Phú Thọ vùng đất cội nguồn còn lưu giữ nhiều các di sản văn hóa quý báu của dân tộc với hệ thống 1.372 di tích lịch sử văn hóa. Phú Thọ còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể với 273 lễ hội và các loại hình dân ca.
Trong những năm gần đây, các hoạt động hợp tác phát triến du lịch đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tỉnh và các tỉnh bạn. Đặc biệt, chương trình “Du lịch về cội nguồn” của 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai được tổ chức trong những năm qua kết hợp giữa du lịch văn hóa, tâm linh với tham quan danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng đã ra tạo nên các sản phẩm du lịch chất lượng cao, hình thành nên các tuyến du lịch liên vùng, thu hút khách du lịch, đồng thời quảng bá thu hút đầu tư, phát triển các dự án du lịch.
Phú Thọ phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vùng đất Tổ. Ảnh minh họa nguồn Internet
Với mục tiêu phấn đấu xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành Khu du lịch quốc gia; Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy trở thành Khu du lịch địa phương, Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ – Hạ Hòa trở thành Điểm du lịch địa phương. Đối với Trung tâm thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã tập trung đầu tư hoàn thiện một số cơ sở hạ tầng giao thông và hạ tầng dịch vụ du lịch quan trọng, đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia như: Dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tu bổ, tôn tạo cảnh quan Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Dự án Hồ Công viên Văn Lang, Chợ Trung tâm Việt Trì; Khách sạn Mường Thanh (đạt tiêu chuẩn 5 sao), Khách sạn Sài Gòn – Phú Thọ (đạt tiêu chuẩn 4 sao) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hình thành các tuyến phố ẩm thực phục vụ nhu cầu của người dân và du khách như: Phố ẩm thực Nguyễn Du, phố ẩm thực Tiên Dung.
Các điểm du lịch văn hóa được hình thành và đưa vào phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế như: Hùng Lô, Miếu Lãi Lèn. Hoàn thành một số công trình giao thông quan trọng như: Nút giao IC7 tại Việt Trì kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; cầu Văn Lang nối thành phố Việt Trì với huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội… tạo điều kiện kết nối giao thông thuận tiện với các khu, điểm du lịch của tỉnh, với các tỉnh thành trong khu vực, góp phần thu hút du khách đến thành phố Việt Trì, phấn đấu đạt mục tiêu Việt Trì trở thành trung tâm lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Hồ sơ đề nghị Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia Đền Hùng đang được hoàn thiện và dự kiến hoàn thành trong quý II năm 2020.
Trình diễn Hát Xoan tại Đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Ảnh minh họa nguồn Internet
Riêng khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông trọng điểm gắn với phát triển du lịch như: Quốc lộ 32 và đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B trên địa bàn huyện Thanh Thủy đi Hòa Bình, cải tạo nâng cấp đường nội thị trấn Thanh Thủy – xã Bảo Yên, dự án đường Tân Phú – Xuân Đài giai đoạn 2… Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch trong khu du lịch tiếp tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp cả về số lượng và chất lượng: Đầu tư nâng cấp các sản phẩm dịch vụ tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, hoàn thiện đưa vào khai thác các hạng mục giai đoạn 2 của dự án Khu du lịch biệt thự sinh thái – nghỉ dưỡng Vườn Vua… đã góp phần thu hút lượng lớn khách thăm quan, nghỉ dưỡng. Hiện nay, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy đã đáp ứng đủ các tiêu chí công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh và đang chuẩn bị các điều kiện lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận Khu du lịch cấp tỉnh, dự kiến hoàn thành trong quý II năm 2020.
Khu vực huyện Hạ Hòa và Đền Mẫu Âu Cơ về cơ sở hạ tầng giao thông gắn với phát triển du lịch được tập trung đầu tư: Hoàn thiện nút giao IC11 đường Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn qua huyện Hạ Hòa; cải tạo nâng cấp đường từ Y Sơn đi Khu Du lịch Ao Châu; huy động vốn đầu tư dự án điểm du lịch Ao Giời – Suối Tiên. Đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ như: Mở rộng bãi đỗ xe, đường vào, khu vực trồng cây lưu niệm, quầy thông tin, giới thiệu và bán sản vật địa phương phục vụ khách du lịch. Điểm du lịch văn hóa Đền Mẫu Âu Cơ đã đáp ứng các tiêu chí công nhận là điểm du lịch địa phương.
Đối với công tác thu hút các dự án đầu tư du lịch – thương mại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được đẩy mạnh đề xuất bổ sung Khu Du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn vào danh mục các khu vực tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia. Lập quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Đền Hùng làm cơ sở thu hút các nguồn vốn đầu tư. Huy động được nguồn vốn đầu tư dự án Khu Du lịch sinh thái Ao Giời – Suối Tiên. Tiếp tục huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án hạ tầng giao thông kết nối các khu, điểm du lịch Khu du lịch Đầm Ao Châu và các dự án phát triển du lịch gắn với nông nghiệp trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư Khu đô thị sinh thái và du lịch phía Nam Đền Hùng, Khu du lịch và nghỉ dưỡng Bến Gót, Khu dịch vụ, du lịch hai bên đường Nguyễn Tất Thành và đường Phù Đổng (Việt Trì).
Về các sản phẩm du lịch đặc thù được nâng cao chất lượng, khai thác có hiệu quả các điểm du lịch, tour du lịch phục vụ du khách sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận là Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, gắn với giá trị tiêu biểu của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, di tích văn hóa Miếu Lãi Lèn – thành phố Việt Trì, Đền Mẫu Âu Cơ – huyện Hạ Hòa và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, hạ tầng giao thông được nâng cấp, các di tích được cải tạo tu bổ, các hoạt động văn hóa lễ hội được chỉ đạo tổ chức hiệu quả, an toàn, đổi mới, hấp dẫn, các hoạt động dịch vụ thương mại được định hướng nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ, an ninh trật tự được đảm bảo tạo sự hài lòng cho du khách khi đến tham quan và thực hành tín ngưỡng; qua đó, thu hút lượng lớn khách hành hương, tham quan du lịch đạt 6,5 – 7,5 triệu lượt khách mỗi năm, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh của du lịch Đất Tổ.
Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí được tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ như: Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch Vườn Vua, Thanh Lâm (Thanh Thủy). Nâng cấp, hoàn thiện, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm dịch vụ du lịch, xây dựng các điểm nhấn đặc trưng phục vụ khách tham quan chụp ảnh check in điểm đến, tạo sự hấp dẫn thu hút lượng khách tham quan, lưu trú; đặc biệt, vào các dịp nghỉ lễ, những ngày cuối tuần công suất sử dụng phòng đạt 100%. Tại thành phố Việt Trì, hình thành các địa điểm vui chơi giải trí, như: Công viên Văn Lang, Quảng trường Hùng Vương và khu vực trung tâm thành phố.
Sản phẩm du lịch sinh thái, danh thắng được đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cải tạo cảnh quan môi trường du lịch. Tại Vườn quốc gia Xuân Sơn, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên; triển khai lắp đặt hệ thống biển quảng cáo gắn biển chỉ dẫn các điểm tham quan trong Vườn Quốc gia; xây dựng một số điểm nhấn du lịch phục vụ khách tham quan chụp ảnh ghi hình như “Cọn nước Xuân Sơn”, “Đường hoa du lịch Xuân Sơn”, “Đồi chè Long Cốc”, “Đồi chè Mỹ Thuận”…; hỗ trợ đồng bào dân tộc Dao, Mường xây dựng mô hình điểm du lịch cộng đồng homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng phục vụ khoảng 500 khách lưu trú và 1.500 khách tham quan du lịch, ăn uống, mua sắm; lượng khách tham quan du lịch đến Vườn quốc gia Xuân Sơn tăng mạnh năm 2019 ước đạt gần 30 ngàn lượt khách (gấp 3 lần lượt khách năm 2015). Một số đồi chè có cảnh quan đẹp tại các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn đã được khảo sát, đánh giá và đề xuất xây dựng điểm đến, điểm dừng chân phục vụ khách tham quan chụp ảnh, ghi hình, góp phần tăng sức hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan.
Sản phẩm du lịch MICE được đầu tư đi vào hoạt động một số công trình du lịch, dịch vụ thương mại, nhà hàng cao cấp, khách sạn 3 – 5 sao trên địa bàn thành phố Việt Trì đã thu hút khách du lịch với loại hình du lịch MICE tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo của các cơ quan ban, ngành đăng cai tổ chức tại Phú Thọ, tạo cơ hội cho khách kết hợp thăm quan du lịch các điểm trên địa bàn thành phố Việt Trì và khu, điểm du lịch trong tỉnh.
Sản phẩm hàng lưu niệm du lịch, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch: Các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch gắn với truyền thuyết Hùng Vương, một số sản phẩm mạ vàng, bạc, làm bằng đồng, gốm được triển khai sản xuất thử nghiệm, mẫu mã đẹp, chất lượng cao đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch. Tổ chức thành công Ngày hội Du lịch, Văn hóa, Làng nghề đất Tổ năm 2019; Chương trình tôn vin tín ngưỡng thờ Mẫu và Hội Làng Việt cổ và Cuộc thi thiết kế hàng lưu niệm quà tặng Phú Thọ năm 2019 góp phần tôn vinh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, sản vật đặc trưng Phú Thọ đến đông đảo du khách. Các sản phẩm làng nghề gắn với tuyến du lịch tại 4 trung tâm du lịch trọng điểm đang được quan tâm đầu tư khai thác, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề phục vụ khách du lịch
Các sản phẩm du lịch có thế mạnh của tỉnh được hình thành rõ nét tạo điều kiện thuận lợi khai thác hiệu quả các tour du lịch phục vụ khách, như: “City tour Việt Trì”, “Tour du lịch hàng ngày Hà Nội – Phú Thọ”, “Hát Xoan Làng cổ” gắn với trải nghiệm làng nghề thu hút được lượng lớn khách tham quan tìm hiểu. Hành trình về nguồn; Chương trình du lịch quốc tế đường sông duy trì ổn định bình quân 1-2 đoàn khách/tháng với loại hình du lịch văn hóa – trải nghiệm làng nghề; “Du lịch sinh thái cộng đồng Xuân Sơn”, “Nghỉ dưỡng sinh thái Thanh Thủy – Xuân Sơn”, “Khám phá di sản – trải nghiệm thiên nhiên Việt Trì – Xuân Sơn”, “Du lịch cuối tuần sinh thái, nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy”, “Du lịch liên kết – Vòng cung Tây Bắc”… các chương trình du lịch đã để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách trong nước và quốc tế./.
Vương Thanh Tú