LÀM VIỆC QUÁ GIỜ, NHIỀU RỦI RO, VẤT VẢ
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: “Chính phủ đang điều chỉnh luật Bảo hiểm xã hội và trong góp ý với dự thảo luật, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến chính thức đề nghị đưa giáo viên mầm non (GVMN) vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại. GVMN cần có chế độ nghỉ hưu thuộc nhóm lao động nặng nhọc, nữ vẫn giữ ở tuổi 55 nhưng đảm bảo thu nhập và chế độ để không có sự thiệt thòi”.
Đề xuất này nhận được sự đồng thuận của chính đội ngũ GVMN. Cô Lê Thị Tuyết Hường, công tác tại Trường mầm non xã Thanh Nưa, một trường thuộc xã biên giới của Điện Biên, cho biết theo quy định thời gian làm việc của GVMN là 8 giờ/ngày, nhưng trên thực tế thường làm việc ở trường từ 10 – 11 giờ/ngày, từ sáng sớm đến chiều muộn nên không có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình. Do thiếu GV nên có những lớp, một cô giáo phải nuôi dạy hơn 30 trẻ.
Cô Lý Thị Trinh Nguyên, GV Trường mẫu giáo Họa Mi, TX.Long Mỹ (Hậu Giang), cũng cho rằng dù có quy định 40 giờ/tuần nhưng thực tế GVMN làm việc gần như gấp đôi, sáng 6 giờ 30 có mặt đến 17 giờ hoặc thậm chí 18 giờ, khi phụ huynh đón trẻ xong mới kết thúc ngày làm việc, buổi trưa còn phải trông trẻ ăn, chăm trẻ ngủ, làm đồ dùng dạy học. Trung bình mỗi ngày GVMN làm việc từ 10 – 12 giờ.
Mặt khác, công việc của GVMN mang tính chất rất đặc thù, vừa nuôi vừa dạy, đảm bảo tất cả các trẻ đều phải phát triển, phải tập trung chú ý, chăm sóc từng cháu, rất áp lực. GVMN cũng là người phải xử lý trực tiếp những tình huống hay gặp của trẻ nhỏ như quấy phá, lười ăn, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ… GVMN gần như là một chuyên gia về dinh dưỡng, về can thiệp sớm, về tư vấn tâm lý… đóng rất nhiều vai.
Ngoài ra, vị trí việc làm của GVMN cũng gặp nhiều nguy cơ và rủi ro. Làm việc trong môi trường có nhiều trẻ nhỏ, GV phải chấp nhận việc mình thường xuyên mắc bệnh như cảm sốt và có thể lây truyền cho người thân trong gia đình. Đồng thời, cũng có trường hợp phụ huynh xúc phạm thể chất và tinh thần đối với GVMN.
RẤT NHIỀU GVMN KHÔNG BÁM TRỤ ĐƯỢC NGHỀ
Thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT cho thấy trong 3 năm học vừa qua, có hơn 40.000 GV nghỉ việc, trong đó GVMN chiếm số lượng lớn nhất. Nhiều ý kiến của chính GVMN chỉ ra rằng với đặc thù công việc rất vất vả, nhiều áp lực nhưng với mức ưu đãi 35% theo nghề như hiện nay rất thấp so với công sức các cô bỏ ra, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống nên vừa qua có rất nhiều GVMN không bám trụ được với nghề, bỏ việc hoặc chuyển sang ngành nghề khác.
Cô Lê Thị Tuyết Hường cũng chỉ ra rằng: “Tuy chế độ tiền lương của GVMN đã được quan tâm nhưng vẫn còn ở mức chưa tương xứng với thời gian và công sức mà chúng tôi đang làm, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Hiện nay quy định tuổi nghỉ hưu của GVMN đang giống như các ngành nghề khác trong điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên, đặc thù tính chất công việc của GVMN khá nặng nhọc nên chúng tôi thấy độ tuổi nghỉ hưu quy định trên 55 tuổi như hiện nay là chưa phù hợp”.
Tương tự, cô Dương Thị Thanh Hồng, GV Trường mầm non số 1 (TP.Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh), bày tỏ theo quy định sau khi chuyển lương mới thì hệ số của GVMN hạng 2 chỉ bằng hệ số lương của GV tiểu học hạng 3. “Lương tôi là bậc 5 nhưng hệ số lương của tôi là 3,65, còn lương bậc 5 của GV tiểu học hạng 2 lại có hệ số là 5,36. Như vậy bậc lương giữa hai cấp học quá chênh lệch, dù chúng tôi cũng được đào tạo bài bản, trình độ CĐ, ĐH”, cô Hồng nói.
Thiếu giáo viên ảnh hưởng dạy theo chương trình mới
Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết bước vào năm học 2023 – 2024, toàn tỉnh thiếu gần 1.200 GV. Tình trạng thiếu GV ở Quảng Ngãi xảy ra trong vài năm gần đây. Trong khi đó, năm học 2023 – 2024, tỉnh này tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các khối lớp: 4, 8 và 11. Tuy nhiên, tình trạng thiếu GV sẽ ảnh hưởng việc dạy theo chương trình giáo dục mới.
Để “chữa cháy”, các địa phương trong tỉnh tìm cách hợp đồng GV để dạy. Theo khuyến cáo của ngành giáo dục tỉnh, nếu nơi nào hợp đồng đủ GV dạy các bộ môn thì dạy 2 buổi/ngày, không hợp đồng đủ GV thì nhà trường linh động tạm thời phân công dạy tăng tiết nhưng giảm số buổi học/tuần.
Sở Nội vụ Quảng Ngãi đã có công văn đề nghị UBND tỉnh có kế hoạch tuyển GV năm 2023 với 1.192 chỉ tiêu, gồm: 283 GV mầm non, 528 GV tiểu học, 268 GV THCS và THPT 113 chỉ tiêu. Trong quá trình tuyển dụng GV, tỉnh sẽ áp dụng Nghị định 140 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.
Phạm Anh
Với đặc thù của nghề nghiệp GVMN như vậy, tuyệt đại đa số bậc học này là nữ giới nên hầu hết các GV đều cho rằng nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với GVMN đến 60 tuổi thì GV sẽ không thể bám trụ với nghề. Nhiều GV cho biết khi còn trẻ khỏe mà GV còn rất lo những nguy cơ rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chăm sóc trẻ nên khi đã lớn tuổi thì nguy cơ này càng hiện hữu, chưa kể những yếu tố liên quan tâm lý của trẻ, thích được tham gia các hoạt động vui chơi, múa hát với GV trẻ trung, nhanh nhẹn. Do vậy, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu thì cả GV và trẻ mầm non đều rất thiệt thòi.
Cô Trần Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen (TP.Phủ Lý, Hà Nam), cho rằng nếu không tiếp tục quan tâm tới đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là bậc mầm non thì trong tương lai, vấn đề thiếu GV sẽ còn nan giải. Hiện nay, nhiều tỉnh thành không có đủ lực lượng GV để tuyển vào, nhất là các trường công.
Không chỉ GV, nhiều ý kiến cho rằng lực lượng nhân viên nuôi dưỡng cũng cần được quan tâm đúng mức. Một cô nuôi tại trường mầm non công lập của Hà Nội cho biết dù có gần 10 năm công tác nhưng lương của cô nhận được sau khi trừ bảo hiểm xã hội thì chỉ còn hơn 3 triệu đồng/tháng, trong khi lương của công nhân lao động cũng nhận được mức gấp đôi là tối thiểu khiến nhân viên phục vụ trong trường học không khỏi chạnh lòng.
Ở trường mầm non, việc nuôi dưỡng trẻ quan trọng không kém gì việc dạy dỗ. Các cô phải chịu trách nhiệm giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, chuyển thức ăn lên các lớp, hỗ trợ trẻ ăn trưa, rửa bát. Đầu giờ chiều lại tiếp tục lo bữa chiều cho trẻ ăn sau khi ngủ dậy. Các cô nuôi phải tiếp xúc thường xuyên với khí gas độc hại, hơi nóng…, rất vất vả và ảnh hưởng sức khỏe.
BỘ SẼ KIÊN TRÌ KIẾN NGHỊ
Trước khai giảng năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dành nhiều thời gian chia sẻ về chế độ, chính sách cho GVMN. Ngoài việc khẳng định Bộ GD-ĐT sẽ kiên trì kiến nghị về việc giữ tuổi nghỉ hưu với GVMN, ông Nguyễn Kim Sơn còn nêu một số đề xuất nhằm cải thiện thu nhập, đời sống cho GVMN trong khả năng có thể về nguồn lực. “Bước đầu Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã có sự thống nhất, dự kiến sẽ tăng mức phụ cấp ưu đãi cho GVMN thêm 10% và đối với tiểu học thêm 5%. Vấn đề còn lại là cần có sự thống nhất với Bộ Tài chính, báo cáo đến Chính phủ và các bộ, ngành. Hy vọng việc này sớm được thống nhất, tuy con số nhỏ nhưng thực hiện được sẽ thêm một phần động viên cho GVMN”.
Người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng chia sẻ thực tế, giờ làm việc của GVMN hiện nhiều hơn thời gian quy định, do trẻ đến sớm về muộn theo giờ làm việc của cha mẹ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên áp lực cho GVMN, nên trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các bộ, ngành tiếp tục xem xét, lưu ý đến thù lao cho giờ làm việc nhiều của GVMN.