoạt động vui chơi giải trí mang hình thức sinh thái và sinh thái nông nghiệp, thể thao; Trung tâm du lịch vui chơi giải trí cao cấp Quản Bạ gắn với du lịch vui chơi giải trí, thể thao và sự kiện.
Phân khu du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc phát triển trên cơ sở lấy tượng đài Thanh niên xung phong làm trung tâm và mở rộng các chức năng thành khu công viên văn hóa, tâm linh. Phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng thuộc hẻm vực Tu Sản phát triển du lịch thể thao mạo hiểm. Phân khu du lịch lòng hồ thủy điện Thái An thuộc xã Thái An, huyện Quản Bạ phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ, thể thao, vui chơi giải trí mặt nước.
Một tác phẩm khác đạt giải ba tên là Chợ tình Khâu Vai của Bùi Việt Đức (Vĩnh Phúc). Anh chụp bức ảnh này vào tháng 12/2019 ở Mèo Vạc.
Phân khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và khai thác các tiềm năng về dược liệu, phân khu du lịch sinh thái Nặm Đăm thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái. Chú trọng các điểm du lịch quan trọng như: Nặm Đăm huyện Quản Bạ, Bục Bản huyện Yên Minh, Lũng Cẩm Trên huyện Đồng Văn, Thiên Hương huyện Đồng Văn, Lô Lô Chải huyện Đồng Văn, Pả Vi Hạ huyện Mèo Vạc, Nà Trào huyện Mèo Vạc, Bản Tòng huyện Mèo Vạc…
Điểm du lịch sinh thái hoặc Trung tâm du lịch sinh thái: Vườn quốc gia Du Già, khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn, khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Quản Bạ, khu Bảo tồn loài – sinh cảnh Chí Sán. Các điểm tham quan có giá trị về cảnh quan và di sản địa chất, gồm: Hang Lùng Khúy, hang Nà Luông, hang Rồng, Thạch Sơn Thần, rừng thông Na Khê, Bãi đá Hải Cẩu, Bãi đá mặt trăng…Nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, chợ Khâu Vai, chợ Phong Lưu…Đền Bình An, miếu Làng Đán, đền Quan Công, chùa Quan Âm, đền Lũng Cú, miếu Ông, miếu Bà…Các làng nghề truyền thống: Rượu Thanh Vân xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, dệt lanh thôn Hợp Tiến xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ…
Ưu tiên phát triển cơ sở lưu trú tại các trung tâm du lịch Đồng Văn (khống chế tầng cao tại khu vực bảo tồn), Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ; Khối nhà nghỉ dưỡng tại thị trấn Tam Sơn, thị trấn Yên Minh, các phân khu: Chăm sóc sức khỏe Quản Bạ, sinh thái Nặm Đăm, lòng hồ thủy điện Thái An; phát triển loại hình cơ sở lưu trú tại nhà dân (Homestay) tại các trung tâm du lịch Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc và các điểm du lịch cộng đồng.
Tập trung phát triển khu vui chơi giải trí đêm cao cấp tại các thị trấn Tam Sơn, Yến Minh; Chợ đêm, phố du lịch đêm tại các thị trấn Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc; Công viên chuyên đề, thể dục thể thao tại thị trấn Yên Minh; Khu thể thao gắn với sông nước trên hồ thủy điện Thái An; Khu thể thao mạo hiểm tại Mã Pì Lèng.
Xây dựng các tổ hợp dịch vụ tại các điểm dừng chân; các cơ sở thương mại dịch vụ tại các trung tâm du lịch; các khu dịch vụ bán hàng lưu niệm đạt chuẩn tại các phân khu, điểm du lịch. Phát triển các cơ sở dịch vụ ẩm thực theo mô hình nhà hàng, chợ văn hóa, du lịch phát triển tại khu vực trung tâm đón tiếp. Bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, đầu tư cho giảm thải và tái chế các chất thải từ du lịch.
Xây dựng và ban hành cơ chế đặc thù cho Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương với nguyên tắc hỗ trợ tối ưu để thu hút các nhà đầu tư.Khuyến khích đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực địa phương phục vụ hoạt động phát triển du lịch; giảm thuế và ưu đãi về tài chính đối với những dự án phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng.
Huy động cộng đồng tham gia tự quản các cụm di sản địa chất và khai thác du lịch. Xây dựng quy định đối với hệ thống tự quản của cộng đồng, có thưởng, phạt nghiêm minh, công khai. Huy động hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm vốn từ nguồn tích lũy GDP của các doanh nghiệp du lịch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn ngân sách nhà nước; vốn vay từ nguồn ODA; nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó ưu tiên thu hút các nguồn đầu tư vào các trung tâm, phân khu theo quy hoạch để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở các sự kiện văn hóa truyền thống; sưu tầm, nghiên cứu, khai thác và bảo vệ những giá trị văn hóa đặc trưng trong dân gian như ngôn ngữ người dân tộc thiểu số (Mông, Dao..). Bảo tồn, tôn tạo tất cả các điểm di sản địa chất đã được xác định. Tiếp tục nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm bổ sung các điểm di sản địa chất mới tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn.
Nghiêm cấm các hoạt động khai thác vật liệu xây dựng, khai thác đá tự nhiên, khai thác khoáng sản hai bên hành lang đường giao thông chính và xung quanh các điểm di sản địa chất. Chú trọng liên kết với Thành phố Hà Nội, tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO. Đối với đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên ưu tiên sử dụng đội ngũ lao động địa phương nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng thủ công và nông sản của khu vực, bảo đảm cộng đồng địa phương đều được hưởng lợi từ phát triển du lịch. Tăng cường các sản phẩm du lịch và hoạt động vui chơi giải trí về ban đêm để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch. Phát triển du lịch cộng đồng tại bản làng văn hóa dưới hình thức xây dựng hoạt động trải nghiệm đa dạng tại làng văn hóa trong đó người dân đóng vai trò hướng dẫn viên.
Ứng dụng công nghệ thông tin để thúc đẩy “du lịch thông minh” tại Khu DLQG Cao nguyên đá Đồng Văn. Xây dựng website thân thiện với điện thoại thông minh, tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động và số hóa dữ liệu. Đưa kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn vào kế hoạch xúc tiến chung của tỉnh Hà Giang và dành nguồn ngân sách tương xứng cho hoạt động này. Tăng cường hội nhập, kết nối với các Công viên địa chất toàn cầu khác trong khu vực và trên thế giới nhằm xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh.
Vương Thanh Tú