Số học viên đăng ký vào trường nghề đạt hơn 377.400 người vào năm ngoái, cao nhất kể từ năm 2020.
Theo công bố của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM hồi giữa tháng 8, số này tăng hơn 150.000 người so với năm 2021 và vượt gần 2% so với chỉ tiêu đề ra.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở đào tạo nghề đã tuyển được hơn 150.000 học viên, đạt hơn 50% kế hoạch.
Trước đó, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết trường nghề ở TP HCM không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể năm 2020, các trường tuyển được hơn 338.700 người. Năm 2021, số người học nghề giảm mạnh, chỉ đạt 223.600 người, tương đương 60,28% chỉ tiêu đề ra.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thêm tính đến hết tháng 7, số học viên nghề ở thành phố là hơn 370.000. Trong đó, trình độ cao đẳng chiếm nhiều nhất với hơn 177.000 người; trung cấp (hơn 126.000), còn lại là trình độ sơ cấp (hơn 33.800).
Xu hướng lựa chọn ngành học cũng có sự thay đổi. Số học viên chọn 9 ngành dịch vụ chủ yếu (Thương mại; Vận tải kho bãi; Du lịch; Bưu chính, Viễn thông và thông tin truyền thông; Tài chính, Tín dụng, Ngân hàng, Bảo hiểm; Kinh doanh bất động sản; Dịch vụ thông tin tư vấn – Khoa học công nghệ; Giáo dục đào tạo; Y tế) giảm dần, từ hơn 73% của năm 2020 xuống còn hơn 49% vào năm ngoái.
Ngược lại, bốn ngành công nghiệp trọng điểm (Cơ khí, Điện tử – Công nghệ thông tin, Chế biến tinh lương thực thực phẩm, Hóa dược – Cao su) thu hút người học, chiếm tỷ lệ hơn 41% trong năm 2021 và 2022.
Số ít học viên chọn 8 ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN (Nha khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật, Xây dựng, Kế toán, Kiến trúc, Khảo sát và du lịch) hoặc ngành nghề khác.
TP HCM hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng 9 so với năm 2021. Các loại hình gồm trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Trong đó, đào tạo ở doanh nghiệp chiếm số lượng nhiều nhất với 178 cơ sở, tiếp đến là trường cao đẳng (62 cơ sở) và trường trung cấp (60).
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học đã được triển khai rộng khắp, đến gần xã hội hơn.
Kiến thức chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề của người học sau tốt nghiệp trường nghề ngày càng tiệm cận thực tế sản xuất, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, tuyển sinh ở các nghề, trường đào tạo ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng cao. Sở đánh giá người học nghề có xu hướng muốn học nhanh, sớm tham gia thị trường lao động. Điều này có thể khiến phần lớn họ khó thích ứng với sự thay đổi nhanh của khoa học công nghệ so với lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng.
Mặt khác, các trường trung cấp, cao đẳng nghề bị động trong nguồn tuyển khi học sinh ngày càng có nhiều cơ hội vào đại học. Trong khi đó, uy tín, chất lượng đào tạo, điều kiện dạy học của các trường chưa đảm bảo hoặc chưa thu hút người học.
Cuối năm ngoái, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết các trường nghề tuyển được gần 2,45 triệu học viên, tăng 500.000 người so với năm 2021 và cao nhất trong 5 năm qua.
Cơ quan này nhận định lợi thế của giáo dục nghề nghiệp là số lượng ngành, nghề lớn. Hiện bậc trung cấp có khoảng 800 ngành, nghề, cao đẳng 400, chưa tính trình độ sơ cấp và các khóa học ngắn hạn, lấy chứng chỉ.
Lệ Nguyễn