SGGP
Dù cơ quan y tế đã khuyến cáo việc sử dụng các loại rễ, củ, lá cây để chữa bệnh cần phải có hướng dẫn cụ thể, nhưng không ít người vẫn nghe lời mách bảo, truyền miệng, vội vàng tìm đến các loại thuốc từ cây cỏ. Thực tế, việc sử dụng tràn lan các loại thuốc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho sức khỏe. Bạn đọc Báo SGGP đã lên tiếng về việc này.
Một trường hợp bị ngộ độc thuốc nam đang được điều trị tích cực tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai |
Biến chứng nguy hiểm
Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhi (8 tháng tuổi) trong tình trạng đầu, mặt bị bong tróc da do bị viêm da cơ địa và viêm da đầu rất nặng nề sau khi gia đình cho trẻ tắm nước lá. Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Bệnh da liễu phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết, viêm da cơ địa thông thường được phát hiện khi trẻ khoảng 3 tháng tuổi trở lên.
Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách thì có thể dẫn đến các biến chứng như: nhiễm khuẩn da, nhiễm virus, lở loét, mẩn ngứa…, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nhiều người bị viêm da cơ địa hoặc các bệnh về da đã tự ý dùng các bài thuốc dân gian, hay nghe theo lời truyền miệng, sử dụng các loại lá có tính mát để tắm, đắp lên với mong muốn sẽ đỡ ngứa, bớt rôm sẩy, mụn nhọt, thế nhưng thực tế hiệu quả không như mong đợi.
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, có tới 70%-80% bệnh nhân đến khám các bệnh về da từng dùng qua vài loại lá để đắp, tắm. Có bệnh nhân dùng trong thời gian dài dù bệnh không đỡ. Bác sĩ Nguyễn Thùy Linh cảnh báo, không ít loại lá cây có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bụi bặm, vi trùng khiến các vết tổn thương da nghiêm trọng hơn, gây tình trạng bội nhiễm, thậm chí nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận điều trị cho không ít trẻ bị thủy đậu nhưng gia đình lại tìm mua lá thuốc nam về sắc, tắm cho trẻ khiến các nốt phát ban phồng rộp, chảy nước dẫn đến nhiễm trùng da, gây tình trạng “bệnh chồng bệnh”.
Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thủy đậu là bệnh nhiễm virus gây tổn thương da mức độ vừa phải, nhưng do gia đình xử trí không đúng cách, đun lá cây để tắm cho trẻ đã khiến các tổn thương trên da trầm trọng hơn.
Điều trị phức tạp
Không chỉ trẻ nhỏ mà nhiều người lớn cũng bị những phản ứng nguy hại tới sức khỏe khi tự ý sử dụng các thuốc nam, thuốc từ cây cỏ. Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh vừa tiếp nhận, điều trị bệnh nhân V.T.C. (60 tuổi, ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) bị viêm gan cấp sau khi sử dụng thuốc nam chữa viêm dạ dày.
Sau khi dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc khoảng 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn, đau tức bụng vùng hạ sườn phải, chán ăn, tình trạng vàng da tăng dần. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã thăm khám và xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan của bệnh nhân C. tăng cao gấp hàng chục lần so với bình thường.
Theo một số chuyên gia y tế, việc sử dụng thuốc nam, thuốc có nguồn gốc thực vật để chữa bệnh nhiều khi phức tạp hơn tân dược, vì trong những loại cây cỏ này không những có dược chất chính mà còn nhiều chất khác, thậm chí là tạp chất khó phát hiện, nên khi người sử dụng bị phản ứng, nhiễm độc sẽ khiến việc điều trị rất khó khăn vì khó xác định chính xác chất gây ra phản ứng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, về nguyên tắc, đã gọi là thuốc, bất kể tân dược hay đông dược thì đều có thể xảy ra những tác dụng không mong muốn, thậm chí có thể gây ngộ độc với hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, người dân cần hết sức cảnh giác trước các lời quảng cáo, mời chào, hay mách bảo truyền miệng về tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh của những loại thuốc, cây cỏ không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, bác sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay, thông thường dị ứng hay ngộ độc thuốc nam diễn ra muộn, sau một vài tuần sử dụng và tình trạng này thường nặng hơn hậu quả sử dụng các loại thuốc khác vì có cả tổn thương nội tạng.
Để phòng ngừa những phản ứng nguy hiểm do dùng thuốc nam, bệnh nhân cần tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng.
Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc chuyên khoa.
Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời.