Đền Mẫu Âu Cơ toạ lạc giữa một cánh đồng lúa bên dòng sông Thao thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ một vùng đất địa linh nhân kiệt đây là một công trình lịch sử văn hóa đặc biệt, gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc với nghĩa đồng bào rất đỗi thiêng liêng một dân tộc cùng chung nguồn cội.
Về huyền tích mẹ Âu Cơ: truyện xưa kể lại rằng: Đế Lai lấy Ngọc Nương phu nhân ở động Lăng Sương, sinh ra nàng Âu Cơ xinh đẹp lung linh như hạt ngọc trời buông. Ngọc Nương thường gọi nàng là Đệ nhất tiên thiên công chúa. Chuyện kể rằng khi Ngọc Nương phu nhân sinh nàng Âu Cơ thấy có mây lành che chở, hương thơm toả ngát khắp nơi, là điềm “Tiên nữ giáng trần”. Lớn lên Nàng Âu Cơ rất xinh đẹp, “So hoa hoa biết nói, so ngọc, ngọc ngát hương”, chăm đọc chữ, giỏi đàn sáo, tinh thông âm luật.
Ảnh tư liệu (Nguồn: Internet)
Khi lớn lên, nàng đi đến đâu trời dâm, mưa tạnh, chim ca ríu rít, muôn hoa đua nở đến đó. Âu Cơ kết duyên cùng Lạc Long Quân là con trai của Kinh Dương Vương Lộc Tục. Sau khi mang thai 3 năm 3 tháng 10 ngày, đến kỳ khai hoa, bà về núi Nghĩa Lĩnh sinh ra 1 bọc trăm trứng, sau nở thành trăm người con trai. Khi các con đã khôn lớn Lạc Long Quân nói với Âu Cơ “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hoả khó hoà hợp…”, hai người bèn chia 49 người con theo mẹ lên núi, 50 người con theo cha xuống biển, người con cả được tôn lên làm Vua hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời.
Bà Âu Cơ cùng các con đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Trên con đường dài muôn dặm đó, một ngày kia Người đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây.Thấy phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, có núi cao đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim muông thú dồi dào. Người cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, nuôi tằm dệt vải. Giếng Loan, giếng Phượng, gò Thị, gò Cây Dâu…là những cái tên từ thưở xa xưa đến nay vẫn còn đọng mãi trong ký ức người dân nơi đây.
Xưa kia, trong huyền tích, Mẹ Âu Cơ dừng chân tại Hiền Lương lập sơn trang, dạy dân trồng lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và dệt vải. Chính vì vậy, lễ vật dâng lên Mẫu Mẹ cũng gắn liền với sự trù phú của đời sống nông nghiệp ở vùng này. Khi trang ấp đã ổn định, người lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới, đến khi giang sơn đã thu về một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, mẹ Âu Cơ lại trở về với Hiền Lương, nơi người đã chọn để gắn bó cuộc đời của mình. Tương truyền ngày 25 tháng chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời để lại dưới gốc đa một dải yếm lụa, ở đó nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương khói.
Lễ dâng hương mẫu Âu Cơ (Ảnh: Internet)
Đền Mẫu Âu Cơ là một di tích lịch sử văn hoá đến ngày nay đã tồn tại qua hơn 5 thế kỷ, đã 3 lần được các triều đại Nhà nước Việt Nam công nhận là đền Quốc tế (Tế lễ cấp quốc gia). Từ thế kỷ XV (1465) sau khi được nhà Lê phong sắc và xây dựng đền có quy mô như hiện nay, đến thế kỷ XIX nhà Nguyễn một lần nữa lại phong sắc công nhận đền Mẫu Âu Cơ. Ngày 3/8/1991, đền Mẫu Âu Cơ được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Ngày lễ chính của Đền Âu Cơ là ngày “Tiên giáng” mùng bảy tháng giêng, ngoài ra trong năm còn có các ngày lễ khác là ngày 10-11 tháng 2, ngày 12 tháng 3, ngày 13 tháng 8…
Đền được xây dựng trên một khoảng đất cao rộng giữa cánh đồng, trải bao biến thiên của lịch sử, ngôi đền đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Đền có 5 gian hình chữ nhất, cột gỗ lom, mái lợp ngói vẩy. Cây đa cổ thụ sau đền cành lá xum xuê gần như bao phủ kín ngôi đền mặt quay về hướng chính Nam, bên tả có giếng Loan, bên hữu có giếng Phượng, phía trước có núi Giác làm tiền án, phía sau là sông Hồng uốn lượn bao quanh. Kết cấu vì kèo theo kiểu chồng giường, kẻ bảy, lợp ngói mũi hài.
Nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên các đầu dư, đầu bảy, xà ngang, cốn nách, câu đầu, cửa võng được đục chạm hết sức công phu. Chạm tứ linh, tứ quý là đề tài chủ yếu của mỹ thuật đương thời. Các bức chạm này được đục bong, chạm thủng và được sơn son thiếp vàng lộng lẫy, uy nghiêm. Thượng cung cao 2,2m là nơi đặt khám thờ Mẫu, diềm xung quanh cửa khám chạm thủng nhiều lớp theo đề tài tứ quý; Tùng, cúc, trúc, mai. Trong lòng khám đặt tượng Mẫu Âu Cơ ngồi trên ngai. Mẫu Âu Cơ mặc áo đỏ đầu đội mũ lấp lánh kim cương, cổ đeo vòng vàng, bàn chân đi hài. Tượng được tạc vào thời Lê, có giá trị cao về nghệ thuật tạo hình và thẩm mỹ. Trong đền còn nhiều di vật quý như long ngai, sập thờ… được đục chạm tỉ mỉ và tinh tế. Đền Mẫu Âu Cơ có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc và mỹ thuật chạm khắc dân gian.
Thực hiện nghi lễ tế nữ quan trong lễ hội đền Mẫu Âu Cơ – Ảnh: Phương Thanh
Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Hình tượng mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng nước Việt trong một bọc trăm trứng đã trở thành hình tượng bất hủ sống mãi trong tư tưởng tình cảm và tâm trí của các thế hệ người Việt Nam. Để làm các lễ vật dâng lên Mẹ, đến gần ngày lễ, người dân Hiền Lương bơi thuyền ra giữa sông Hồng, chọn nơi nước trong nhất múc nước về để chế biến các thứ bánh và lễ dâng Quốc Mẫu. Nghi thức này được người dân tổ chức trang trọng và thiêng liêng.
Về tâm thức lễ hội người dân trong vùng còn truyền mãi câu ca:
Mồng bảy trong tiết tháng giêng
Dân Hiền tế lễ trống chiêng vang trời…
Anh em Bách Việt ta ơi
Ngày xuân thong thả tới nơi xem tường
Dân ngày hội tế Mẫu Vương
Người sinh ra tổ Hùng Vương nước nhà…
Sau Tết Nguyên Đán cả vùng nhộn nhịp chuẩn bị lễ vật, sửa sang, tu chỉnh đền, đình mỗi năm chọn 1 giáp chuẩn bị lễ vật cúng tế. Từ ngày mùng 3, 4 tháng Giêng hội đồng trưởng giáp đã tổ chức họp để phân công chuẩn bị lễ vật. Lễ vật là cỗ chay các loại bánh: bánh dằng, bánh chè kho, bánh ít hoặc bánh út…với nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp và mật giọt, đỗ đen hoặc đỗ xanh được những bàn tay trai thanh, gái tú trong làng lựa chọn kỹ lưỡng, sơ chế và thực hiện các công đoạn làm bánh theo những cách riêng cho mỗi loại. Cùng tổ chức tế tại đình Hiền Lương với đội tế nam trang phục nghi lễ tế Thành hoàng, với ước nguyện của dân làng cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, muôn dân no đủ.
Lễ vật gồm 100 cầu bánh dằng, 100 phẩm bánh chè kho, 100 chiếc bánh ít, hoa quả, đăng, hương, trầu, rượu … Sau lễ dâng hương và lễ vật là tổ chức tế. Đội tế nữ gồm 12 cô gái thanh tân, có nhan sắc và học vấn đầu đội khăn kim tuyến chân đi hài thêu, thắt lưng bằng dải lụa, riêng chủ tế trang phục toàn màu đỏ. Tế nữ quan thu hút sự chú ý trong phần lễ bởi sự trang nghiêm và tôn kính. Sau khi đội tế nữ tế xong nhân dân địa phương và khách thập phương nô nức vào đền dâng hương, dâng lễ cầu cho dân khang vật thịnh, mùa màng tốt tươi, dân khang, vật thịnh.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ở đền Mẫu Âu Cơ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước, cùng nhau hướng về đền Mẫu Âu Cơ để được dâng lên Tổ Mẫu nén hương thơm tỏ lòng thành kính và biết ơn, để lòng ta lắng lại suy nghĩ về Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, xua đi những vẩn đục trong lòng, mở rộng lòng nhân ái để cuộc sống tốt đẹp hơn.
Về với đền Mẫu Âu Cơ chính là chúng ta trở về với nguồn cội cùng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đồng thời tưởng nhớ về Quốc Mẫu Âu Cơ người mẹ huyền thoại, thiêng liêng mãi khắc sâu trong lòng mọi người dân đất Việt./.
Vương Thanh Tú