Leopard 1, mẫu xe tăng gần 60 tuổi Kiev vừa nhận được, có nhiều ưu điểm như dễ vận hành và số lượng lớn, có thể phù hợp với chiến trường Ukraine.
Bộ Quốc phòng Đan Mạch hôm 8/9 thông báo bàn giao 10 xe tăng Leopard 1A5 cho Ukraine và sẽ sớm cung cấp thêm 10 chiếc nữa. Đây là mẫu xe tăng được Đức phát triển từ những năm 1950-1960 và nâng cấp vào thập niên 1980. Đức cũng được cho là đã chuyển 10 chiếc Leopard 1A5 tới Ukraine hồi tháng trước.
Đan Mạch, Đức và Hà Lan hồi tháng 2 thông báo Ukraine sẽ nhận 135 xe tăng Leopard 1A5 trong những tháng tới. Các nước này cũng cam kết huấn luyện binh sĩ vận hành, cung cấp hậu cần, phụ tùng thay thế và đạn dược cho Ukraine, với kỳ vọng Leopard 1 sẽ hỗ trợ đáng kể cho chiến dịch phản công của Kiev.
Tại buổi huấn luyện tiến công phối hợp nằm trong khóa đào tạo 6 tuần ở Đức, các kíp lái Ukraine nhận lệnh khai hỏa pháo chính 105 mm của xe tăng Leopard 1A5 vào mục tiêu cách đó khoảng 1,3 km.
“Bắn 17 phát, trúng 15 phát là kết quả tốt”, sĩ quan Đức giám sát quá trình huấn luyện nhận định về loạt đạn đầu tiên của kíp lái Ukraine. “Bây giờ chúng tôi phải nỗ lực đạt mục tiêu này nhanh hơn”.
Đức đang là một trong những bên cung cấp nhiều khí tài nhất cho Ukraine. Nước này đã quyết định chuyển 18 chiếc Leopard 2A6, biến thể hiện đại của dòng Leopard 2, cho Ukraine để sử dụng trong chiến dịch phản công.
Tuy nhiên, chiếm phần lớn trong cam kết viện trợ xe tăng của Đức là hơn 100 chiếc Leopard 1. Mẫu xe tăng này cũ tới mức huấn luyện viên Đức phải nhờ binh sĩ Hà Lan và Đan Mạch hỗ trợ trong quá trình đào tạo kíp lái Ukraine. Đức đã loại biên Leopard 1 vào năm 2003, các cựu binh Đức biết cách vận hành xe tăng này đều được đào tạo vào những năm 1980-1990, khóa cuối cùng diễn ra vào đầu những năm 2000.
Bất chấp đã gần 60 tuổi, một số chuyên gia và quan chức Đức nhận định Leopard 1A5 có thể là lựa chọn thay thế hữu ích cho Leopard 2A6, mẫu xe tăng chủ lực có giá đắt hơn nhiều lần với số lượng sẵn có không cao. Đức buộc phải rút trực tiếp 18 chiếc Leopard 2A6 trong biên chế để viện trợ cho Ukraine, trong khi quân đội Đức cũng cần mẫu xe tăng này.
Giới chuyên gia phương Tây nhận định Leopard 1A5 sẽ phát huy tác dụng sau khi được tân trang. Một số cho rằng Leopard 1A5 vẫn có sức mạnh vượt trội so với các mẫu xe tăng chủ lực thời Liên Xô như T-72 của Nga.
Trung tướng Đức Andreas Marlow, người giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraine vận hành Leopard 1A5, đánh giá mẫu xe tăng này có kính nhìn đêm, hệ thống ổn định nòng pháo và có thể lùi về phía sau với tốc độ cao. Trong khi đó, không phải mẫu xe tăng “đã cũ” nào trong xung đột Nga – Ukraine cũng có những tính năng này.
Leopard 1A5 cũng có những ưu điểm như kíp lái dễ làm chủ khí tài, quá trình bảo dưỡng và sửa chữa đơn giản hơn so với mẫu Leopard 2A6, tướng Marlow nhận định. “Số lượng cũng đóng vai trò quan trọng”, ông nói.
Christian Molling, chuyên gia quân sự tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết do lập kế hoạch chậm và thiếu kinh phí, quân đội Đức không có lựa chọn nào khác ngoài Leopard 1 khi đối mặt yêu cầu viện trợ số lượng lớn xe tăng cho Ukraine. “Những chiếc Leopard 1 đó thực ra là lựa chọn không tồi”, chuyên gia này đánh giá.
Leopard 1A5 là biến thể hiện đại hóa của mẫu xe tăng chủ lực do Porsche, một hãng chuyên chế tạo xe sang, phát triển. Dòng xe tăng này tập trung vào khả năng cơ động và hỏa lực, do các nhà thiết kế tin rằng đạn chống tăng nổ lõm (HEAT) sẽ khiến xe tăng mang giáp hạng nặng trở nên lỗi thời.
Với triết lý đó, Leopard 1 chỉ được trang bị giáp thép đúc dày 10-70 mm, chỉ hơn xe thiết giáp một chút, khiến nó rất dễ bị tổn thương trước những loại hỏa lực chống tăng trên chiến trường hiện đại, đặc biệt là máy bay không người lái (UAV) tự sát.
Đức nâng cấp xe tăng Leopard 1 lên chuẩn 1A5 vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, trong bối cảnh quân đội nước này thu hẹp quy mô sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
“Ukraine đề nghị chúng tôi huấn luyện kíp lái trong không quá 6 tuần với những lý do dễ hiểu. Chúng tôi cần tận dụng tối đa thời gian huấn luyện này”, tướng Marlow nói. Điều này đồng nghĩa các binh sĩ Ukraine phải tham gia huấn luyện 6 ngày một tuần, song tướng Marlow khẳng định “họ hầu như không bận tâm về điều đó”.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)