SGGP
Ngày 6-9, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) ra mắt Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center – ESC). Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi… cùng nhiều lãnh đạo bộ ngành khác đã tham dự.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cùng các đại biểu nhấn nút khai trương Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn. Ảnh: CAO THĂNG |
Hợp nhất để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư
Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn được hình thành từ 2 trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao (SHTP Chip Design Center – SCDC) và Đào tạo điện tử quốc tế (International Electronics Training Center – IETC). Tháng 8-2022, Ban quản lý SHTP hợp tác với Công ty Synopsys thành lập SCDC. Theo đó, Synopsys tài trợ phần mềm Synopsys trong 3 năm trị giá hàng chục triệu USD để thúc đẩy đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện tử. Tháng 3-2023, Ban quản lý SHTP cùng Công ty cổ phần Tập đoàn Sun Electronics thành lập Trung tâm IETC, cung cấp các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý SHTP, việc thành lập các mô hình SCDC và IETC trước đây là bước chuẩn bị hết sức quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược là công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn. Những năm tiếp theo, SHTP hướng đến mục tiêu góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn của khu vực và thế giới. “Với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô đủ lớn để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế quy mô lớn hơn trong tương lai, Ban quản lý SHTP đã hợp nhất 2 mô hình SCDC và IETC thành Trung tâm ESC có quy mô lớn hơn. Việc hợp nhất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan vì các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, yêu cầu phải có một chiến lược phát triển đồng bộ”, ông Nguyễn Anh Thi chia sẻ thêm.
Cam kết thúc đẩy ngành vi mạch
Các chuyên gia nhận định, việc các công ty thiết kế vi mạch của Hàn Quốc đi theo Samsung vào Việt Nam như trường hợp của Công ty SNST & Finger Vina tại SHTP và CoAsia tại Hà Nội, và gần đây là các dự án nhà máy đóng gói và thử nghiệm vi mạch của Amkor tại Bắc Ninh và của Samsung tại Thái Nguyên cho thấy quy mô của ngành điện tử Việt Nam đã đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn, đầu tiên là với các khâu thiết kế và đóng gói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và các đồng chí lãnh đạo xem sản phẩm của Trung tâm Đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn. Ảnh: CAO THĂNG |
Trong định hướng phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn, SHTP đặt trọng tâm thu hút đầu tư và định vị vai trò của ESC trong tổng thể định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng này. Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới là phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh; thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM được Chính phủ giao quản lý, đầu tư phát triển SHTP, trong 20 năm qua thành phố đã nỗ lực, phối hợp với các cơ quan trung ương, các đối tác đã phát triển đúng hướng, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong giai đoạn đầu tiên. “Vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 cho phép TPHCM được thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có các cơ chế phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, ưu đãi nhà đầu tư… Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu các chính sách để phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng KH-CN, thêm các khu mới để phát triển các ngành công nghệ cao nói chung, trong đó có vi mạch, bán dẫn. TPHCM cũng tiếp tục thí điểm các chính sách để hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu phát triển”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự vui mừng với những mô hình ý nghĩa, thể hiện dấu ấn trong tiến trình TPHCM đang thực hiện Nghị quyết 98 và nhấn mạnh, sẽ không có một ngành công nghiệp điện tử mạnh nếu không xây dựng được một ngành công nghiệp về vi mạch, bán dẫn. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định: “Công cuộc phát triển còn nhiều gian nan, sẽ gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt, vì vậy, để phát triển công nghiệp vi mạch, bán dẫn, điều quan trọng nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chọn các giải pháp khoa học nhất, hiệu quả nhất. Tức là phải thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản, phải hiểu về công nghệ lõi. Để làm được điều này, Chính phủ sẽ có thay đổi, bổ sung luật về khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo… Tư duy người Việt Nam rất giỏi toán, lý, hóa, có thể làm công việc thiết kế ban đầu đến khâu chế tạo, tạo mô hình sản phẩm, đóng gói… từ đó phát triển đổi mới, làm chủ công nghệ. Chính phủ cam kết đầu tư các nguồn lực cho phát triển khoa học – công nghệ, đầu tư cho tương lai”.
Các công ty Hoa Kỳ như Synopsys nhận ra tiềm năng to lớn của Việt Nam và khả năng của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như các thương hiệu đẳng cấp thế giới và công nghệ tiên tiến. Điều này khiến tôi lạc quan về những gì Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đạt được trong năm tới. Với sự kiện Tổng thống Joe Biden thăm Việt Nam, chúng tôi mong muốn nâng cao quan hệ ngoại giao và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, phát triển khu vực tư nhân và thịnh vượng chung cho cả hai quốc gia
Bà SUSAN BURNS, Tổng Lãnh sự Hoa kỳ tại TPHCM