Những năm gần đây, các từ liên quan tới tiếng Anh, tới các khái niệm của công nghệ thông tin, của các hoạt động kinh tế – xã hội, của lối nói công nghệ 4.0, các biệt ngữ… đã tràn vào tiếng Việt hiện đại.
PGS. TS. Phạm Văn Tình |
Trao đổi với báo Thế giới và Việt Nam, PGS. TS. Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học đã đề cập một số vấn đề liên quan tới tiếng Việt hiện nay, đặc biệt là ngôn ngữ giới trẻ trong thời đại công nghệ mới.
Quan sát sự vận dụng tiếng Việt trong đời sống hằng ngày cho đến ngôn ngữ trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các bạn trẻ, ông nghĩ gì về việc sử dụng tiếng Việt hiện nay?
Tiếng Việt trong những năm gần đây có sự biến chuyển lớn. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội. Bình thường ngôn ngữ nào cũng có sự biến đổi theo dòng chảy lịch sử, là bức tranh phản ánh xã hội.
Trong 3 yếu tố làm nên hệ thống ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) thì từ vựng thay đổi nhiều và nhanh nhất. Có thể nói, tiếng Việt đã “giàu và đẹp” hơn trong những năm qua. Nhưng cũng phải nói rằng, có rất nhiều điều trăn trở trước việc một bộ phận người Việt đã có những hành vi làm ảnh hưởng tới sự giàu, sự đẹp, sự trong sáng ngôn ngữ.
Ông có thể cụ thể hơn?
Các nhà Từ điển học đã có những công trình khảo sát, thống kê số lượng từ mới tiếng Việt trong thời gian qua, đặc biệt trong khoảng thời gian Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập và hòa nhập (từ năm 1990 của thế kỉ XX đến nay – những năm 20 của thế kỉ XXI). Hai đề tài khảo cứu hai giai đoạn (1990-2000 và 2000-2010) cho kết quả có khoảng gần 4.000 từ mới xuất hiện trong tiếng Việt, theo hướng nội sinh (từ bên trong tiếng Việt) và ngoại sinh (từ các ngôn ngữ nước ngoài nhập vào tiếng Việt).
Đó là con số đáng lưu ý khi nửa đầu thế kỉ XX tiếng Việt (50 năm) chỉ bổ sung 7000-8.000 từ mới. Các từ liên quan tới tiếng Anh, tới các khái niệm của công nghệ thông tin, của các hoạt động kinh tế – xã hội, của lối nói công nghệ 4.0, các biệt ngữ… đã tràn vào tiếng Việt hiện đại. Và trong sự du nhập đó, có cả “hoa thơm và cỏ dại”.
Tiếng Việt đang đứng trước thách thức bị biến dạng, lai tạp, lệch chuẩn ra sao?
Theo tôi, sự thâm nhập của các nhân tố ngoại lai không thể làm biến dạng “hồn cốt” tiếng Việt. Cũng bởi số lượng từ nhập ngoại chỉ chiếm không đáng kể trong vốn từ vựng toàn dân (theo Từ điển tiếng Việt mới nhất, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học (2020) là 46.890 mục từ).
Các từ mới như bản mềm/ bản cứng, cập nhật, chợ cóc, hàng bãi, lăn tăn, quậy, rau sạch, siêu quậy, siêu thị, tin tặc, trình duyệt, vi tính, xe ôm… Hay như xê cần hen (second hand), email, fan, fax, file (tệp), marketing, mini, module, picnic, RAM, ROM, tuổi teen, Ux (U19, U23, U50…)… đã trở nên bình thường với mọi người trong cộng đồng tiếng Việt. Cái biến dạng, lệch chuẩn lại nằm trong cách nói, cách viết nhiều người, chủ yếu của giới trẻ.
Có phải công nghệ đang làm ảnh hưởng đến ngôn ngữ của giới trẻ?
Công nghệ là một phần làm nên sự biến đổi đó. Công nghệ nằm trong tay giới trẻ và họ đã tận dụng “cách nói tân kỳ” bằng cách nói tắt, viết tắt tiếng Anh và tiếng Việt hoặc dùng tiếng Anh “bồi”. Ví dụ như OK (tốt, đồng ý); Gn2y (Chúc bạn một đêm vui vẻ) (g = good, n = night, 2 = two, gần âm với to, y = you); xì-tai (style, sành điệu); đì-dai (designe, bản thiết kế); like is afternoon (thích thì chiều) (like = thích, is = thì, afternoon = chiều, buổi chiều); no 4 go (vô tư đi) – (no = vô, 4 = tư, go = đi); lik kik (lích kích); lun lun (luôn luôn); jui wá trời lun (vui quá trời luôn); bh (bây giờ); mìn hôg chịu nủi (mình không chịu nổi)…
Có thể nói, muôn hình vạn trạng cách nói trộn mã (xen tiếng Anh). Ngoài ra, còn có biệt ngữ và tiếng lóng học đường, như gọi bố mẹ là tiền bối; gọi bị kiểm điểm, bị kỷ luật là chào cờ; gọi tiền là máu khô; gọi bạn gái là gà tóc nâu; ra công viên chơi gọi là đi xem Đế Thích…
Trong bối cảnh đất nước hội nhập, sự giao thoa văn hóa xã hội đòi hỏi ngôn ngữ phải có những thay đổi để đáp ứng nhu cầu giao tiếp mới. Do đó, nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần thiết thế nào, theo ông?
Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ sai lệch các chuẩn mực về từ vựng, ngữ âm, chính tả chính là đã “xuyên tạc” tiếng Việt. Dù rằng cách ứng xử ngôn ngữ “lạ hóa” của một nhóm người, của một số bạn trẻ chỉ là một lối nói của một “ngôn ngữ cá biệt”, có khi chỉ để thỏa mãn cách nói khẩu ngữ tếu táo, vui đùa. Ngôn ngữ kiểu mã tuổi teen này “sống ký sinh” trong lòng ngôn ngữ toàn dân.
Nó sử dụng các từ ngữ đã có, các cấu trúc cú pháp và các nghi thức nói năng vốn được mọi người sử dụng để “biến tấu” theo cách riêng. Đáng tiếc là cách nói, cách viết lạ đời này lại được lớp trẻ cổ xúy và “sáng tạo” tân kỳ hơn. Và điều này mới nguy hiểm, nếu lớp trẻ không chịu khó trau dồi tiếng mẹ đẻ mà cứ chạy theo những trò vui ngôn ngữ không chuẩn mực, chắc chắn ngữ năng tiếng Việt sẽ bị tổn hại.
Vậy ta cần làm những việc cụ thể gì để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?
Giáo dục ngôn ngữ trong học đường là một nhiệm vụ quan trọng. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Bác sĩ kiêm Nhà giáo dục Mỹ B. Spock từng nói: “Đứa trẻ chỉ hư khi những sai lầm về giáo dục được lặp đi lặp lại trong một thời gian dài”.
Cái sai một lần có thể không sao nhưng nhiều lần thành thói quen khó bỏ. Không nên để các bạn trẻ lãng quên tiếng Việt bằng việc vi phạm, thậm chí phá vỡ các chuẩn mực ngôn từ đã hình thành từ lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc.
Từ góc độ ngôn ngữ – văn hóa, ông nhận định thế nào về trách nhiệm của báo chí, truyền thông trong việc truyền bá văn hóa hiện nay?
Báo chí truyền thông có vai trò quan trọng trong việc quảng bá, định hướng mọi người trong cộng đồng nói đúng, viết đúng; hơn thế nữa, còn phải nói hay, viết hay. Truyền thông báo chí luôn được coi là chuẩn mực nên mọi sản phẩm của nó có giá trị lan tỏa. Không ít nhà báo vì vội, vì tri thức và nghiệp vụ non kém mà có những cách viết rất ẩu, đáng chê trách.
Những cái sai, cái dở cứ thế bị nhân lên và rất khó sửa sai nếu nó được mọi người hưởng ứng. Quốc ngữ (ngôn từ, cách nói năng của tiếng Việt) là một trong những nhân tố làm nên cái hồn và văn hóa dân tộc. Người làm báo, ngoài tri thức, nghiệp vụ còn phải là người có văn hóa thì mới viết đúng, viết hay, viết sâu sắc được. Những cái hay luôn luôn mới và nó sẽ là “ngọn cờ chuẩn” cho mọi người noi theo.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS Phạm Văn Tình, nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, là tác giả của một loạt ấn phẩm về ngôn ngữ: Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt (NXB Khoa học Xã hội, 2002), Đi một ngày đàng (NXB Lao động, 2003), Tiếng Việt: Từ chữ đến nghĩa (NXB Từ điển Bách khoa, 2004), Tiếng Việt từ cuộc sống (NXB Trẻ, 2004), Người đẹp: Ăn làm sao, nói làm sao (NXB Trẻ, 2005), Luận chữ, luận nghĩa (NXB Văn hóa Thông tin, 2007), Tiếng Việt yêu thương (4 cuốn, NXB Kim Đồng, 2008), Tiếng Việt: Hành trình qua những ô chữ (NXB Tri thức, 2009), Giải nghĩa ca dao, thành ngữ, tục ngữ (NXB Kim Đồng, 2013)… Dù dành nhiều tâm huyết với tiếng Việt, PGS.TS Phạm Văn Tình cũng nổi tiếng với tư tưởng hiện đại. Ông là người cổ vũ cho việc thay đổi ngôn ngữ theo thời đại, lắng nghe sự sáng tạo của giới trẻ. |