Tại cuộc họp vừa qua do ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bí thư TP Nha Trang chủ trì. Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang đã nghe báo cáo về tiến độ thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang đến năm 2030. Cuộc họp với sự tham gia của lãnh UBND, lãnh đạo các đơn vị, Phòng Quản lý Đô thị và Ban Quản lý vịnh Nha Trang.
Ban Thường vụ Thành ủy ghi nhận, UBND TP Nha Trang, Ban Quản lý vịnh Nha Trang trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng thực hiện các nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số nhiệm vụ quy trình phê duyệt cần đảm bảo các thủ tục khi thẩm định nên chưa đáp ứng kịp thời tiến độ đề ra; một số công việc đã triển khai nhưng chưa nhận được kết quả phản hồi từ các ngành; chưa triển khai xây dựng giải pháp quản trị công tư đối với việc bảo tồn, khai thác các giá trị vịnh Nha Trang; đề tài triển khai rạn san hô nhân tạo vẫn đang trong quá trình chờ Sở KH&CN thẩm định…
Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị, thời gian tới, UBND TP. Nha Trang, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, các đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ủng hộ của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên, môi trường hệ sinh thái của vịnh Nha Trang, nhất là bảo vệ các rạn san hô theo Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030; tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trên các sông của thành phố.
Báo cáo UBND TP Nha Trang cho biết: Những năm qua, hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang đã bị suy giảm. Kết quả nghiên cứu năm 1994 cho thấy độ phủ trung bình san hô vịnh Nha Trang khoảng 30%, nhưng nay chỉ còn 22,8%; diện tích rạn san hô giai đoạn 2002- 2015 giảm 117,5ha. Một số khu vực độ phủ san hô cứng suy giảm nhiều như: Hòn Tằm từ 56,8% (năm 2017) giảm xuống 12,5%, bãi Sạn suy giảm hơn 70%. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Nhiều khu vực tại Hòn Mun và một số địa điểm khác trong vịnh Nha Trang, tình trạng san hô chết, gãy bị sóng đánh lên bờ thành từng lớp dày; quan sát từ tàu đáy kính, có thể thấy ở vùng lõi Hòn Mun, nhiều rạn san hô bị gãy, chết ngổn ngang dưới đáy biển.
Theo ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tập trung triển khai nhiều biện pháp như: Tạm dừng các hoạt động lặn biển có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô; khoanh vùng tạm thời để bảo vệ các khu vực đang phục hồi đối với san hô, bãi giống, bãi đẻ dễ xảy ra nguy cơ xâm hại như: khu vực Hòn Mun, Hòn Chồng – Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của đội công tác liên ngành trên vịnh để xử lý các hành vi vi phạm…
“Đơn vị đã và đang thử nghiệm phục hồi san hô ở khu vực Hòn Mun bằng phương pháp giá thể Ribbon; áp dụng phục hồi san hô bằng công nghệ Biorock tại vịnh Nha Trang, triển khai các biện pháp bảo vệ chất lượng môi trường để phục hồi san hô bị suy thoái theo hình thức phục hồi tự nhiên” ông Thái chia sẻ.
Ngoài các giải pháp trên, UBND TP. Nha Trang đề xuất các giải pháp lâu dài như: Xây dựng, kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với công tác bảo tồn biển vịnh Nha Trang; bảo vệ, giám sát môi trường vịnh; phát triển sinh kế cho người dân trong và xung quanh Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực Ban quản lý vịnh Nha Trang.
Theo ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Việc bảo tồn các di sản, khu bảo tồn biển trong Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cụ thể và đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được thông qua. Mục tiêu gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngày 28.01.2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những quan điểm như sau: Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh; bảo tồn đa dạng sinh học vừa là giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bảo tồn đa dạng sinh học kết hợp sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái và đa dạng sinh học góp phần phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; thực hiện tiếp cận hệ sinh thái trong bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học.
Cũng theo ông Trần Hòa Nam, vịnh Nha Trang là thành viên thứ 29 của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới, chứa đựng các giá trị toàn cầu và quốc gia; là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia phải được bảo vệ hiệu quả. Thời gian qua, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng có biểu hiện suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan. Do đó, việc giữ gìn và phục hồi rạn san hô trong vịnh Nha Trang, bao gồm khu vực biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài của tỉnh Khánh Hòa.
Hiện nay, việc phục hồi vịnh Nha Trang và rạn san hô ở khu vực biển Hòn Mun đòi hỏi phải huy động được các nguồn lực khác nhau; sự phối hợp của các ban, ngành trong tỉnh; sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương; sự chung tay của các doanh nghiệp và người dân; sự đồng hành của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước.
Ngày 07.11.2022, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Quyết định số 3028/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh Nha Trang đến năm 2030. UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND TP. Trang Trang kêu gọi cộng đồng người dân, doanh nghiệp và du khách hãy nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ loài hoang dã, xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với thiên nhiên, với môi trường vịnh Nha Trang. Các tổ chức, cá nhân hãy tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, nhất là bảo tồn hệ sinh thái biển.