Về phát triển công nghiệp văn hóa theo đó đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề truyền thống có tầm cỡ quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng cơ chế hợp lý để khuyến khích sáng tạo văn hóa, văn học nghệ thuật và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, hình thành và phát triển các doanh nghiệp công nghiệp văn hóa lớn, được đầu tư công nghệ cao hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch. Xây dựng cơ chế phù hợp để khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao của tỉnh, nhằm duy trì, nâng cấp và có nhiều dịch vụ công nghiệp văn hóa chất lượng cao phục vụ tốt nhu cầu các tầng lớp nhân dân.
Hải Dương khai thác giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Ảnh minh họa nguồn Internet
Tổ chức triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu: Đến năm 2025, đón và phục vụ 6,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030, đón và phục vụ 8,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 3,4 triệu lượt khách quốc tế. Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước đưa du lịch Hải Dương thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Xây dựng Dự án hệ thống du lịch thông minh đến năm 2025 nhằm thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tập trung vào các nền tảng, giải pháp quản lý thông minh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch, phát triển các ứng dụng thông minh phục vụ khách du lịch…
Huy động tối đa các nguồn lực cho việc phát triển hạ tầng du lịch, tạo sự kết nối thuận lợi, hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch trọng điểm. Xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút các nhà đầu tư lớn có năng lực trong khai thác, phát triển các loại hình du lịch phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương trong tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, chất lượng dịch vụ du lịch tỉnh Hải Dương đạt các tiêu chuẩn quốc gia.
Đối với các xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức trên địa bàn lập hồ sơ công nhận khu, điểm du lịch cấp tỉnh nhằm nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa, lễ hội, làng nghề, ẩm thực… nhằm góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa bền vững. Chủ động triển khai, mở rộng liên kết trong công tác xúc tiến, quảng bá để thu hút khách du lịch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn; khuyến khích xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Triển khai các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các nhóm chỉ tiêu về phát triển thể dục thể thao: Đến năm 2025, tỷ lệ số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hàng năm đạt 34-36% dân số. Tỷ lệ số gia đình thể thao hàng năm đạt 24-26%. Số câu lạc bộ, nhóm tập luyện thể dục thể thao thường xuyên hằng năm từ 3800 Câu lạc bộ trở lên. Đẩy mạnh phát triển thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của nhân dân. Mở rộng các phong trào thể dục thể thao, các loại hình tập luyện và thi đấu thể thao; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
Thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao tỉnh giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao, nhất là trong các môn thể thao thành tích cao. Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển mạnh thể thao thành tích cao theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, trong đó ưu tiên phát triển những môn thế mạnh trọng điểm loại I, loại II của tỉnh. Phấn đấu giữ vững vị trí tốp 10 tỉnh, thành, ngành dẫn đầu cả nước tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.
Du khách quốc tế yêu thích vải thiều Thanh Hà. Ảnh Phạm Vũ Dũng
Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ, khuyến khích về vật chất, tinh thần đối với đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên và chuyên gia thể thao thành tích cao. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin, chuyển đổi số, y sinh học thể thao hiện đại vào việc phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng tài năng thể thao của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình phát huy giá trị văn hóa xứ Đông và xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên hệ thống thông tin đại chúng ở Trung ương và tỉnh. Từng bước xây dựng hình ảnh “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên”, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý báo chí, xuất bản, thông tin điện tử; đội ngũ nhà báo, biên tập viên; đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, trọng tâm là người phụ trách đài truyền thanh cấp xã; nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin.
Đổi mới về phương thức hoạt động của Trung tâm văn hóa nghệ thuật, đặc biệt về hoạt động triển lãm, tuyên truyền. Chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng về phương thức chuyển tải các hoạt động triển lãm nhằm tăng sức thu hút đối với công chúng. Thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, di sản văn hóa của Bảo tàng Hải Dương thông qua các phương thức: hoạt động trải nghiệm, hiện vật bảo tàng, các cuộc trưng bày, triển lãm, trên các ứng dụng công nghệ số… nhằm tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan.
Đẩy mạnh quan hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi để người Việt Nam ở nước ngoài tham gia làm cầu nối quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh về đất và người Hải Dương với bạn bè quốc tế, nhằm thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Trước hết đối với các địa phương ở các nước có quan hệ kết nghĩa với tỉnh Hải Dương.
Chủ động, sáng tạo trong hội nhập, giao lưu quốc tế về văn hóa, thể thao, du lịch; duy trì mối quan hệ hợp tác quốc tế về thể dục thể thao với một số tỉnh, địa phương ở các nước: Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Lào… nhằm tăng cường giao lưu, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, tập huấn thi đấu cho các vận động viên và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ trọng tài, huấn luyện viên của tỉnh; góp phần đưa quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Từng bước đưa Hải Dương trở thành điểm đến hấp dẫn về hợp tác, giao lưu, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trong nước và quốc tế.
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Đăng cai tổ chức một số giải thi đấu thể thao uy tín quốc tế và khu vực. Đa dạng hoá hình thức giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, lịch sử Đảng bộ tỉnh và lịch sử địa phương trong nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa. Chú trọng giáo dục phẩm chất đạo đức, nhân cách và giá trị văn hóa truyền thống của đất và người xứ Đông – Hải Dương. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
Tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục di sản văn hóa trong nhà trường. Tiếp tục thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Chính phủ phê duyệt. Tổ chức các cuộc hội thảo, nghiên cứu khoa học về giá trị văn hóa truyền thống của đất và người xứ Đông – Hải Dương nhằm đánh giá, đúc rút những giá trị cốt lõi, nét đặc trưng về đất và người xứ Đông – Hải Dương.
Phát động các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa của người xứ Đông xưa – Hải Dương nay trên địa bàn toàn tỉnh. Tuyên truyền để toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, kiên trì mục tiêu xây dựng “Người Hải Dương văn minh, hiếu học và khát vọng vươn lên” phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa của người Hải Dương phù hợp với xu thế thời đại, gắn với phát huy những giá trị truyền thống văn hiến của đất và người xứ Đông. Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; truyền thống hiếu học, thông minh, cần cù, khéo léo, năng động, có đạo đức, nhân cách và khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên, cùng lối sống có trách nhiệm với cộng đồng, tôn trọng luật pháp của người xứ Đông – Hải Dương.
Xây dựng các mô hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gắn với việc thực hiện “Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng” và “Bộ Tiêu chí ứng xử văn hóa công sở, doanh nghiệp”. Rà soát, bổ sung các tiêu chí nâng cao và chuẩn hoá quy trình bình xét, công nhận, tôn vinh các danh hiệu văn hóa phù hợp với đặc thù của Hải Dương.
Tổ chức lễ hội ở các di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc (Chí Linh), Festival Sinh vật cảnh xứ Đông mở rộng đầu xuân hằng năm. Đăng cai tổ chức một số sự kiện văn hóa cấp quốc gia, khu vực. Tổ chức tốt các hội diễn liên hoan, hội thi: Văn nghệ quần chúng; Gia đình văn hóa tiêu biểu với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh. Sự kiện thể thao: Tổ chức Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hải Dương, Giải khiêu vũ thể thao Hải Dương mở rộng, Giải Vật truyền thống mùa Xuân Côn Sơn, Giải đua thuyền truyền thống. Đăng cai tổ chức một số giải thể thao thế mạnh truyền thống của tỉnh ở cấp độ quốc gia, quốc tế, khu vực./.
Vương Thanh Tú