Tham dự cuộc họp có các đại biểu của Hội đồng Lý luận Trung ương; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Tuyên giáo Trung ương; Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và các đơn vị có liên quan; các thành viên Tổ biên tập theo Quyết định số 01/QĐ-BCSĐTKNQ24 ngày 19/7/2023 thuộc Bộ TN&MT.
Cuộc họp có sự tham gia và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học: GS. TS. Mai Trọng Nhuận – Nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Việt Anh, Trường Đại học Xây dựng; GS. TSKH. Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội; GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS. TS. Lê Xuân Cảnh, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CNVN; PGS. TS. Nguyễn Danh Sơn, Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam; PGS. TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế – ĐHQG Hà Nội; PGS.TS. Phạm Quang Hà, Hội khoa học đất Việt Nam; PGS.TS Vũ Thanh Ca – nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin, Ban Cán sự Đảng Bộ TN&MT được giao chủ trì, chuẩn bị Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW. Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tổng kết nghiêm túc, thận trọng, khoa học, khách quan.
Quá trình tổng kết đã được triển khai sâu rộng từ các Đảng ủy, Đảng đoàn, Ban Cán sự đảng ở Trung ương đến các Tỉnh ủy, Thành ủy ở các địa phương; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, hội nghị tham vấn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; khảo sát, làm việc với các Bộ, ngành, địa phương.
Với quan điểm tiếp thu một cách sâu sắc các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học với nhiều kiến thức, kinh nghiệm sẽ đưa ra những đánh giá một cách toàn diện, khách quan kết quả cụ thể hóa các các quan điểm, thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết, qua đó làm rõ thêm những quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nào cần bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; làm rõ thêm nội dung đã được thể chế hoá, chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa chưa đầy đủ.
Đồng thời nêu bật kết quả tổ chức thực hiện trong thực thực tiễn, những bài học kinh nghiệm, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; dự báo xu thế phát triển, đề xuất được những quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
Tại cuộc, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá cao báo cáo tổng kết đã làm rõ được những thành công, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm và đưa ra các định hướng trong thời gian tới. Các nhà khoa học đều nhận định rằng, các quan điểm của Nghị quyết 24 cơ bản vẫn còn nguyên giá trị, có thể được giữ cho giai đoạn sắp tới đến 2030 (chỉ còn 7 năm nữa). Tuy nhiên, trước bối cảnh đổi thay rất lớn từ thế giới, tự nhiên bị ảnh hưởng nặng nề do BĐKH như hiện nay, cần ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 24-NQ/TW để định hướng chiến lược phát triển đất nước có thể thích ứng, tiếp cận với những xu thế mới của toàn cầu. Trong đó, những mục tiêu tổng quát của NQ 24 chưa thực hiện được thì việc ban hành Nghị quyết mới sẽ đưa ra phương hướng để triển khai.
Theo GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, đây là “thời điểm chín muồi” để ban hành một Nghị quyết mới với triết lý mới cho giai đoạn chủ động ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên môi trường đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
GS. TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐHQG Hà Nội đánh giá cao NQ 24 đã định hướng phát triển đất nước trong thời gian qua, tuy nhiên trong bối cảnh toàn cầu với sự bùng nổ của dân số, sự phát triển khoa học công nghệ và xuất hiện những xung đột môi trường như hiện nay thì cần có thêm chính sách đột phá về huy động nguồn lực để phát triển Việt Nam thịnh vượng, hùng cường và hạnh phúc.
Theo GS. TSKH. Trương Quang Học, Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, môi trường là trụ cột quan trọng nhất để phát triển bền vững, do đó GS Trương Quang Học đưa quan điểm cần xây dựng Nghị quyết mới phải là nghị quyết cao nhất để dẫn dắt phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững…
Cuộc họp cũng nghe các đại biểu thảo luận, xây dựng một số nội dung, quan điểm lớn của Nghị quyết mới. Trong đó, ưu tiên bảo vệ môi trường là quyết sách hàng đầu trong phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế, và thúc đẩy công bằng xã hội; bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, và thúc đẩy công bằng xã hội là ba trụ cột của phát triển bền vững; Ưu tiên phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm chống ô nhiễm môi trường, suy thoái đa dạng sinh học và ứng phó biến đổi khí hậu…
Tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị Tổ Biên tập bổ sung các nội dung được xây dựng trong cuộc họp, đặc biệt là những đề xuất Ban Chỉ đạo tham mưu cho Trung ương ban hành một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 24-NQ/TW. Do đó, trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục tham vấn các nhà khoa học để có thể xây dựng, hoàn thiện được Nghị quyết mới có tầm chiến lược, đáp ứng được sự phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế…