Hồi tháng 3, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí kế hoạch chuyển 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine trong năm tới bằng cách tận dụng kho dự trữ của các nước thành viên và hợp tác mua chung.
Nhưng đây là thực tế tại một nhà máy sản xuất vũ khí lớn ở Na Uy. Những cánh tay robot khổng lồ và lò sưởi công nghệ cao tại một trong những nhà máy đạn dược lớn nhất châu Âu hoạt động suốt ngày đêm kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ để tăng cường năng lực sản xuất những quả đạn pháo 155mm đang rất cần kíp.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, công ty mẹ của nhà máy là Nammo sẽ sản xuất tới 200.000 quả đạn pháo mỗi năm vào năm 2028, gấp 20 lần so với sản lượng trước chiến tranh.
Tuy nhiên, những điều đó gần như là không đủ và cũng sẽ không kịp vào thời điểm mà các lực lượng Ukraine cho biết họ cần trung bình 250.000 quả đạn 155mm mỗi tháng để đẩy lùi bước tiến của lực lượng Nga.
Trên thực tế, tổng sản lượng của tất cả 11 nhà máy sản xuất vỏ đạn ở châu Âu sẽ vẫn còn kém xa so với nhu cầu cấp bách của Ukraine. Đó là một vấn đề gây chú ý khắp các quốc gia NATO, hơn 3 thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nhiều nước đã quyết định cắt giảm mạnh chi tiêu quân sự để ủng hộ chi tiêu phúc lợi xã hội.
Và giờ đây, khi ngay cả Mỹ cũng đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu về hệ thống vũ khí và các trang thiết bị khác, các quan chức quốc phòng và nhà phân tích ngày càng đặt câu hỏi liệu châu Âu có thể mở rộng sản xuất từ lĩnh vực công nghiệp quân sự đang bị thu hẹp của mình đủ để cung cấp đầy đủ hỗ trợ cho Ukraine hay không.
Có vẻ như câu trả lời là không, ít nhất là trong ngắn hạn.
Các đồng minh NATO hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tức thời của Ukraine từ các kho dự trữ trong và ngoài nước khi họ chạy đua tăng sản lượng tốt nhất có thể nếu chiến tranh kéo dài trong nhiều năm.
“Bây giờ là cuộc chiến về năng lực công nghiệp, vừa để giúp đỡ Ukraine, vừa để xây dựng lại nguồn cung của chính mình”, Giám đốc điều hành của Nammo, ông Morten Brandtzaeg, cho biết.
Ông Brandtzaeg cho hay đó là “một lộ trình dài hơn ở châu Âu”. Các nước phải nỗ lực để thúc đẩy các bên tham gia xây dựng lại ngành công nghiệp này so với ở Mỹ, quốc gia mà ông cho là “có tầm nhìn dài hạn hơn về thị trường”.
Tháng trước, Liên minh châu Âu (EU) đồng ý chi tới 2,14 tỷ USD để giúp cung cấp 1 triệu viên đạn 155mm cho Ukraine trong vòng 12 tháng, một tiêu chuẩn mà Mỹ, với kho dự trữ mạnh mẽ hơn và hệ thống tài trợ hợp lý đã đáp ứng đầy đủ, nhưng châu Âu thì chưa.
Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis, một trong những nhân vật ủng hộ việc cung cấp vũ khí đạn dược, quân sự mạnh mẽ nhất cho Ukraine cho biết: “Có khả năng là chúng tôi không thể đạt được điều đó”.
Với trụ sở chính nằm cách thủ đô Oslo khoảng một giờ lái xe về phía bắc, Nammo hiện thuộc sở hữu chung của Na Uy và Phần Lan. Nó chuyên sản xuất và lưu trữ đạn dược cho 9 quốc gia châu Âu và Mỹ, đồng thời đang tìm cách mở rộng ở cả hai lục địa.
Nhưng các giám đốc điều hành của Nammo thường xuyên nhận thấy kế hoạch của họ đối mặt nhiều khó khăn thách thức do nhiều nước miễn cưỡng cam kết tăng đáng kể chi tiêu quân sự.
“Các nước cần có những quyết định khẩn cấp để sẵn sàng tài trợ cho chính sách công nghiệp to lớn cần thiết này”, ông Brandtzaeg nói và nhấn mạnh nếu không có hợp đồng dài hạn thì không thể làm gì được.
Điều này đặc biệt đúng với đạn pháo 155mm, là một trong những loại vũ khí đầu tiên các nước châu Âu cắt giảm sau Chiến tranh Lạnh. Ví dụ, Na Uy không đặt bất kỳ đơn hàng nào từ Nammo kể từ đầu những năm 1990.
Các lãnh đạo của Nammo cũng không tiết lộ sản lượng đạn pháo 155mm hiện tại của công ty, mà chỉ cho biết mức sản xuất trước chiến sự ở Ukraine là “hàng chục nghìn”.
Mặc dù vậy, ông Brandtzaeg cho biết, sẽ mất ít nhất 3 năm để Nammo hoàn thành đơn đặt hàng của Na Uy, đơn hàng vẫn đang được đàm phán và chính phủ vẫn chưa trả tiền. Nammo trong nhiều năm bán số lượng đạn dược ổn định nhưng khiêm tốn cho quân đội ở Bắc Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, giống như các ngành công nghiệp quốc phòng khác, nó thiếu hụt nghiêm trọng các nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu bùng nổ sau khi chiến tranh ở Ukraine bùng nổ
Trong năm 2022, công ty mua thêm kim loại, nhiên liệu đẩy và các vật liệu khác để sản xuất thêm vỏ đạn. Nhưng để chế tạo chúng cần nhiều robot hơn và các máy móc sản xuất khác. Ông John Arne Borresen, người giám sát một dây chuyền lắp ráp đạn pháo 155mm ở Raufoss, nói rằng cho đến khi điều đó xảy ra, tốc độ sản xuất sẽ vẫn ở mức “bình thường”.
Công ty đang xây dựng một nhà máy mới, lớn hơn để sản xuất đạn pháo 155mm, nhưng phải đến cuối năm 2024 mới hoàn thành.
Ông Borresen cho biết, ngay cả khi đó, công ty cũng sẽ cần nhiều nhân công hơn để vận hành máy móc. Trong khi đó, việc thuê những người có kiến thức về kỹ thuật hoặc các kỹ năng cần thiết khác để giám sát việc lắp ráp vũ khí công nghệ cao cũng rất khó.
Nammo cũng đang đối mặt với một thách thức mới hơn trong quá trình sản xuất ở tương lai: đó là việc TikTok ngốn hết điện năng trong khu vực, khiến công ty này không thể đáp ứng kịp nhu cầu đạn dược ngày càng tăng trên toàn cầu.
Giám đốc điều hành Brandtzaeg của Nammo bày tỏ tức giận, cho biết công ty không thể tăng cường sản xuất vì trung tâm dữ liệu của TikTok đã tiêu thụ hết điện năng của khu vực. “Chúng tôi lo ngại vì sự phát triển trong tương lai của mình bị việc lưu trữ các video về mèo đe dọa”, ông Brandtzaeg nói.
Svein Atle Hagaseth, Giám đốc điều hành của Trung tâm dữ liệu Green Mountain, công ty đang cho TikTok thuê cơ sở này, phủ nhận cáo buộc gây ra mối đe dọa đối với Nammo, đồng thời cho biết khu vực này hiện đang dư thừa điện.
Trước tình trạng thiếu đạn dược, các nhà điều hành ngành cho biết, các nhà sản xuất quốc phòng của châu Âu đang tập hợp nhiều nguồn lực hơn với hy vọng đẩy nhanh việc giao hàng.
Phó Chủ tịch điều hành công ty Nexter của Pháp Dominique Guillet cho biết, công ty của ông ra kế hoạch làm việc 3 ca so với mức chỉ 1 ca để cố gắng đáp ứng nhu cầu thời chiến.
Nexter cũng chế tạo các loại đạn phòng không và chống tăng 155mm, nhưng cần thêm các bộ phận và vật tư nếu muốn tăng gấp đôi sản lượng. Thực tế này thúc đẩy ông Guillet đến Nammo vào tuần trước để tìm kiếm sự giúp đỡ từ một đối thủ cạnh tranh của chính mình.