Nhà đầu tư bán tháo
Thị trường chứng khoán 11/9 khởi động khá lạc quan với sắc xanh sớm lan rộng toàn bảng giao dịch điện tử. VN-Index tăng khá mạnh và hướng tới mốc quan trọng 1.250 điểm. Tín hiệu lạc quan duy trì trong suốt đợt giao dịch sáng. Tuy nhiên, dấu hiệu tích cực sớm xuất hiện khi VN-Index đuối dần cho đến giờ nghỉ trưa.
Trong đợt giao dịch sáng của phiên chứng khoán 11/9, VN-Index giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, ngay từ đầu đợt giao dịch chiều, áp lực bán ra bất ngờ tăng dữ dội và trở thành áp lực bán tháo.
Đóng cửa phiên chứng khoán 11/9, VN-Index dừng ở mức thấp nhất phiên khi chỉ đạt 1.223,63 điểm, giảm 17,85 điểm, tương đương 1,44%; VN30-Index giảm 18,43 điểm, tương đương 1,48% xuống 1.230,71 điểm. Áp lực bán ra đến từ tất cả các mã thuộc blue-chip, mid-cap tới penny.
Cùng với việc giảm sốc, phiên chứng khoán 11/9 còn ghi nhận một tâm điểm khác chính là thanh khoản. Có tới gần 1,4 tỷ cổ phiếu, tương đương 32.134 tỷ đồng được giao dịch thành công, tăng mạnh so với thanh khoản của các phiên gần đây. Trong đó, nhóm VN30 ghi nhận 357 triệu cổ phiếu, tương đương 11.621 tỷ đồng được trao tay.
Nhóm VN30 ghi nhận 3 mã tăng giá, 1 mã đứng giá và 26 mã giảm giá. 3 mã hiếm hoi đóng cửa phiên chứng khoán 11/9 trong sắc xanh là PLX, SAB và VPB. Trong đó, SAB tăng rất mạnh, tăng 6.900 đồng/CP, tương đương 4,3% lên 167.500 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, GVR là blue-chip có tốc độ “rơi” mạnh nhất khi giảm 950 đồng/CP, tương đương 4,2% xuống 21.750 đồng/CP. Đứng sau là SHB (giảm 400 đồng/CP, tương đương 3,1% xuống 12.300 đồng/CP), VRE (giảm 900 đồng/CP, tương đương 3% xuống 28.700 đồng/C),…
Cổ phiếu bất động sản đua nhau giảm sàn
Trong phiên chứng khoán 11/9, động thái bán tháo của nhà đầu tư gây áp lực đến tất cả các nhóm ngành. Tuy nhiên, nhóm ngành bất động sản chứng kiến nhiều mã giảm sàn nhất.
Chốt phiên chứng khoán 11/9, DXS giảm 800 đồng/CP xuống 11.150 đồng/CP, HPG giảm 510 đồng/CP xuống 6.800 đồng/CP, HTN giảm 1.500 đồng/CP xuống 20.150 đồng/CP, NVL giảm 1.500 đồng/CP xuống 20.500 đồng/CP.
Mặt bằng lãi suất liên tục giảm xuống mức thấp được xem là động thái hỗ trợ thị trường bất động sản, từ đó giúp cổ phiếu bất động sản bứt phá. Tuy nhiên, thị trường này vẫn đối mặt với áp lực rất lớn. Đó là trái phiếu đến hạn.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết 4 tháng cuối năm 2023 được xác định là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng, trong đó, gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản
Chứng khoán châu Á trái chiều
Thị trường châu Á-Thái Bình Dương có diễn biến trái chiều vào đầu tuần khi dữ liệu kinh tế quan trọng từ các nền kinh tế lớn sẽ chiếm vị trí trung tâm.
Vào thứ Ba, Ấn Độ sẽ công bố số liệu lạm phát và sản lượng công nghiệp trong tháng 8, trong khi Trung Quốc sẽ công bố sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đáng chú ý nhất là giá bán nhà vào thứ Sáu.
Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm khoảng 0,38% tại giờ đóng cửa. Thị trường tài chính Hồng Kông đã đóng cửa vào thứ Sáu do cảnh báo “cơn bão đen” và thị trường đang cố gắng bắt kịp ngày hôm nay.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục nằm trong vùng tích cực, dẫn đầu là cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng theo chu kỳ, với CSI 300 tăng 0,74% và đóng cửa ở mức 3.767,54.
Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 0,50% và kết thúc ở mức 7.192,3, chấm dứt chuỗi 4 ngày giảm giá. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,43%, đóng cửa ở mức 32.467,76 trong khi Topix tăng nhẹ để kết thúc ở mức 2.360,48.
Kospi của Hàn Quốc tăng 0,36%, kết thúc ngày ở mức 2.556,88, trong khi Kosdaq giảm 0,18%, đóng cửa ở mức 912,55.