Người dân địa phương vừa phát hiện một hang động mới trên địa bàn bản Đìu Đo, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Sau khi được phát hiện, chính quyền địa phương và công ty du lịch đã tổ chức chuyến khảo sát để đánh giá tổng thể, khám phá kỹ hơn. Hang động cách trung tâm xã Trường Sơn khoảng 7 km, đường đi vào cửa hang thuận lợi. Người dân tạm gọi hang động mới này là “hang Sơn Nữ”. Hang dài 1,5 km, cửa hang cao 30m, bên trong hang có dòng sông ngầm bắt nguồn từ biên giới Việt – Lào đi qua bản Dốc Mây và chảy xuyên qua hang Sơn Nữ.
Tuy nhiên, các bức ảnh chụp hiện trường bên trong hang khiến nhiều người bức xúc, khi nhóm khảo sát trèo lên thảm thạch nhũ để chụp mọi kiểu dáng, đứng ngồi khác nhau…
GS – TS Tạ Hòa Phương, Chủ tịch Hội Cổ sinh – Địa tầng Việt Nam, cho rằng Sơn Nữ là hang karst đẹp, có nhiều cảnh quan hang động hấp dẫn. Tuy nhiên, khi xem các bức ảnh những nhóm người leo trèo, ngồi trên thạch nhũ trong hang, GS Phương thốt lên: “Đúng là nhóm khảo sát dù được trang bị chu đáo, nhưng đã làm việc không chuyên nghiệp. Họ chà đạp, ngồi, đứng trên các khối thạch nhũ tuyệt đẹp, đối tượng chính cần được bảo vệ trong một hang karst phục vụ du lịch. Thiếu thạch nhũ, hang động trở nên kém hấp dẫn hẳn”.
Theo GS về địa chất học này thì các khối nhũ trong hang bị chà đạp trong các bức ảnh được chụp lại thuộc dạng nhũ dòng chảy (flowstone), nhũ viền (rimstone), có hình thái đẹp, lạ (hình đập tràn, hay thác nước, hình san hô dạng cối xay…), chúng đang trong quá trình phát triển (bằng chứng là còn thấy lóng lánh các tinh thể calcit đang được thành tạo). Các thành tạo nhũ ấy rất nhạy cảm với tác động của con người, nhất là khi bị chà đạp, tiếp xúc trực tiếp.
“Nếu để du khách tự do đi lại, leo trèo lên thạch nhũ thế này sẽ gây nguy hại, cản trở quá trình phát triển bình thường của chúng, dẫn đến thoái biến, mài mòn, mất đi vẻ tươi mới đầy sức sống của một hang hoạt động (active cave). Cảnh leo trèo lên thạch nhũ như thế chứng tỏ nhóm bạn trẻ chưa được trang bị kiến thức đầy đủ về bảo tồn hang động, hướng tới phát triển du lịch bền vững. Tôi nghĩ, việc ghi lại những tấm hình như vậy, lại được công khai, thực sự có hiệu ứng phản cảm”, GS – TS Phương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với GS Phương, một chuyên gia về hang động ở Việt Nam cũng cho rằng, thạch nhũ trong hang Sơn Nữ thuộc dạng đang hình thành. Do đó, việc đi lại hay chà xát sẽ làm mòn/trôi lớp canxi bám lên bề mặt mà phải lâu lắm mới có được. Ngoài ra, mồ hôi tay con người có dầu nên khi chạm lên thạch nhũ sẽ làm dính lớp dầu lên bề mặt khiến canxi không bám lên được.
Ở các hang động được khai thác du lịch trên thế giới cũng như ở Việt Nam, những nơi có thạch nhũ sẽ được căng dây để hạn chế xâm lấn. “Việc ngồi, đứng lên thạch nhũ chụp ảnh trong các bức ảnh ở hang Sơn Nữ là hành động cố ý”, ông phát biểu.
Các hang động luôn được khai thác du lịch một cách cẩn trọng, có hang quá nhạy cảm sẽ đóng cửa không khai thác, còn những hang có khả năng đón khách thì tùy hang sẽ được khai thác số lượng hợp lý, hạn chế. Chẳng hạn, hang Sơn Đoòng giới hạn đón 2.500 khách/năm, Tú Làn là 550 khách…
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Du lịch Trường Tuấn (có trụ sở tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), đơn vị tổ chức khảo sát hang Sơn Nữ vào tháng 7 vừa qua, thừa nhận những người trong các bức ảnh đứng, ngồi trên thạch nhũ là nhân viên, người quen của công ty. Công ty đã làm đề án để xin chủ trương của chính quyền địa phương đưa vào khai thác du lịch hang Sơn Nữ trong thời gian tới.