Thủ tướng Ấn Độ thông báo lãnh đạo G20 đạt được đồng thuận về tuyên bố chung liên quan các vấn đề an ninh và phát triển toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi ngày 9/9 thông báo các lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi đã thông qua tuyên bố chung của khối, bất chấp những lo ngại trước đó về chia rẽ lập trường giữa các nước.
Trong khi phương Tây muốn lên án Nga và chiến sự tại Ukraine, những nước đang phát triển vận động tuyên bố chung tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế.
“Từ những nỗ lực miệt mài của mọi thành viên, chúng tôi đã đạt đồng thuận về Tuyên bố Các lãnh đạo Hội nghị thượng đỉnh G20. Tôi tuyên bố thông qua văn bản này”, Thủ tướng Modi phát biểu.
Tuyên bố chung của các lãnh đạo G20 tái khẳng định lo ngại về chiến sự Ukraine, nhưng không chỉ trích trực tiếp Nga. Thay vào đó, văn bản này kêu gọi “mọi quốc gia hành xử phù hợp với mục tiêu và nguyên tắc trong toàn văn Hiến chương Liên Hợp Quốc”, phản đối “đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ, xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, độc lập chính trị của nước khác”.
G20 cho rằng quyết định sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tại Ukraine là “không thể chấp nhận được”. Khối kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình, ủng hộ giải quyết khủng hoảng bằng ngoại giao và đối thoại”.
Tuyên bố chung thừa nhận vấn đề Ukraine vẫn tồn đọng “những quan điểm và đánh giá khác nhau” giữa các thành viên G20, song đồng thuận rằng kỷ nguyên đương đại không thể chấp nhận chiến tranh.
Các nước G20 kêu gọi Nga và Ukraine cùng đảm bảo giao thương ngũ cốc, thực phẩm, phân bón từ hai nước để duy trì an ninh lương thực toàn cầu. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh lương thực và an ninh năng lượng đối với thế giới, kêu gọi các bên chấm dứt hành động quân sự hoặc các đòn tấn công nhắm vào hạ tầng liên quan hai lĩnh vực này.
G20 bày tỏ lo ngại về những biến động lớn trong tương lai trên thị trường năng lượng và lương thực thế giới. Các lãnh đạo cam kết “bảo vệ cộng đồng yếu thế thông qua thúc đẩy tăng trưởng bình đẳng, cải thiện kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính”.
Các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương những nước G20 sẽ thảo luận thêm về lộ trình quản lý tiền số hóa trong cuộc gặp vào tháng 10. Khối thống nhất rằng tài sản số hóa và hoạt động liên quan cần được quản lý, giám sát và kiểm tra.
Các nước G20 cũng đồng thuận về cam kết đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nền kinh tế, phản đối chủ nghĩa bảo hệ và những thực hành thao túng thị trường.
Tuyên bố chung cũng nêu nhận thức về nhu cầu tăng tốc giảm lệ thuộc vào điện than, song nhấn mạnh quá trình này cần phù hợp với bối cảnh của mỗi quốc gia. G20 sẽ nỗ lực tìm phương án hỗ trợ tài chính cho những nước đang phát triển, hỗ trợ chuyển đổi sang các mô hình phát triển phát thải thấp.
Thanh Danh (Theo Reuters)