Đây được đánh giá là “đòn bẩy” quan trọng cho hàng Việt thời gian tới. Tuy nhiên, muốn khai thác hiệu quả kênh kinh doanh hiện đại này cũng không đơn giản.
Hàng Việt sang Mỹ, thu chục triệu USD
Hành trình chinh phục thị trường Mỹ của một doanh nghiệp sản xuất khung giường ở Bình Dương trở thành trường hợp điển hình của hàng Việt biết khai thác lợi thế kinh doanh trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Đào tạo Tập đoàn Anneco, người nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp này từng bán sản phẩm trên thị trường quốc tế nhiều năm trước, nhưng tới năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều đối tác quốc tế không thể trực tiếp đến Việt Nam để xem hàng nên không thể xuất khẩu hàng theo cách truyền thống.
Trong giai đoạn này, rất nhiều doanh nghiệp, doanh nhân ở Việt Nam thuộc nhiều ngành nghề khác nhau rục rịch tìm kiếm cơ hội kinh doanh trực tuyến khi các công việc thường nhật trước kia phải tạm ngừng, nguồn thu bị sụt giảm. Các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon trở thành “cứu cánh” giúp doanh nghiệp giải quyết “vấn nạn” hàng tồn quá nhiều khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Nhận thấy xu hướng đó, doanh nghiệp sản xuất khung giường tại Bình Dương cũng tìm cách mở kênh bán mới trên Amazon, dù rằng nhiều người cho rằng sản phẩm nội thất xuất khẩu thường chỉ là những đồ gọn nhẹ, chứ không thể xuất khẩu sản phẩm khung giường khá cồng kềnh.
Mày mò tìm hiểu qua “biển” thông tin trên mạng, tạo hội nhóm để tự bán hàng, thế nhưng hết 1 năm, doanh nghiệp này vẫn loay hoay tìm cách lên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, nhiều lúc bối rối không biết nên triển khai theo hướng nào khi trên mạng “9 người 10 ý”.
Mọi chuyện thay đổi theo chiều hướng tích cực khi lãnh đạo doanh nghiệp kết nối với Anneco. Qua đánh giá sơ bộ, Anneco nhận định, với sản phẩm khung giường không thuận lợi cho khâu logistics, mặc dù đã có nhiều năm kinh nghiệm bán hàng quốc tế, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn cần phải thay đổi tư duy bán hàng.
Anneco giúp doanh nghiệp tiến hành bài bản các hoạt động cụ thể, từ nghiên cứu thị trường, đến chuẩn bị sản phẩm, quảng cáo bán hàng… Để giải quyết bất cập trong khâu vận chuyển, ý tưởng đóng gói khung giường thành hộp gọn gàng đã được triển khai.
Sau những đơn hàng đầu tiên, một số vấn đề nảy sinh như: sản phẩm bị lỗi trong quá trình vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ; Một số sản phẩm chưa phù hợp với người tiêu dùng Mỹ vì thiết kế khung giường vốn dành cho người Việt có trọng lượng trung bình 60 – 70 kg, trong khi nhiều người Mỹ có cân nặng tới 100kg; không có phụ kiện đi kèm để khách hàng có thể dễ dàng thay thế, tháo lắp.
Khắc phục những vấn đề nêu trên, doanh nghiệp Bình Dương có thêm lưu ý về trọng lượng tối đa có thể chịu được của sản phẩm; tặng thêm bộ dụng cụ để khách hàng tự tháo lắp; có video hướng dẫn tháo lắp… Đồng thời đóng hàng gọn gàng, chắc chắn hơn để giảm thiểu lỗi trong quá trình vận chuyển.
Khi số lượng đơn hàng từ Mỹ gia tăng, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo thương hiệu bán hàng trên Amazon. Cùng với đó còn triển khai một số kênh online khác như tạo website riêng, tham gia các sàn thương mại điện tử… để tận dụng một công lưu kho hàng ở Mỹ.
Sau 3 năm kinh doanh trên Amazon, doanh thu từ thị trường Mỹ của doanh nghiệp chuyên sản xuất khung giường ở Bình Dương tăng từ con số 2 triệu USD năm 2020 lên 8 triệu USD năm 2021 và 15 triệu USD năm 2022 (chưa kể 5 triệu USD tới từ các kênh khác); trở thành thương hiệu bán sản phẩm khung giường ưa thích trên Amazon, bắt đầu có thương hiệu tại thị trường Mỹ.
Cơ hội đi kèm thách thức
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không là ngoại lệ, khi thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.
Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tính riêng sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng hơn 45% trong năm 2022 so với năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Amazon tăng 45%; số lượng doanh nghiệp tham gia Amazon cũng tăng tới 80%.
Hồ sơ của các doanh nghiệp tham gia trở nên đa dạng hơn với sự xuất hiện của các nhà sản xuất truyền thống như hạt điều Lafooco, gia dụng Sunhouse, nón bảo hiểm Royal Helmet… Các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng bắt đầu đầu tư bài bản và nghiêm túc hơn, thay vì chỉ coi đây như một cuộc chơi mang tính “lướt sóng”..
Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu năm 2022: Nắm bắt cơ hội xuất khẩu qua thương mại điện tử tại Việt Nam” do Công ty tư vấn Access Partnership thực hiện, ước tính trong năm 2022, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam đạt khoảng 80.000 tỷ đồng; dự kiến kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt đến gần 300.000 tỷ đồng vào năm 2027 nếu doanh nghiệp trong nước được hỗ trợ.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt đưa thêm nhiều hàng Việt ra thị trường thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ công thương) cùng Amazon Global Selling triển khai Sáng kiến “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá” (ký ngày 8/6/2022).
Năm 2022, Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các đối tác địa phương tổ chức 9 khóa đào tạo, thu hút sự tham gia của 1.300 doanh nghiệp.
Năm 2023, Amazon Global Selling và Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức một số hội nghị về thương mại điện tử xuyên biên giới với chủ đề “Tinh hoa Châu Á – Bứt phá toàn cầu” tại Hà Nội và TP.HCM.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling cho hay thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo và hoạt động thực tế nhằm nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin gia nhập thương mại điện tử xuyên biên giới một cách hiệu quả.
Một loạt sự kiện với các chủ đề tập trung vào các ngành tiềm năng như gỗ, nội thất, dệt may, thủy sản… đã, đang và sẽ được tổ chức nhằm chia sẻ những câu chuyện thành công và những kinh nghiệm cụ thể để các doanh nghiệp Việt không lặp lại những “vết xe đổ”.
Với kinh nghiệm nhiều năm đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn lưu ý, bên cạnh những cơ hội lớn để tăng trưởng doanh thu, các doanh nghiệp Việt cũng phải đánh giá đúng hiện trạng khá nhiều khó khăn khi xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử.
Doanh nghiệp Việt bán hàng trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải đối mặt với không ít rào cản. Chẳng hạn giấy tờ, thủ tục pháp lý trong xuất nhập khẩu quốc tế. Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… là những thị trường rất khó tính, yêu cầu doanh nghiệp Việt phải đáp ứng nhiều loại giấy tờ. Trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn các loại giấy tờ đó.
Hoặc về nguồn lực tài chính, nhân sự. Muốn kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp cần phải có đội ngũ chuyên nghiệp, nhưng rất nhiều doanh nghiệp chưa có được đội ngũ này. Cộng thêm việc thiếu kinh phí đầu tư cho riêng kênh thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp Việt bị trượt mất những đơn hàng hấp dẫn.
Theo bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Quan hệ đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam, hiện đang có một số ngành hàng của Việt Nam được yêu thích trên Amazon như: trang trí nhà cửa; chăn nệm, ga giường; trang trí nội thất; dụng cụ nhà bếp…
“Các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung những sản phẩm thế mạnh, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng quốc tế, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên kết hợp với sự tinh xảo, khéo léo của các nghệ nhân Việt Nam”, bà Hạnh khuyến nghị.
Chia sẻ “bí kíp” kinh doanh thành công trên Amazon, bà Phạm Ngọc Anh, Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bởi theo khảo sát của Amazon, 59% người mua chọn nhãn hiệu quen thuộc khi tìm mua sản phẩm mới; 80% người mua khám phá thương hiệu mới trên sàn thương mại điện tử; mức độ tăng trưởng của nhà bán có thương hiệu cao hơn 1,5 lần so với không có thương hiệu.
Linh An – Ngọc Mai