Ruben van Assouw, 10 tuổi, là người sống sót duy nhất sau khi một chiếc máy bay phát nổ khi hạ cánh ngày 12/5/2010 ở Tripoli, thủ đô Libya, làm thiệt mạng 103 người trên máy bay.
Cậu bé Hà Lan
Thật đáng kinh ngạc là cậu bé đã bị văng đi rất mạnh khi chiếc máy bay vỡ tung, lúc nó chỉ còn cách mặt đất khoảng 1m.
Cậu bé người Hà Lan được cứu ra từ đống đổ nát của chiếc máy bay cỡ lớn Airbus A330-200 thuộc Afriqiyah Airways, hãng hàng không của Libya. Các bác sĩ đã phẫu thuật cho cậu trong bốn giờ đêm hôm ấy.
Chân cậu bị gãy ở một số chỗ và cậu vẫn không thể cử động các bộ phận trên cơ thể nhiều giờ sau phẫu thuật. Người ta tin rằng não của cậu có thể đã bị tổn thương trong vụ tai nạn.
Khi các bác sĩ hỏi cậu đến từ đâu, Ruben đã cố gắng mấp máy: “Hà Lan, Hà Lan”.
Ruben được cho là một trong 14 người sống sót duy nhất trong một vụ tai nạn máy bay cỡ lớn trên thế giới tính đến thời điểm 2010. Cha mẹ cậu bé đều đã chết trong vụ tai nạn.
Việc sống sót đáng kinh ngạc của Ruben van Assouw gợi nhớ lại trường hợp của cô bé 12 tuổi Bahia Bakari, người duy nhất sống sót khi chiếc máy bay Airbus 310 của Yemenia Air đâm xuống Ấn Độ Dương hồi tháng 6/2009, khiến 152 người thiệt mạng.
Điều kiện thời tiết, tầm nhìn tốt vào thời điểm đó và các quan chức đã loại trừ khả năng khủng bố.
Afriqiyah Airways không có tên trong danh sách các hãng hàng không bị cấm của Liên minh châu Âu. Danh sách này có gần 300 hãng hàng không bị EU cho là không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
Ngày 28/2/2013, Cơ quan Hàng không Dân dụng Libya thông báo họ đã xác định rằng nguyên nhân của vụ tai nạn là do lỗi của phi công. Mệt mỏi cũng được cho là một yếu tố có thể góp phần gây ra tai nạn.
Trước Ruben hay Bakari, đã có những trường hợp trẻ em thoát chết kỳ diệu trong những tai nạn máy bay. Ngày 24/12/2007, một chiếc máy bay Cessna nhỏ chở bốn người Mỹ rơi trong điều kiện thời tiết xấu ở khu rừng hẻo lánh có độ cao lớn ở Panama. Francesca Lewis, 13 tuổi, được tìm thấy còn sống hai ngày sau tai nạn, khi lực lượng cứu hộ cuối cùng cũng đến được hiện trường. Chỉ mặc quần đùi và áo phông, cô bé bị hạ thân nhiệt và gãy tay. Các báo cáo vào thời điểm đó ghi nhận cô bé sống sót trong điều kiện nhiệt độ đóng băng do có hàng đống hành lý đổ lên người cô bé.
Trong vụ tai nạn này, phi công Edwin Lasso người Panama, doanh nhân người Mỹ Michael Klein và cô con gái 13 tuổi của Klein là Talia, thiệt mạng. Francesca là bạn thân của Talia.
Francesca đã phải chịu đựng hai ngày ở vùng núi hiểm trở của Panama trong điều kiện thời tiết lạnh giá và mưa lớn trước khi lực lượng cứu hộ tìm thấy cô trong đống đổ nát đúng vào ngày Giáng sinh.
Mẹ Francesca nói con bà rõ ràng đã mê sảng khi những người cứu hộ nhìn thấy cô bé dưới cánh của chiếc máy bay bị nạn. “Con bé nghĩ rằng mình đang ở nhà và tự hỏi tại sao lại có một chiếc cánh máy bay ở trong nhà mình”, bà Valerie Lewis kể.
“Tôi nghĩ cơ thể con bé đang “bật mode sinh tồn”, bà Lewis nói.
Các đội cứu hộ đã lội rừng đưa Francesca trong 3 tiếng rưỡi qua địa hình hiểm trở để tới nơi có trực thăng.
Francesca dường như đã rơi ra khỏi máy bay khi chiếc Cessna đâm xuống đất hoặc bị đẩy ra ngoài khi máy bay va chạm, mẹ cô nói.
Trước Francesca, hồi năm 2003, một cậu bé mới 2 tuổi đã sống sót sau vụ tai nạn khiến 115 người thiệt mạng. Ngày 8/7/2003, Mohammed el-Fateh Osman, người Sudan, được bộ trưởng hàng không nước này ca ngợi là “phép lạ do Chúa ban” khi cậu sống sót sau vụ tai nạn máy bay Boeing 737 ở Port Sudan khiến 115 người thiệt mạng. Cậu bé bị bỏng, được một người du mục tìm thấy khi cậu đang nằm trên một cái cây đổ.
Ngày 11/1/1995, Erika Delgado, 10 tuổi, mất cha mẹ và em trai trong số 51 nạn nhân của vụ tai nạn máy bay DC-9 của hãng hàng không Intercontinental Airlines gần Cartagena, Colombia, nhưng hầu như không bị thương. 25 năm sau, cô nói với CNN rằng cô đã tỉnh lại khi nửa người chìm trong đầm lầy Maria La Baja. Sau đó, cô trở thành người nổi tiếng trên toàn quốc, được ca ngợi là “Tiểu hoa hậu phép màu” của Colombia.
Mẹ và bé trong rừng sâu
Chỉ mất hai mươi phút để mọi thứ trở nên tồi tệ. Ngay sau khi cất cánh từ thị trấn ven biển Nuqui của Colombia, một chiếc máy bay nhỏ chở một phi công và hai hành khách đã biến mất khỏi màn hình radar theo dõi không lưu. Sau đó, nó đâm vào khu rừng rậm ở phía tây, ở một nơi xa xôi đến mức lực lượng cứu hộ phải mất hai ngày mới tìm thấy xác máy bay.
Khi ấy, tất cả những gì còn lại là một đống nhôm vụn, ám khói và thi thể không nguyên vẹn của viên phi công. Hai hành khách – một phụ nữ trẻ và đứa con trai sơ sinh của cô – không thấy đâu cả. Hy vọng của đội cứu hộ được thắp lên khi họ trông thấy cabin còn tương đối nguyên vẹn và một cánh cửa dường như đã được mở từ bên trong. Đội cứu hộ tiếp tục vượt qua địa hình ẩm ướt, rậm rạp để tìm kiếm hai mẹ con mất tích.
Trong khi đó, Maria Nelly Murillo, 18 tuổi, đã cố gắng vượt qua vùng hoang dã. Cô ôm con trai, mang theo một số quả dừa non, thứ có trong hành lý mang lên máy bay. Vụ tai nạn xảy ra hôm thứ Bảy thì đến thứ Tư tuần kế tiếp, đội cứu hộ mới tìm thấy mẹ con Maria. Cả hai đang trong tình trạng mất nước và bị thương nhưng về cơ bản còn khá khỏe mạnh.
“Đó là một phép lạ”, đại tá Hector Carrascal thuộc Lực lượng Không quân Colombia nói với BBC. Về việc đứa bé không hề hấn gì, anh nói: “Chắc hẳn tinh thần của mẹ đã truyền cho cháu sức mạnh để sống sót”.
Nói chuyện với BBC, anh trai Carlos của cô Murillo giải thích rằng sau khi máy bay rơi, Murillo đã giật mạnh cửa cabin và lao vào rừng, tránh xa ngọn lửa. Nhớ đến đứa con, cô quay lại để đón nó và bị bỏng ở tay, mặt và chân trong quá trình này.
Lo lắng rằng máy bay có thể phát nổ, Maria hướng về khu rừng, đi dọc theo một con sông nhỏ, mang theo dừa từ khoang hàng hóa của máy bay. Vừa đi, cô vừa rải phần còn lại của những quả dừa đã gọt vỏ dọc theo đường đi, hy vọng có thể giúp những người cứu hộ tìm thấy mình. Theo Guardian, khi vẫn chưa thấy cứu hộ xuất hiện, cô đã bổ sung thêm các manh mối khác: bỏ lại một chiếc dép xỏ ngón, giấy khai sinh của đứa trẻ, những chiếc điện thoại di động mà cô đã thử và thấy không sử dụng được.
Cách nơi xảy ra vụ tai nạn khoảng một phần ba dặm, Murillo tạo ra một nơi trú ẩn cho mình và con trai, đồng thời sử dụng những chiếc lá to để lấy nước uống.
“Khi trời mưa, tôi thức dậy và lấy nước từ một vài chiếc lá có nước và uống cùng con”, cô nói với các phóng viên từ giường bệnh ở Quibdo, nơi cô được đưa đến cấp cứu sau khi thoát nạn.
Trong khi đó, các đội cứu hộ bối rối không biết Murillo đã đi đâu.
“Chúng tôi bắt đầu lo lắng – chúng tôi không biết chuyện gì có thể xảy ra với họ. Họ có thể bị lạc trong rừng và cố gắng sống sót hoặc có thể đã chết rồi,” Carrascal nói với tạp chí Bogota Semana.
Nhưng cánh cửa cabin mở khiến họ nghĩ rằng hành khách có thể đã sống sót thoát ra ngoài. Vì vậy, họ vẫn bước về phía trước.
Theo các báo cáo, lực lượng cứu hộ đã mất một lúc để nhận ra rằng mảnh vỡ do Murillo rải dẫn đến một con đường mòn. Vào ngày tìm kiếm thứ ba – ngày thứ năm của Murillo trong rừng – họ bắt đầu dùng loa để gọi cô.
Người ta mô tả khác nhau về những gì xảy ra tiếp theo. Murillo nói với BBC rằng cô đã quay trở lại hiện trường vụ tai nạn sau khi nghe thấy tiếng gọi của lực lượng cứu hộ. Nhưng theo cách nhóm tìm kiếm kể lại, khoảnh khắc đó kịch tính hơn nhiều.
Tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ Acisclo Renteria nói rằng nhóm cứu hộ đã tranh luận về việc có nên ngừng tìm kiếm trong ngày hay không, và anh quyết định tiếp tục. Anh nhận thấy một đám ruồi kỳ lạ bay lượn trên một thứ gì đó trên mặt đất.
Khi đến gần, anh nhận ra đó là Murillo. Cô cố gắng đứng dậy, nhưng anh bảo cô đợi và kêu cứu hộ. Murillo và con trai được trực thăng đưa đến bệnh viện, nơi cô được điều trị bỏng, mất nước và vỡ mắt cá chân. Con trai cô không bị thương.
“Tôi cảm ơn Chúa vì đã giúp tôi cứu được hai người này”, Renteria nói, theo Guardian. “Thật tuyệt vời. Đó là một cảm giác không thể giải thích được”.
Sống sót kỳ diệu: Cô gái Nga rơi từ độ cao hơn 5km
Sống sót kỳ diệu: Rơi máy bay, một mình giữa đại dương, bé 12 tuổi vẫn thoát nạn
Nguyễn Xuân Thủy(Nguồn: Daily Mail, CNN, BBC)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo