Hà NộiCô gái 18 tuổi, được gia đình đưa đến Trung tâm Y học giới tính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn, do có mong muốn chuyển giới từ nữ sang nam.
Hôm 4/9, gia đình cho hay sức khỏe bệnh nhân bình thường, từ khi sinh ra đều có biểu hiện nữ tính trong hành vi, ứng xử. Qua khám và khai thác tiền sử, bác sĩ Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Trung tâm, nói cô gái gặp vấn đề tâm lý phát sinh từ gia đình. Người bố thường xuyên lạm dụng rượu, có hành vi bạo lực, đánh vợ, con. Bệnh nhân nói bản thân là chị cả, muốn bảo vệ mẹ và các em nên có xu hướng nam tính hơn như thay đổi kiểu tóc, ăn mặc, hành xử.
Bác sĩ chẩn đoán người bệnh gặp vấn đề rối loạn nhận thức giới tính, lên phác đồ trị liệu tâm lý cho cả gia đình, mục đích để bố mẹ hiểu con hơn, đồng thời cải thiện hành vi của người bố, gồm cai rượu và chấm dứt bạo hành. Bên cạnh đó, liệu pháp có thể giúp cô gái thay đổi, nhận thức đúng về giới tính của mình.
Tương tự, nam sinh 15 tuổi, ở Đống Đa, có bộ phận sinh dục bình thường, tâm lý hành vi, ứng xử phát triển đúng giới tính. Cách đây vài tháng, cậu nói với bố mẹ không muốn làm con trai, mong muốn chuyển giới tính nữ. Đến khám tại Trung tâm tâm lý ứng dụng lâm sàng Dr Mp, nam sinh chia sẻ với bác sĩ Nguyên Hồng Bách về việc người bố hay say rượu, thường xuyên quát mắng, đánh đập mẹ, không quan tâm con cái.
Sau khi thực hiện các bài đánh giá, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị rối loạn nhận thức giới tính, nguyên nhân là ảnh hưởng tâm lý khi chứng kiến các xung đột của bố mẹ. Các triệu chứng ban đầu có thể là lo âu, tức giận, song việc chứng kiến hành vi bạo lực nhiều lần gây rối loạn nhận thức giới tính nghiêm trọng, khó chịu và kéo dài. Từ đó, nam sinh có mong muốn trở thành con gái bằng uống thuốc hoặc phẫu thuật, do nghĩ “đàn ông làm gì khi chỉ biết uống rượu, đánh vợ”.
Theo New Portacademy, rối loạn định dạng giới tính (Gender Identity Disorder) là vấn đề tâm lý mà người mắc không chấp nhận cấu tạo cơ thể mình, hay có thể hiểu là họ không chấp nhận giới tính sinh học của bản thân. Họ mong muốn thay đổi ngoại hình từ nam sang nữ và ngược lại, cũng như có những hành vi, cử chỉ của người thuộc giới tính mà họ xác định, hay còn gọi là bản dạng giới.
Bác sĩ Tú cho biết có 4 yếu tố để xác định giới, bao gồm giới tính sinh học khi sinh, bản dạng giới, thể hiện giới và xu hướng tính dục. Trong đó, giới tính khi sinh là giới tính di truyền được xác định trên bộ nhiễm sắc thể của mỗi người (với nữ là 46, XX và nam là 46, XY). Đặc tính di truyền này sẽ quyết định giới tính sinh học ở bộ phận sinh dục là nam (dương vật, tinh hoàn, đường dẫn tinh) hay nữ (buồng trứng, tử cung, âm đạo) và các đặc tính sinh dục phụ. Giới tính khi sinh được ghi trên giấy khai sinh là nam hoặc nữ.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của môi trường, giáo dục, sự tự nhận thức, trẻ sẽ có sự phát triển về bản dạng giới, thể hiện giới và xu hướng tính dục. “Đây gọi là các yếu tố gia đình và xã hội”, bác sĩ Tú nói, thêm rằng các yếu tố như nhiễm sắc thể bất thường, rối loạn giới tính do testosterone, mất cân bằng hormone trong quá trình phát triển thai kỳ hay thời niên thiếu là các nguyên nhân sinh học.
Những nhận thức giới có thể đồng nhất hoặc khác biệt với giới tính sinh học khi sinh. Vì vậy, hiện có các khái niệm như dị tính (bản dạng giới, thể hiện giới đồng nhất với giới tính khi sinh, xu hướng tính dục thích người khác giới), đồng tính (bản dạng giới, thể hiện giới đồng nhất với giới tính khi sinh, xu hướng tính dục thích người cùng giới) và chuyển giới (giới tính khi sinh khác với bản dạng giới và thể hiện giới).
Một người phát hiện bản thân có bản dạng và thể hiện giới khác giới tính sinh học sẽ có những suy nghĩ liên quan chuyển giới, khởi phát là phiền muộn giới. Đây là sự bức bối, căng thẳng, đau khổ và khó chịu khi bản dạng giới (cảm nhận của một người về giới mình thuộc về) không tương thích với giới tính sinh học (được xác định dựa vào cơ quan sinh dục).
Việt Nam hiện chưa có thống kê về tỷ lệ rối loạn nhận thức giới tính, song các nghiên cứu thế giới cho rằng số người được chẩn đoán mắc bệnh này ngày càng tăng. Trong năm 2019, khoảng 8.000 người Anh đã tìm đến các dịch vụ về chứng phiền muộn giới tính, theo Cơ quan Y tế Quốc gia NHS. Một thống kê đăng trên NICB, ước tính khoảng 0,005-0,014% nam và 0,002-0,003% nữ gặp chứng phiền muộn giới.
Những thanh thiếu niên rối loạn phân định giới tính khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng và trầm cảm cao hơn người bình thường. Họ cũng có nguy cơ lạm dụng chất gây nghiện và tự tử cao hơn. Nếu bệnh để lâu dài, tình trạng nặng dẫn tới điều trị khó khăn, ảnh hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần của bản thân và gia đình.
Bác sĩ Tú khuyến nghị khi trẻ gặp các vấn đề rối loạn nhận thức giới tính, cần chú ý các yếu tố tâm lý để loại trừ nguyên nhân từ gia đình, bạn bè, người thân hoặc các ảnh hưởng bên ngoài khác. Mặt khác, trẻ cần được đánh giá về sinh lý cũng như loại trừ các yếu tố sinh học, bệnh lý như chứng phì đại tuyến vú ở nam giới, hội chứng kháng androgen ở nữ…
Các chuyên gia cho rằng cha mẹ cần tạo môi trường sống lành mạnh, không nên xung đột trước mặt trẻ. Khi thấy trẻ chia sẻ nhu cầu và mong muốn khác với giới tính sinh học, cha mẹ nên bình tĩnh, đưa con đến gặp người có chuyên môn để trẻ được tham vấn, sau đó đồng hành và tôn trọng trẻ.
Thúy Quỳnh