Nhiều héc-ta đất hoang hóa
Thanh Hóa nhiều năm qua luôn là “thỏi nam châm” thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, tính riêng trong năm 2022, địa phương này đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD, góp phần vào thành quả tăng trưởng GRDP đạt 12,51%, xếp thứ 7 cả nước.
Để phục vụ quá trình phát triển, nhiều diện tích đất đã được giao, hoặc cho các nhà đầu tư thuê. Cơ bản, đa số các chủ đầu tư đã tích cực, khẩn trương triển khai dự án, đảm bảo theo tiến độ đã được chấp thuận và cam kết. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã dần xuất hiện tình trạng dự án “treo”, “chết lâm sàng” khiến nhiều héc-ta đất bị bỏ hoang hóa, lãng phí.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ khi thi hành Luật đất đai năm 2013 tới nay, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 dự án trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng. Trong đó, có nhiều dự án quy mô sử dụng đất lớn, hoặc tọa lạc tại các vị trí “đất vàng” gây lãng phí tài nguyên.
Đơn cử, dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại huyện miền núi Ngọc Lặc được khởi công vào năm 2009 với diện tích trên 40ha. Để thực hiện dự án, 206 hộ dân sinh sống tại các thôn Vân Sơn, Lương Sơn, Hồng Sơn, Thanh Sơn thuộc diện phải thu hồi đất ở và đất nông nghiệp để hoàn thành giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.
Hiện công trình đã ngừng thi công do chủ đầu tư thiếu nguồn vốn nên không thể tiếp tục thực hiện dự án sau khi hoàn thành phần tường bao. Toàn bộ diện tích đất để xây dựng nhà máy bỏ không nhiều năm, gây lãng phí quỹ đất và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Hay mới đây, dự án “khủng” Khu công nghiệp Hoàng Long (Tp.Thanh Hóa) của Tập đoàn FLC với diện tích lên tới 287ha, nằm trên địa bàn các xã: Hoằng Anh, Hoằng Long, Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa và xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, được khởi công xây dựng cuối tháng 9/2015, do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng. Mặc dù được giao diện tích đất “khủng” nhưng sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, từ năm 2018 đến nay, tập đoàn FLC không tiếp tục triển khai dự án dẫn đến đất đai bỏ hoang nhiều năm nay.
Tuy nhiên, nhức nhối và gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho người dân phải kể tới dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái của Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện, đây là dự án đã “treo” gần 20 năm tại khu đất vàng ven biển Sầm Sơn. Theo đó, từ năm 2004, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi đất tại xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương (nay thuộc Tp.Sầm Sơn) giao cho Công ty cổ phần Toàn Tích Thiện thuê để xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng diện tích đất hơn 60ha được cho thuê trong thời hạn 50 năm. Sau đó, Công ty Toàn Tích Thiện không thực hiện dự án theo đúng tiến độ, nên tháng 1/2007, tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định thu hồi đất giao cho UBND xã Quảng Vinh quản lý.
Đến năm 2009, tỉnh Thanh Hóa một lần nữa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện làm chủ đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Nam Sầm Sơn (tên thương mại Mai Trang Resort Sầm Sơn), sau đó được đổi tên thành Khu nghỉ dưỡng Toàn Tích Thiện.
Năm 2018, UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định giao hơn 22ha đất đợt 1 cho Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện để thực hiện dự án trên. Sau khi xin và được tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh quy hoạch, tới nay, sau quãng thời gian gần 20 năm, dự án trên khu “đất vàng” ngay mặt biển Sầm Sơn vẫn chưa thể triển khai.
Xử lý quyết liệt
Trước hàng loạt dự án đầu tư chậm tiến độ, thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều giải pháp và động thái nhằm xử lý quyết liệt tình trạng này.
Cụ thể, trong ít năm trở lại đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có các quyết định thu hồi đất tại 21 dự án với tổng diện tích 89,88 ha. Trong đó có một số dự án lớn như: Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC; dự án của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam thành phố Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha; dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; dự án của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện Bỉm Sơn…
Về nguồn cơn của các dự án “treo”, ngoài yếu tố khách quan thì trách nhiệm của các đơn vị tham mưu thực hiện công tác chuyên môn. Trong đó, các đơn vị, ngành chức năng tham mưu chưa thực hiện tốt các dự báo đánh giá về tính khả thi của dự án, các biến động của nền kinh tế, năng lực, tiềm lực tài chính ứng phó của doanh nghiệp khi xảy ra biến cố… đã góp phần hình thành các dự án “treo”, chậm tiến độ.
Đơn cử trường hợp dự án sản xuất lắp ráp Vinaxuki Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng chấp thuận cho Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn cầu được tiếp tục thực hiện dự án, với vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Quỹ đất thực hiện dự án lên tới hơn 45ha và dự kiến sẽ mở rộng thêm, khi đi vào hoạt động tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 lao động.
Tuy nhiên, sau thời gian hơn một năm tiến hành khởi công rầm rộ, dự án khủng trên vẫn dậm chân tại chỗ, chưa có dấu hiệu tiến hành thi công và xây dựng nhà máy như kỳ vọng. Đáng chú ý, theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, mặc dù chủ đầu tư dự án gần 7.000 tỷ đồng nhưng trụ sở theo đăng ký của Công ty Cổ phần giải trí nghe nhìn Toàn cầu nằm trong ngõ nhỏ, nhếch nhác và hàng xóm gần như không biết tới sự tồn tại của doanh nghiệp “tầm cỡ” này.
Tiếp đó, tại dự án Toàn Tích Thiện Sầm Sơn nêu trên, sau gần 20 năm, trải qua quá trình “thu và cấp lại” dự án nằm trên khu đất vàng ven biển Sầm Sơn Công ty Cổ phần Toàn Tích Thiện vẫn không có chuyển biến và có phương án xử lý dứt điểm khiến nhiều người dân lâm cảnh khốn khổ vì dự án “treo”.
Liên quan thực trạng dự án “treo”, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho rằng, Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo. Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.
Trao đổi với Người Đưa Tin, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, với tinh thần quyết liệt, thời gian qua ngoài thu hồi 21 dự án chậm tiến độ trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. Đồng thời, hàng năm, Sở KHĐT phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây Dựng, Thanh tra tỉnh cà các địa phương xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra để đề xuất UBND tỉnh xử lý những dự án vi phạm.
Cụ thể, về việc thẩm định năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư, phía Sở KHĐT cho rằng, mặc dù quy trình rất nghiêm ngặt, nhưng do các biến động phát sinh trong quá trình thực hiện khiến một số dự án bị chậm tiến độ. Thực tế, nhiều nhà đầu tư khi vào đầu tư đang ở giai đoạn làm ăn tốt, nhưng sau đó lại gặp khó khăn, kinh doanh không thuận lợi nên ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án. Đối với dự án chậm tiến độ với lý do khách quan này, trên cơ sở các dự án cụ thể các đơn vị, ngành chức năng sẽ tham mưu đề xuất UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, cũng không loại trừ có những nhà đầu tư không còn đủ năng lực, xin dự án nhưng không triển khai mà mang tính chất “xí phần” để trục lợi, thông qua lợi dụng các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như gia hạn, điều chỉnh tiến độ,… để không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tiến độ. Đối với những dự án này, các đơn vị, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đối với các dự án vi phạm các quy định pháp luật tới mức phải thu hồi dự án.
Việt Phương