Trong xu thế phát triển các loại hình du lịch ngày một đa dạng và nhiều màu sắc, việc chọn cho mình một chuyến nghỉ mát với những nhà hàng, khách sạn sang trọng tiện nghi không còn là ưu tiên hàng đầu của nhiều du khách. Mà thay vào đó là xu hướng muốn khám phá các khía cạnh khác nhau của cuộc sống muôn màu muôn vẻ.
Thái Bình đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để phát triển du lịch bền vững. Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của thế giới và cũng là mục tiêu hàng đầu cho phát triển của Việt Nam. Theo Hội đồng Thế giới về Môi trường và phát triển thì “Phát triển bền vững là sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng của các thế hệ tương lai trong đáp ứng các nhu cầu của họ”.
Tuần du lịch biển và khinh khí cầu Thái Bình năm 2023 là một trong những sự kiện lớn nhất về du lịch được tổ chức trên địa bàn tỉnh từ trước tới nay (Ảnh: Internet)
Để phát triển bền vững phải cùng đồng thời thực hiện 3 mục tiêu: phát triển có hiệu quả về kinh tế; phát triển hài hòa các mặt xã hội; nâng cao mức sống, trình độ sống của các tầng lớp dân cư; cải thiện môi trường môi sinh, bảo đảm phát triển lâu dài vững chắc cho thế hệ hôm nay và mai sau. Trong đó nhu cầu sử dụng đất quản lý tài nguyên phát triển du lịch nhu cầu sử dụng đất quản lý tài nguyên phát triển du lịch tỉnh Thái Bình được xác định là mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu phát triển các điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch địa phương và các khu du lịch khác dựa trên tiêu chí được quy định tại Luật du lịch và khả năng phát triển thực tế của từng điểm, khu du lịch.
Thái Bình cụ thể đưa ra các giải pháp mang tính thiết thực như kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch: phát huy vai trò của Ban chỉ đạo về du lịch của tỉnh, thành lập Ban quản lý khu du lịch cho các khu du lịch quan trọng; Tăng cường vai trò và năng lực tham mưu quản lý nhà nước về du lịch của các phòng văn hóa – thông tin cấp huyện. Tăng cường quản lý điểm đến, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch nhằm tạo dựng môi trường du lịch Thái Bình thân thiện, mến khách.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch đi đôi với nâng cao trình độ quản lý theo quy hoạch để tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch giải pháp về bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch đảm bảo phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị các di tích lịch sử văn hóa, giá trị tài nguyên du lịch cho cộng đồng. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái…
Đẩy mạnh công tác gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa và môi trường cảnh quan. Thực hiện xã hội hóa trong đầu tư bảo quản và tôn tạo di tích, tài nguyên và môi trường du lịch. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nhân lực du lịch. Đẩy mạnh đào tạo nhân lực du lịch tại chỗ ở các cơ sở đào tạo trong tỉnh. Mở trung tâm đào tạo nghề du lịch, gắn với thực tập tại các khách sạn.
Khu du lịch sinh thái biển Cồn Vành. Ảnh minh họa nguồn Internet
Đổi mới đào tạo và dạy nghề du lịch theo hướng hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch tỉnh. Thực hiện xã hội hóa công tác phát triển nhân lực du lịch để huy động các nguồn lực trong xã hội cho phát triển nhân lực. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức Trung ương, các tỉnh bạn và mở rộng hợp tác quốc tế để phát triển nhân lực có chất lượng cao.
Tập trung phát triển sản phẩm ưu tiên, có chất lượng: Ngoài các sản phẩm du lịch quốc gia chùa Keo, đền Trần, du lịch Thái Bình cần thiết tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng của tỉnh là: Khu du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp nông thôn văn minh lúa nước sông Hồng, hướng phát triển thành bảo tàng văn minh lúa nước trên quê hương 5 tấn. Ngoài ra, phát triển du lịch nghỉ cuối tuần, sinh thái biển tại Cồn Vành, Cồn Đen,…
Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch: Đẩy mạnh hợp tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch với các địa phương lân cận trong vùng với chủ đề khai thác dòng sản phẩm gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, với sinh thái khu dự trữ sinh quyển…Đặc biệt chú trọng liên kết phát triển du lịch với thủ đô Hà Nội dọc theo sông Hồng và với Hưng Yên, Nam Định.
Tăng cường quảng bá hình ảnh và quản lý chất lượng sản phẩm du lịch: Xây dựng bản đồ sản phẩm du lịch Thái Bình; Nâng cấp website du lịch Thái Bình hỗ trợ cung cấp thông tin chi tiết về điểm đến cho khách du lịch, hỗ trợ đặt dịch vụ du lịch; xây dựng phát triển các trang mạng xã hội về du lịch Thái Bình, các điểm du lịch chính như facebook, twitter, instagram, snapchat…; xây dựng trung tâm thông tin và hướng dẫn du khách…
Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Thái Bình rộng rãi khắp cả nước và bạn bè quốc tế. Tăng cường huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Đồng thời, thực hiện nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Thái Bình đến với bạn bè trong và ngoài nước.
Mở rộng thị trường, xây dựng các chiến lược xúc tiến phù hợp với từng giai đoạn phát triển như chiến lược marketing; chiến lược sản phẩm – thị trường; chiến lược cạnh tranh; chiến lược định vị hình ảnh du lịch Thái Bình. Tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Tổng cục Du lịch để lồng ghép các chương trình quảng bá hình ảnh du lịch Thái Bình với du lịch quốc gia.
Về ứng dụng khoa học và công nghệ: Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và thống kê du lịch, tăng cường công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực thống kê du lịch, từng bước tiếp cận và áp dụng hệ thống tài khoản vệ tinh. Mở rộng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ trong mọi lĩnh vực hoạt động du lịch.
Về hợp tác, liên kết phát triển du lịch chủ động xây dựng nền tảng và khả năng liên kết cho chính địa phương mình. Theo đó cần xây dựng được sản phẩm đặc thù riêng của tỉnh mình, tạo môi trường thuận lợi để tăng khả năng liên kết như phát triển hạ tầng giao thông, ban hành cơ chế chính sách ưu tiên các doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư tỉnh bạn.
Huy động vốn từ trong nước: Tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển du lịch để làm tiền đề huy động tối đa các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế bảo đảm nhu cầu đầu tư phát triển du lịch. Huy động vốn ngoài nước: Tăng cường công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như tạo môi trường bình đẳng đầu tư trong và nước ngoài… Khuyến khích, ưu đãi thu hút nguồn vốn đầu tư từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Với các chính sách của Chính phủ hỗ trợ, thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển du lịch trên phạm vi cả nước, trong xu thế “công nghiệp không khói” đi đầu, hy vọng tương lai không xa, Thái Bình có thể trở thành một lựa chọn mới đầy thu hút với du khách cả trong và ngoài nước; tự tin sánh vai với các điểm đến của tỉnh bạn và thêm trên bản đồ du lịch một điểm đến không thể thiếu./.
Vương Thanh Tú