Làng Bạch Hạc xưa kia thuộc vùng đất Phong Châu, là nơi trấn giữ phía Đông kinh đô nước Văn Lang thời Hùng Vương và vùng sông nước hữu tình, nơi tụ nhân, tụ thuỷ, tụ khí, tụ đức. Đặc biệt nơi đây còn có 6 cụm di tích lịch sử văn hoá có giá trị 1 khu di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, 5 di tích xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh; vùng Ngã ba Hạc còn có đặc sản nổi tiếng cá Anh Vũ vô cùng quý hiếm dùng để tiến vua có thể phát triển loại hình du lịch tâm linh và văn hóa ẩm thực.
Du khách tham gia trải nghiệm nghi thức rước nước Bạch Hạc. Ảnh: Phượng Cao
Từ xưa kia Bạch Hạc đã được coi là mảnh đất linh thiêng, kỳ thú đã đi vào thơ, ca, nhạc họa lục bộ Thượng thư, tiến sỹ Nguyễn Bá Lân người được coi là một trong “An Nam Tứ Đại Tài ” nghĩa là 4 người giỏi thơ phú nhất nước Nam đã từng viết về Bạch Hạc với những vần thơ, phú nổi tiếng như:
Xinh thay ngã ba Hạc/Lạ thay ngã ba Hạc/Dưới họp một dòng/Trên chia ba ngác
Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp/dòng biếc lẫn dòng đào/Lênh lang dễ biết nông sâu/
nước đen pha nước bạc…
Bạch Hạc còn biết đến với hệ thống di tích và lễ hội phong phú Đền Tam Giang, chùa Đại Bi, lễ hội bơi chảy, lễ hội cướp còn và nấu cơm thi. Đền Tam Giang toạ lạc tại hợp điểm tam giang của ba dòng Thao Giang, Đà Giang và Lô Giang với hướng nhìn thờ chính nhân vật lịch sử huyền thoại thời kỳ Hùng Vương dựng nước: Vũ phụ Trung dực Uy hiển vương – húy là Thổ Lệnh. Nơi đây còn phối thờ nhân vật lịch sử triều Trần là Chiêu văn vương Trần Nhật Duật và thờ Mẫu tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, một tín ngưỡng nguyên thủy rất cổ sơ được coi là đạo giáo bản địa của người Việt, thờ các nữ thần tự nhiên: Mẫu Thoải – cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn – cai quản núi rừng, Mẫu Thượng Thiên – cai quản bầu trời.
Đoàn rước tái hiện nghi thức rước nước Bạch Hạc. Ảnh: Phượng Cao
Mặt bằng kiến trúc đền Tam Giang gồm: Nghi môn, đền thờ, tượng Trần Nhật Duật và Nhà thờ Mẫu. Cổng đền kết cấu kiểu nghi môn – tứ trụ. Đền thờ kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 2 tòa: Tiền tế và hậu cung, kiểu nhà 4 mái đao cong. Trong đền Tam Giang còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ như: Bia đá “Hậu thần bia ký” (Niên đại Gia Long năm thứ 17 – 1818); chuông đồng “Thông Thánh quán chung ký” (niên đại Minh Mệnh thứ 11 – 1830) với bài minh chuông chép lại tích của quán Thông Thánh. Đặc biệt, liên quan đến đền Tam Giang có hai tư liệu lịch sử quý giá là 02 Thác bản chuông: “Thông Thánh Quán” (Niên đại Đại Khánh thứ 8 – 1321, đời vua Trần Minh Tông) và “Phụng Thái Thanh từ” (niên đại Gia Long năm thứ 17 – 1818). Đây là nguồn sử liệu quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần.
Chùa Đại Bi là công trình kiến trúc tôn giáo thờ Phật theo dòng Phật Đại Thừa ở miền Bắc, hiện có tòa Tam bảo và nhà bia. Ngôi chùa không chỉ là nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ phật giáo tới làm lễ, mà còn là một trong những nơi sinh hoạt văn hóa qua nhiều thế hệ. Theo sử sách thì chùa Đại Bi được xây từ thế kỷ thứ XIX, đã qua nhiều lần trùng tu. Cuộc trùng tu lớn nhất vào năm 2000 đã tạo nên diện mạo ngôi chùa như ngày nay với nguyên mẫu từ những ngôi chùa cổ của Việt Nam như bờ cong, tám mái với những đầu đao chạm rồng cao vút.
Đoàn người rước chóe nước thiêng về đặt tại đền Tam Giang để làm lễ tế.
Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, cụm di tích đền Tam Giang – chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc – nghệ thuật quốc gia vào tháng 6 năm 2010. Nơi đây không chỉ là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của một vùng rộng lớn mà còn là nơi diễn ra một trong những Lễ hội tiêu biểu vào bậc nhất của vùng Đất Tổ. Đó là hội thi bơi trải vùng Bạch Hạc nổi tiếng, lễ hội cướp còn, nấu cơm thi…
Bên cạnh đó là lễ hội bơi trải Bạch Hạc được tổ chức hàng năm để nhắc lại tích thần Thổ Lệnh tiễn đưa Tản Viên trở về núi Tản khi ngài đến thăm Bạch Hạc, đồng thời ôn lại tinh thần hừng hực khí thế luyện quân của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày: Ngày đầu bơi dạo để kiểm tra trải; ngày thứ hai các giáp đưa kiệu xuống trải bơi ra sông Hồng đón các thần về; ngày thứ ba bơi chính để đọ sức giữa các giáp; mỗi đơn vị đua một thuyền, kiểu dáng thuyền hoàn toàn giống nhau, chỉ khác màu sắc
Lễ hội đền Tam Giang gắn liền với việc phụng thờ thần Thổ Lệnh và vị tướng Trần Nhật Duật đã từng đóng đồn và luyện thủy quân ở Ngã Ba Hạc để đánh quân Nguyên đầu năm 1258. Vì vậy, hàng năm có nhiều kỳ tế lễ và tổ chức các trò chơi dân gian hội đám gắn với sự tích của các vị thần thờ ở đền Tam Giang, tiêu biểu là lễ hội cướp còn hay còn gọi lễ cầu đinh và hội thi nấu cơm.
Với nghi lễ của hội cướp còn, chúng ta có thể hiểu đây là một nghi lễ mang ý nghĩa cầu đinh cầu con trai, hay cầu giống cầu cho “Dân khang vật thịnh, đinh tài hưng vượng” và cũng là một hình thức vui chơi hội đám đặc trưng của vùng đất Tổ Hùng Vương.
Nấu cơm thi là lễ tiệc gắn với việc khao quân của Trần Nhật Duật sau lần chiến thắng quân Nguyên ở trấn Tam Giang Bạch Hạc đây là cuộc thi nấu cơm nhanh của các giáp bằng tài khéo léo, mang tính tập thể, tinh thần đồng đội, đòi hỏi kỹ thuật phải cao, thông minh, sáng tạo. Vừa phải xay giã gạo, tạo lửa tại chỗ kết hợp tập thể “hậu trường” cùng với nhóm người tại chỗ để tạo nên mâm cơm rượu, thức ăn dã chiến đảm bảo tiêu chuẩn: Cơm dẻo vừa chín tới, thức ăn ngon, bầy biện đẹp.
Về với Phú Thọ, nếu du khách chỉ đến với Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ mà chưa đến Bạch Hạc thì chưa thể coi là đã hoàn tất chuyến hành hương về đất Tổ. Du khách gần xa hãy một lần đến vùng đất Bạch Hạc chỉ cách Đền Hùng khoảng 12 km để hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, cùng tham gia các trò chơi dân gian, các cụm di dích và danh thắng cùng các hội thi như cướp còn, nấu cơm thi, bới chải … đây cũng là nơi để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay hiểu và trân quý những giá trị của lịch sử, sự hi sinh của các bậc thánh nhân để chúng ta có cuộc sống yên bình no ấm, hạnh phúc./.
Vương Tú