Trong báo cáo hằng tháng được công bố hôm nay 8.9, FAO cho hay trong khi giá lương thực toàn cầu giảm trong tháng 8 thì giá gạo lại tăng 9,8% so với tháng trước, “phản ánh sự gián đoạn thương mại sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ”, theo AFP.
“Sự không chắc chắn về thời hạn của lệnh cấm và những lo ngại về hạn chế xuất khẩu đã khiến các bên trong chuỗi cung ứng giữ hàng, đàm phán lại hợp đồng hoặc ngừng chào giá, dẫn tới hạn chế hầu hết các giao dịch ở khối lượng nhỏ và các thương vụ đã chốt trước đó”, FAO nhận định.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với sản lượng bình quân trên 20 triệu tấn/năm; chiếm trên 40% nguồn cung gạo toàn cầu. Nước này cũng có kho dự trữ gạo phúc lợi hàng đầu thế giới, cấp phát gạo miễn phí cho người nghèo.
Vào tháng 7, Ấn Độ đã công bố lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng gạo của nước này.
Công ty phân tích dữ liệu Gro Intelligence cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng 7 rằng lệnh cấm dự kiến sẽ tác động tới các quốc gia châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Pakistan, những quốc gia vốn đang phải vật lộn với lạm phát cao, theo AFP.
Gạo là lương thực chính trên thế giới và giá trên thị trường quốc tế đã tăng vọt sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine và tác động của hiện tượng thời tiết El Nino đối với việc sản xuất, theo AFP.