SGGP
Trải qua hơn 30 năm tồn tại và phát triển, Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) đã không ngừng thúc đẩy các dự án nhằm bảo vệ và phát triển lưu vực sông Mekong. Đặc biệt, dưới tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, sự hợp tác giờ đây càng trở nên cấp bách.
Trạm điện Mặt trời ở Campuchia |
Xu thế phát triển xanh
GMS gồm các quốc gia và lãnh thổ nằm trong lưu vực của sông Mekong: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. “Những dòng sông không nhựa” là một trong những dự án mới phát động gần đây của GMS trong việc thúc đẩy nâng cao năng lực đánh giá và giám sát ô nhiễm nhựa ven sông, cũng như các phương pháp tiếp cận nhằm tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng trước ô nhiễm nhựa và biến đổi khí hậu.
Dự án đưa ra chiến lược và công cụ khoa học, các giải pháp đổi mới, trong đó có kế hoạch xây dựng bản đồ về tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm nhựa đối với các cộng đồng ở hạ lưu sông Mekong, từ đó dùng công nghệ mới và phương pháp thực hành tốt nhất nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm nhựa.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ dự án thông qua Nhóm công tác GMS về môi trường. Đây là sự tiếp nối 2 giai đoạn trước của Chương trình Môi trường cốt lõi GMS, tập trung vào 6 chủ đề ưu tiên: khả năng phục hồi khí hậu và thiên tai; chuyển đổi carbon thấp; cảnh quan thông minh về khí hậu; tính bền vững môi trường; công nghệ xanh; các công cụ tài chính cho phát triển carbon thấp và khí hậu – cơ sở hạ tầng kiên cường.
Ngoài rác thải, cuộc họp thường niên lần thứ 20 của Nhóm công tác GMS về nông nghiệp hồi tháng 5 vừa qua tại Siem Reap, Campuchia nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác tiểu vùng về chuỗi giá trị nông sản thực phẩm xanh và thích ứng với khí hậu, đồng thời tài trợ xanh cho các doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ.
Theo các quan chức GMS, các nước GMS có tiềm năng lớn để sản xuất và tiếp thị các sản phẩm nông sản xanh, an toàn và bổ dưỡng. Tuy nhiên, việc giảm lượng khí thải, carbon và chất thải của chuỗi giá trị nông sản là rất quan trọng. Tăng cường hợp tác về thương mại nông sản xuyên biên giới sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa năng lực của GMS để trở thành nhà sản xuất hàng đầu các sản phẩm nông sản xanh và an toàn, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và chuỗi giá trị trong tiểu vùng. Bên cạnh đó, số hóa các giao dịch chuỗi giá trị và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản cũng rất quan trọng để nâng cao hiệu quả trong thương mại xuyên biên giới.
Đa dạng hóa nguồn năng lượng
Theo giới chuyên gia, dù có nhiều ưu thế nhất định, nhưng GMS sẽ khó có thể phát triển bền vững và hiệu quả nếu chỉ xây dựng chính sách năng lượng một cách độc lập, không hài hòa. Tổ chức nghiên cứu phát triển bền vững Stimson của Mỹ cho biết, các quốc gia thuộc GMS nên xem xét lại kế hoạch mở rộng đập thủy điện và nhà máy than. Trong khi chi phí của các nguồn năng lượng thay thế, như năng lượng Mặt trời, đang giảm nhanh chóng và kết nối lưới điện khu vực được cải thiện. Hiện có hàng trăm đập lớn đã được xây dựng hoặc lên kế hoạch trên sông Mekong và các nhánh của nó cũng như các con sông khác trong GMS.
Theo bà Courtney Weatherby, Phó Giám đốc Stimson, nếu có điện Mặt trời với giá 6 cent/kWh (khoảng 1.380 đồng/kWh), thì một số con đập gây thiệt hại nặng nề nhất về môi trường thực sự không còn ý nghĩa kinh tế khi xây dựng. Hơn nữa, đầu tư vào các dự án đập thủy điện lớn cũng tiềm ẩn những rủi ro về chính trị và kinh tế vì các dự án có thể bị đình chỉ bất cứ lúc nào.
ADB đã khởi xướng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và dự án thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch và hiệu quả năng lượng ở GMS hàng chục năm qua. Theo ADB, điện Mặt trời là giải pháp thay thế có tính cạnh tranh về chi phí ở những khu vực thiếu khả năng tiếp cận hệ thống lưới điện. Các hệ thống điện Mặt trời gia đình và cộng đồng ngày càng trở nên phổ biến ở GMS. Campuchia, Lào và các nước GMS khác đang cố gắng giảm phụ thuộc vào dầu khí nhập khẩu bằng cách thúc đẩy các loại cây trồng nhiên liệu sinh học.
Bên cạnh gia tăng năng lượng tái tạo, các nước GMS dự tính tiết kiệm năng lượng hiệu quả ít nhất 10% trong 15-20 năm tới, riêng Thái Lan đang nhắm mục tiêu 20%. ADB khẳng định, năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng là sự lựa chọn đúng đắn cho các quốc gia GMS trong việc phát triển nền kinh tế xanh. Đó cũng là lúc lợi ích quốc gia được hòa quyện cùng lợi ích khu vực.