Trang phục truyền thống là một thành tố văn hóa quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo, rất dễ nhận biết của từng dân tộc. Không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, mà còn chứa đựng những giá trị nghệ thuật, giá trị lịch sử của từng tộc người, tồn tại từ nhiều đời, là thông điệp của quá khứ để lại cho ngày nay.
Trang phục truyền thống mang đậm giá trị nghệ thuật. Ảnh minh họa nguồn Internet
Với mục đích thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu “di sản văn hóa vừa là động lực vừa là mục tiêu” góp phần cho sự phát triển bền vững văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam, làm cho trang phục truyền thống trở nên phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc.
Hiện nay, do nhìn nhận trang phục xưa là lạc hậu, thiếu tiện dụng, giới trẻ ngại ngần, thậm chí người lớn tuổi ở một số nơi không còn mặc trang phục truyền thống của dân tộc do đó cần tăng cường, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nhằm từng bước củng cố, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trang phục truyền thống là một thành tố văn hóa chứa đựng nhiều giá trị, nhiều bản sắc Ảnh minh họa nguồn Internet
Giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa giản dị, gần gũi trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, thúc đẩy phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch. Quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của 53 dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hoá thống nhất mà đa dạng.
Trang phục truyền thống phần nhiều được sử dụng trong các lễ, hội, sự kiện văn hóa đem lại sắc màu sinh động, hấp dẫn, thể hiện một trong những nét đẹp bản sắc của cộng đồng. Gắn với các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa – văn nghệ, nội dung trình diễn hoặc thi trang phục truyền thống luôn được quan tâm tổ chức. Điều đó không chỉ khẳng định nét đẹp văn hóa không thể thiếu này, mà còn là sự động viên, khích lệ duy trì, phát triển một nghề thủ công truyền thống của phụ nữ.
Theo đó, việc tuyên truyền phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và có ý nghĩa thiết thực, cùng chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương với các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh truyền hình. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn./.
Dân Hùng