Bên cạnh những giá trị chung của văn hóa Việt Nam, văn hóa xứ Đông bao hàm những nét đặc trưng riêng có của xứ Đông xưa và nay, Hải Dương đã và đang tiến hành triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả nhóm chỉ tiêu bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đến năm 2025 như tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 100 di tích; lập hồ sơ xếp hạng 35 – 40 di tích; từ 03 – 05 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đến năm 2030: Tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp 200 di tích; lập hồ sơ xếp hạng 30 – 35 di tích; từ 02 – 03 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử – văn hóa, cách mạng tiêu biểu, nhất là các Khu di tích Quốc gia đặc biệt. Gắn kết giữa bảo tồn với phát huy giá trị di sản văn hóa và đẩy mạnh phát triển du lịch, nhằm thúc đẩy phát triển đồng bộ, hài hòa giữa đầu tư cho văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Khu di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương) kết tinh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa xứ Đông xưa. Ảnh minh họa nguồn Internet
Đặc biệt tập trung xây dựng hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia đối với một số hiện vật, nhóm hiện vật tiêu biểu. Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với một số di sản tiêu biểu thuộc loại hình lễ hội truyền thống và tập quán xã hội đặc sắc. Tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng đối với các di tích có đủ tiêu chí.
Tích cực phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang) là di sản thế giới theo đúng thời gian, tiến độ hoàn thành hồ sơ đã được duyệ. Phục hồi và truyền dạy để giữ gìn, phát huy một số loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận như hát ca trù, hát văn và loại hình nghệ thuật được Bộ VHTTDL ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và di sản nằm trong danh mục bảo vệ đang có nguy cơ mai một như: hát trống quân, múa rối nước, tuồng cổ, hát chèo…
Văn miếu Mao Điền. Ảnh minh họa nguồn Internet
Đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú” trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đối với các cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, Hải Dương cũng đề nghị Chính phủ cho phép thực hiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với hai di tích quốc gia đặc biệt: Cụm di tích Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia và Văn miếu Mao Điền; hoàn thiện Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt đối với Quần thể An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch để làm căn cứ thực hiện.
Xây dựng Đề án vinh danh các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống có tay nghề xuất sắc đạt danh hiệu “Bàn tay vàng”. Tổ chức lập Quy hoạch chi tiết và triển khai dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Hải Dương theo quy định của pháp luật, tương xứng với vị thế của tỉnh nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ.
Huy động các nguồn lực đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống theo hướng xã hội hóa. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng các bảo tàng tư nhân về văn hóa.
Xây dựng các kế hoạch, giải pháp thực hiện các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở: Hằng năm, 90% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 90% số làng, khu dân cư đạt danh hiệu “Làng, khu dân cư văn hóa”; 85% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trọng tâm là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; làng, khu dân cư văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Đưa các phong trào đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, nếp sống văn minh, giáo dục truyền thống văn hiến và những nét đặc trưng của đất và người xứ Đông – Hải Dương.
Hướng dẫn các địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu phải trở thành những đơn vị tiền phong, gương mẫu trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong toàn tỉnh. Phối hợp với các địa phương, làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản sạch của các địa phương trong tỉnh đến các doanh nghiệp và sàn giao dịch điện tử trong, ngoài nước.
Mỗi địa phương như: thôn, cấp xã, cấp huyện xây dựng ít nhất một khu công viên, vườn hoa gắn với hồ nước, tượng vườn, tượng công viên, tượng đài làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, điểm nhấn về môi trường, cảnh quan văn hóa của địa phương.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng môi trường văn hóa trong doanh nghiệp; tinh thần và khát vọng vươn lên, nhằm đẩy nhanh công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030./.
Vương Thanh Tú