Hoàn thành việc quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T3 tại Cảng HKQT Cam Ranh với công suất thiết kế hành khách 10-15 triệu lượt khách/năm đáp ứng công suất thiết kế hành khách 28-30 triệu lượt khách/năm vào năm 2030; hoàn thành việc nâng cấp và sớm đưa vào sử dụng cảng biển du lịch Nha Trang đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nâng cấp và phát triển hệ thống các bến tàu/thuyền du lịch kết nối bến tàu Nha Trang với các điểm du lịch trong tỉnh. Xây dựng các bến thuyền du lịch dọc tuyến sông Cái – Nha Trang.
Phát triển hạ tầng môi trường du lịch: Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải du lịch trên các đảo du lịch; Hoàn thành việc đấu nối hệ thống thu gom nước thải từ các cơ sở dịch vụ du lịch khu vực ven biển với hệ thống thu gom và xử lý nước thải chung. Cung cấp điện, nước đáp ứng nhu cầu du lịch: Hoàn thành việc đấu nối điện, nước từ nguồn chung của tỉnh tới các khu/điểm du lịch.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Phát triển hệ thống điện mặt trời phục vụ du lịch trên các đảo du lịch. Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng hệ thống giao thông đường bộ; phát triển hệ thống bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng phù hợp với đô thị du lịch Nha Trang.
Xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông, mạng internet không dây tại các khu, điểm du lịch và các khách sạn, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch. Phát triển các tuyến vận tải hành khách công cộng đến các khu điểm du lịch; mở rộng thêm các tuyến xe điện phục vụ du khách; nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải theo hướng văn minh, hiện đại. Bố trí quỹ đất hợp lý để kêu gọi đầu tư, xây dựng các bến xe, điểm dừng đỗ xe; tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống tín hiệu đảm bảo an toàn và kiểm soát giao thông; tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông để đảm bảo giao thông thuận lợi phục vụ nhu cầu đi lại của người dân địa phương và khách du lịch.
Tập trung đầu tư hình thành các trung tâm tổ chức hội nghị, sự kiện, triển lãm, mua sắm, thể thao, giải trí… quy mô lớn, mang tầm thương hiệu quốc gia, khu vực và quốc tế. Định hướng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển cơ sở vật chất của ngành theo hướng chất lượng cao, hiện đại phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch được xem là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu và định hướng phát triển du lịch Khánh Hòa đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, do đó phát triển nguồn nhân lực du lịch cần phải tập trung một số giải pháp như nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực du lịch cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh và yêu cầu hội nhập.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ưu tiên thu hút nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động du lịch từ quản lý du lịch đến các vị trí nghiệp vụ du lịch phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn khu vực và quốc tế về lao động du lịch. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực du lịch, tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến quốc tế, ứng xử văn minh và thân thiện với khách du lịch. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tham gia đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch.
Tăng cường hỗ trợ từ ngân sách cho công tác nghiên cứu thị trường để nâng cao chất lượng và tính khả thi của công tác nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu nhanh nhạy của thị trường, khuyến khích và ủng hộ các doanh nghiệp du lịch đối với hoạt động tìm kiếm mở rộng thị trường du lịch của Khánh Hòa. Đồng thời, gắn hoạt động này với hoạt động thị trường chung của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Phát triển thị trường gắn với sản phẩm và công tác xúc tiến quảng bá để giải quyết mối quan hệ cung – cầu. Thường xuyên nghiên cứu xu hướng thị trường, qua đó nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách, xây dựng chương trình, hình thức xúc tiến quảng bá phù hợp với từng thị trường khách du lịch.
Mở rộng phát triển các thị trường tiềm năng, có lượng khách du lịch đến Khánh Hòa hàng năm tăng nhanh, tổ chức thường niên các sự kiện lễ hội, văn hóa, thể dục thể thao đặc thù, đặc sắc,…gắn với du lịch theo hướng kết hợp hài hòa, không mang tính thời vụ, nhằm tạo sự giao lưu văn hóa giữa các vùng miền và mang tính bền vững trong hoạt động du lịch.
Phát triển đa dạng với các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên việc khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch nhằm phát triển hiệu quả và bền vững du lịch biển đảo của Khánh Hòa, cần có sự liên kết đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương và cả những tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trong việc thực hiện các giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa các loại hình/sản phẩm du lịch biển đảo như: nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, tham quan, thể thao mạo hiểm, du lịch tàu biển, khám phá dưới đáy biển và các đảo ven bờ…
Kết hợp với loại hình du lịch bổ trợ như: du lịch sinh thái núi, du lịch văn hóa tham quan, lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch sự kiện (MICE) đáp ứng nhu cầu đa dạng thị trường. Chú trọng đối với đặc điểm “cầu” của thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ là những thị trường trọng điểm của du lịch Khánh Hòa đã được định hướng. Mỗi huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không chỉ xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế của riêng từng địa phương mà còn cần phải kết hợp chặt chẽ với các địa phương khác để tạo nên những sản phẩm du lịch liên kết giữa các địa bàn tránh sự trùng lắp.
Quan tâm và thường xuyên đến công tác xúc tiến đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống các cơ sở lưu trú, kết cấu hạ tầng du lịch, phát triển các công trình vui chơi, giải trí, tạo ra những loại hình giải trí độc đáo, cao cấp và hiện đại như: cáp treo, sân golf, phim trường, công viên nước, công viên thành phố, nhà hát, biểu diễn…cũng như các loại hình vui chơi giải trí mạo hiểm gắn với tài nguyên biển và núi.
Nâng cấp làm mới sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển tại thành phố Nha Trang, cần tiếp tục hoàn thiện các khu nghỉ dưỡng biển và các khu dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch quốc gia như đã được xác định trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Chú trọng phát triển quần thể nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế tại khu vực vịnh Vân Phong bao gồm: phát triển cơ sở lưu trú cao cấp, khu dịch vụ vui chơi, giải trí, khu mua sắm, ẩm thực gắn với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch khu hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, nhất là thể thao mang đặc thù biển… phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, hướng đến có thương hiệu mạnh trên thị trường du lịch quốc tế.
Gắn kết đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch thông qua việc kết nối các tour, tuyến, điểm; liên kết vùng gắn với các sự kiện, lễ hội: sản phẩm nghỉ dưỡng biển gắn với thiên nhiên hoang sơ, gắn với dòng sản phẩm di sản khai thác và phát huy giá trị văn hóa vùng miền trên các địa bàn Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh. Phát huy các loại hình du lịch cộng đồng vùng biển, hải đảo và vùng núi nơi có tiềm năng du lịch song cuộc sống còn khó khăn, hình thành và phát triển khu kinh tế đêm phục vụ du lịch nhằm đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch.
Thực hiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cần nhấn mạnh và điểm khác biệt là tài nguyên là biển đảo và thể hiện được đặc tính đa dạng của du lịch Khánh Hòa. Xây dựng thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa dựa trên những lợi thế so sánh, sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương cũng như khả năng ứng dụng trên môi trường chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay. Tăng cường chuyển đổi phương thức cung cấp thông tin du lịch, hình ảnh điểm đến trên môi trường số, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đáp ứng được các yêu cầu phát triển thương hiệu – Quảng bá bằng nhiều hình thức như xây dựng trang Web du lịch, tờ rơi, ấn phẩm du lịch với nhiều ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức, Hàn, Nhật… báo chí, truyền hình, internet, mạng xã hội, hội nghị trực tuyến…
Tích cực và chủ động đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế thông qua cơ quan ngoại giao để nhằm thúc đẩy việc liên kết, trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực du lịch và xúc tiến quảng bá điểm đến một cách hiệu quả.
Thực hiện triển khai việc chuyển đổi số trong ngành du lịch, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động du lịch. Phát triển các tiện ích “du lịch thông minh”; phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ du khách tiếp cận điểm đến, trải nghiệm du lịch dựa trên công nghệ số. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Nâng cao chất lượng công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý du lịch và tương tác trực tuyến với du khách; Xây dựng nguồn dữ liệu thông tin hình ảnh dưới các hình thức khác nhau để giới thiệu điểm đến, sản phẩm, tài nguyên du lịch Khánh Hòa có thể bảo đảm yêu cầu phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước và quốc tế cũng như trên các phương tiện truyền thông trực tuyến khác. Biên tập, xuất bản các ấn phẩm du lịch số dưới nhiều hình thức để phục vụ công tác xúc tiến du lịch và cung cấp thông tin cho du khách; ứng dụng rộng rãi công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch dịch vụ du lịch.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch trước và sau chuyến đi. Xây dựng bản đồ số về các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; Hoàn thiện số hóa 3D các hiện vật, công trình lịch sử, văn hóa trên địa bàn Khánh Hòa để quảng bá văn hóa, lịch sử của thành phố cho du khách… Xây dựng phần mềm hướng dẫn viên du lịch ảo, thuyết minh du lịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến tại các khu, điểm du lịch; phát triển các ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trên sàn giao dịch du lịch điện tử và các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động thông minh./.
Vương Thanh Tú