Cà phê xuất khẩu những tháng gần đây hầu như chỉ giao trực tiếp cho doanh nghiệp nước ngoài theo phương thức Aas, không ghi nhận một lượng hàng nào được giao về sàn London để tham gia bán đấu giá, theo giới quan sát.
Giá cà phê thế giới điều chỉnh nhẹ, biên độ lên xuống đều thấp. Giá cà phê robusta kỳ hạn giao hàng gần nhất đảo chiều tăng do thị trường vẫn còn mối lo thiếu hụt nguồn cung, trong khi kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 tiếp tục giảm.
Báo cáo tồn kho ICE – London tăng vọt hôm đầu tuần, kết thúc chuỗi giảm kéo dài gần 3 tháng đã kéo giá cà phê robusta đi xuống. Tuy nhiên, tình hình đó không kéo dài sau khi báo cáo tồn kho trong ngày đã sớm sụt giảm trở lại, khiến giá robusta bật tăng trở lại. Báo cáo tồn kho ngày 5/9 cho thấy, đã giảm thêm 620 tấn, tức giảm 1,77% so với ngày trước đó, xuống đứng ở mức 34.370 tấn, tiếp tục gây mối lo thiếu hụt nguồn cung.
Trong khi tính đến 5/9, tồn kho đạt chuẩn arabica còn 28.075 tấn, giảm hơn 1 nghìn tấn so với cuối tháng 8/2023.
Nguyên nhân đẩy 2 sàn tiếp tục hồi phục là tồn kho thấp tại London và mưa nhiều ở Brazil. Arabica tăng do mưa quá nhiều ở các vùng trồng cà phê chính phía Đông Nam Brazil, gây cản trở thu hoạch vụ mùa đang ở giai đoạn cuối.
Giá cà phê trong nước hôm nay 7/9 tăng 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm. (Nguồn: YouTube) |
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/9 trên sàn kỳ hạn quốc tế, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe London kỳ hạn giao hàng tháng 11/2023 tăng 3 USD, giao dịch tại 2.456 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2024 giảm 7 USD, giao dịch tại 2.360 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US New York kỳ hạn giao tháng 12/2023 tăng 0,35 Cent, giao dịch tại 153,8 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2024 tăng 0,45 Cent, giao dịch tại 154,8 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê trong nước hôm nay 7/9 tăng 100 đồng/kg tại một số địa phương thu mua trọng điểm.
Đơn vị tính: VND/kg. (Nguồn: Giacaphe.com) |
Nhận định về thị trường thời gian tới của Rabobank cho thấy cán cân cung cầu dự báo cân bằng trong niên vụ sau do nhu cầu giảm tại các nước tiêu thụ, trong khi sản lượng được dự báo cũng giảm đi tại Việt Nam (29 triệu bao) và Colombia (12,6 triệu bao).
Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung vẫn ám ảnh thị trường, tin Brazil xuất khẩu tháng 8 đạt tổng cộng 3,29 triệu bao cà phê các loại, trong đó có 700.000 bao Conilon robusta cũng không giúp thị trường giảm bớt mối lo cung, trước viễn cảnh hiện tượng thời tiết El Nino được dự báo sẽ xuất hiện vào cuối năm nay và sẽ gây khô hạn một phần cho các quốc gia sản xuất cà phê chính quanh vành đai Thái Bình Dương.
Năm 2023, dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục mới 4,2 tỷ USD. Ngành cà phê Việt Nam đang đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 6 tỷ USD vào năm 2030. Bên cạnh thuận lợi, mặt hàng này cũng đối diện khó khăn khi nguồn cung trong nước giảm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao (60kg/bao). Đây là mức sản lượng thấp nhất trong 4 năm qua, do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn, nông dân có xu hướng chuyển sang cây trồng có lợi nhuận cao hơn.
Dự báo Indonesia đã hoàn tất thu hoạch vụ mùa của niên vụ cà phê hiện tại, từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, với sản lượng ước đạt 10,3 triệu bao, thấp hơn mức sản trung bình sản lượng 3 năm gần đây là 11,8 triệu bao, không mất mùa nặng nề như một số dự báo được đưa ra ngay từ đầu vụ thu hoạch.