Nước Mỹ hôm nay 11.9 (giờ Mỹ) tưởng niệm 22 năm ngày không tặc chiếm quyền kiểm soát máy bay thương mại và đâm vào các tòa nhà của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York và Lầu Năm Góc. Hơn 3.000 người đã chết.
Nhiều vấn đề đã thay đổi mãi mãi kể từ sau vụ khủng bố, trong đó có những chính sách hàng không toàn cầu.
Bay trước ngày 11.9.2001 chắc chắn rất khác
Hãy hỏi bất cứ ai đủ lớn để nhớ và họ có thể sẽ nói với bạn điều tương tự. Mặc dù có kiểm tra an ninh nhưng không có tính xâm phạm một cách toàn diện như ngày nay, cũng như không có hàng dài điểm kiểm soát trong sân bay.
Hành khách cũng có thể đến sân bay chỉ vài phút trước chuyến bay cất cánh và có thể mang giày, áo khoác khi đi qua một máy dò kim loại đơn giản. Không chỉ vậy, hầu như bất kỳ ai cũng có thể vào thẳng cổng mà không cần thẻ lên máy bay hoặc thậm chí không xuất trình giấy tờ tùy thân.
Tuy nhiên, các sự cố trong hai thập kỷ qua đã làm thay đổi an ninh sân bay.
Hãy quay lại quãng thời gian vào những năm 1970, khi một loạt vụ không tặc và âm mưu cướp máy bay đã khiến việc áp dụng biện pháp kiểm tra an ninh đối với hành khách và đồ đạc của họ. Sau đó, vào năm 1988, vụ rơi máy bay Pan Am 103 trên Lockerbie, Scotland vì một quả bom giấu trong hành lý ký gửi phát nổ, là chất xúc tác cho việc sàng lọc hành lý ký gửi.
Tuy nhiên, sự kiện bi thảm về vụ tấn công khủng bố ở Mỹ ngày 11.9.2001 mới là điều thực sự khiến các sân bay tập trung cao độ vào an ninh hàng không mà chúng ta biết ngày nay.
Hầu hết mọi người đều nhớ chính xác họ đã ở đâu khi sự kiện gây sốc xảy ra – khi 4 chiếc máy bay bị không tặc chiếm quyền kiểm soát và đâm vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở Pennsylvania.
Đó là cuộc tấn công khủng bố lớn nhất mà thế hệ chúng ta và có lẽ cả thế giới từng chứng kiến – và nó sẽ thay đổi cách chúng ta sử dụng phương tiện máy bay mãi mãi.
19 kẻ khủng bố có liên hệ với al-Qeada đã cướp 4 máy bay vào sáng ngày 11.9.2001 khi lọt qua an ninh của sân bay LAX, đi qua máy dò kim loại tại 4 trạm kiểm soát an ninh sân bay một cách dễ dàng và trang bị vũ khí chết người.
Đến cuối ngày hôm đó, 3.000 người đã chết.
200 biện pháp an ninh được bổ sung
Chuyên gia du lịch, TS David Beirman của Đại học Công nghệ Sydney, cho biết vụ cướp máy bay chuyển từ mối đe dọa đối với máy bay, hành khách và phi hành đoàn sang việc sử dụng máy bay đầy nhiên liệu làm vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Ông nói với news.com.au: “Trong 6 tháng sau vụ tấn công 11.9, số lượng hành khách hàng không quốc tế đã giảm đáng kể. Mặc dù vụ tấn công 11.9 nhắm vào New York và Washington D.C. nhưng vẫn có lo ngại thực sự rằng các cuộc tấn công khủng bố tương tự có thể nhắm vào các tòa nhà ở bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới”.
TS David Beirman, người đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình vào năm 2003 có tựa Khôi phục các điểm đến du lịch trong thời kỳ khủng hoảng đã dành hẳn một chương để nói về tác động của vụ 11.9 đối với ngành du lịch, trong đó nhấn mạnh đến an ninh hàng không.
“Đó là một sự kiện thay đổi cuộc chơi toàn cầu về an ninh hàng không và sân bay”, ông nhận định.
Năm 2002, TS Beirman tham dự hai hội nghị xem xét các biện pháp an ninh toàn cầu sau vụ 11.9. “An ninh hàng không và sân bay được quản lý chặt chẽ trên toàn cầu. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) là cơ quan của Liên Hiệp quốc đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu cho các hãng hàng không và Hội đồng Sân bay Quốc tế đặt ra các tiêu chuẩn toàn cầu về an ninh cho các sân bay.
Hai cơ quan này cùng với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) đã triệu tập một số cuộc họp và hội nghị để cùng quyết định về các biện pháp an ninh sau ngày 11.9 nhằm tăng cường an ninh hàng không và sân bay”, ông cho hay.
Ông đã tham dự hai hội nghị – một ở Hồng Kông và một ở Vancouver – có sự tham gia của một số lượng lớn các giám đốc điều hành hãng hàng không và sân bay cũng như các chuyên gia an ninh.
TS Beirman cho biết, kết quả cuối cùng là một loạt khoảng 200 biện pháp an ninh được tăng cường, hầu hết đều là công nghệ và “rất ít trong số đó được công khai”.
Tuy nhiên, một trong những biện pháp quan trọng nhất và “khá cơ bản” là liên quan đến việc gia cố và khóa các cửa vào buồng lái máy bay.
“Tất cả 4 vụ cướp máy bay ngày 11.9 đều liên quan đến những kẻ khủng bố xâm nhập vào buồng lái, trong một số trường hợp giết chết phi công và chiếm quyền kiểm soát chiếc máy bay bị cướp với những kết quả khủng khiếp mà chúng ta đã chứng kiến ở New York và Washington D.C. Điều này cũng từng xảy ra trong các vụ không tặc trước đây. Bảo vệ buồng lái và phi hành đoàn là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu khả năng máy bay bị kiểm soát bởi bọn khủng bố.
“Điều đáng chú ý là kể từ ngày 11.9.2001, mặc dù đã có một số nỗ lực cướp và tấn công máy bay dân dụng nhưng không có nỗ lực nào chiếm được buồng lái”, ông cho biết thêm.
Sau ngày 11.9, Cục An ninh Vận tải (TSA) được thành lập và sẽ trở thành một phần của Cơ quan An ninh Nội địa mới được thành lập ở Mỹ.
Ngoài ra, Đạo luật An ninh Hàng không và Vận tải yêu cầu 100% hành lý ký gửi phải được kiểm tra bằng tia X và luật yêu cầu các hãng hàng không gia cố cửa buồng lái trên máy bay của họ để ngăn chặn những kẻ tấn công xâm nhập.
Ngày nay, du khách thường phải xếp hàng dài ở các trạm kiểm soát an ninh với thời gian chờ đợi lên tới hơn một tiếng đồng hồ.
Tùy thuộc vào loại giày dép, một số hành khách sẽ được yêu cầu cởi giày, bỏ túi và lấy máy tính xách tay cũng như các thiết bị và phụ kiện khác ra ngoài, đặt hành lý xách tay vào khay trước khi bước vào máy quét toàn thân có độ phân giải cao.
Tất cả đều không có trước ngày 11.9.2001.
Các hãng hàng không Mỹ lỗ 8 tỉ USD vào năm 2001. Ngành này không có lãi trở lại cho đến năm 2006. Khoản lỗ lên tới 60 tỉ USD trong khoảng thời gian 5 năm đó và các hãng hàng không lại thua lỗ vào năm 2008 trong cuộc Đại suy thoái. Số lượng việc làm bị cắt giảm sau vụ 11.9 lên tới hàng chục ngàn người và nhân công phải đối mặt với việc cắt giảm lương hàng loạt. Chỉ có đại dịch Covid-19 mới khiến mất nhiều việc làm hơn nhưng gói cứu trợ liên bang trị giá kỷ lục 54 tỉ USD đã cấm các hãng hàng không sa thải nhân viên.
Việc làm trong ngành hàng không Mỹ ngay cả trước đại dịch vẫn chưa phục hồi đến mức đỉnh điểm năm 2001, theo CNBC.