Chùa Kh’Leang tọa lạc tại số 53, đường Tôn Đức Thắng, phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 84-QĐ, ngày 27/4/1990, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.
Chùa Khleang là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Internet
Theo một tài liệu ghi chép từ thư tịch cổ Khmer thì vào giữa đầu thế kỷ XVI, một viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên là “Tác” đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân đóng góp. Vì vậy ông đã đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srock Khleang (tiếng Khmer cổ nghĩa là xứ có kho), khi người Kinh và người Hoa đến sinh sống và định cư vùng đất này gọi trại âm ra là “Sóc Kha Lang” rồi dần dần âm sau đọc trại thành Sóc Trăng.
Cũng theo thư tịch cổ Khmer của Chùa Kh’Leang hiện còn lưu giữ, ngôi chính điện đầu tiên được khởi công xây dựng vào năm 1.532 và không biết tồn tại đến bao nhiêu năm, riêng ngôi chính điện hiện nay được xây dựng hoàn thành vào năm 1918, tức là vào thời gian đại đức Liêu Đuông làm trụ trì chùa. Trong quá trình xây dựng ngôi chính điện này nhà chùa có rước hai nghệ nhân tên là Chao và Clao từ Campuchia về tham gia xây dựng.
Cổng chùa quay mặt về hướng Đông, được trang trí hoa văn cầu kỳ với màu sắc rực rỡ mang đậm phong cách văn hóa Khmer. Ảnh: Internet
Hòa thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Kh’Leang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Chùa Kh’Leang là một tổng thể kiến trúc gồm có: Ngôi chính điện, ngôi sala (nhà hội của sư sãi và tín đồ), nhà ở của sư trụ trì (có phòng lưu trữ kinh kệ, sách báo, tài liệu bên trong), các nhà ở của sư sãi (am), các tháp đựng tro cốt người chết, lò thiêu, nhà khách, hội trường, trường Trung cấp Pali Nam Bộ (trường dạy bằng tiếng Pali)…Trong đó nổi bật nhất là ngôi chính điện nằm biệt lập ở bên trái con đường dẫn vào chùa. Bên trong chính điện có các cột bằng gỗ được thếp bằng vàng các hình ảnh nói về cuộc đời đức Phật Thích Ca, giáo lý Phật pháp. Nổi bật là bức tượng Phật đặt ngồi trên tòa sen lộng lẫy với vầng hào quang bằng điện lúc ẩn, lúc hiện, tạo nên sự uy nghiêm, thanh thoát và huyền ảo.
Toàn bộ các công trình tọa lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ và cây thốt nốt, có tường rào bao quanh, tổng diện tích 3.825 m2. So với các ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh Sóc Trăng, chùa Kh’Leang ít phải trùng tu, còn khá nguyên vẹn, xây dựng theo kiến trúc Khmer truyền thống. Trong chùa Kh’Leang còn có Trường bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ.
Ông Trần Ron, thành viên Ban quản trị chùa Kh’Leang, cho biết: Chánh điện chùa độc đáo, hình dáng, mẫu mã hoa văn đẹp hơn các chùa khác. Nóc mái có chạm trổ nhiều con rồng, thần đứng hai bên bảo vệ phật. Chánh điện có ban thờ đức phật Thích Ca. Chính điện, sala tổ chức cho bà con phật tử làm lễ dâng cơm, giúp đỡ người nghèo.
Chùa Kh’Leang mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer nhưng cũng pha trộn phong cách người Việt, người Hoa trong bài trí. Trong chính điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa, nghệ thuật giữa 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Trước đây, chùa Kh’Leang lưu giữ các sách kinh làm bằng lá buông có chữ Khmer cổ khắc trên đó. Những hiện vật quý này hiện được lưu giữ tại nhà trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Cũng như các ngôi chùa Khmer Nam Bộ, chùa Kh’Leang là nơi dạy học cho trẻ em dịp nghỉ Hè. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn giáo dục về nhân cách sống, lòng hiếu thảo, ứng xử… Qua đó, giúp các em khôn lớn, trưởng thành sau này. Trẻ em vào đây học chữ Khmer, từ lớp 1 tới lớp 5. Học sinh khi nghỉ Hè thì được cha mẹ đưa tới chùa để học hành miễn phí. Các sư trong chùa dậy học. Hiện, chùa có 3 lớp học với tổng cộng 30 em.
Ngoài chức năng phục vụ tín ngưỡng, chùa Kh’Leang còn là nơi tổ chức các nghi lễ truyền thống của dân tộc Khmer, trong đó có lễ Chol Chnam Thmay (Lễ mừng năm mới), Sen Dolta (Lễ cúng ông bà), lễ Ok Om Bok (Lễ cúng trăng)… Với vẻ đẹp cổ kính, giá trị nghệ thuật cao, kiến trúc đặc sắc của dân tộc Khmer, chùa Kh’Leang là hình mẫu để các ngôi chùa khác ở tỉnh Sóc Trăng học hỏi kiến trúc xây dựng.
Ngoài chức năng phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Kh’Leang còn là nơi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer. Ảnh: Internet
Chùa Kh’Leang là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao, mỗi hạng mục trong chính điện là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, sự tập hợp và sắp xếp hài hòa thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa trong quá trình giao lưu văn hóa và cộng cư, sinh sống đã biết đoàn kết và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển./.
Diêm Giang