Báo cáo được công bố trùng thời điểm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi diễn ra ở Kenya. Lục địa này đã phải hứng chịu 80 mối nguy hiểm về thời tiết và khí hậu cực đoan vào năm ngoái.
Báo cáo trích dẫn cơ sở dữ liệu khẩn cấp cho thấy những thảm họa này khiến 5.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 8,5 tỷ USD. Con số thực tế có thể còn cao hơn do có những khoảng trống trong báo cáo, tổ chức này cho biết.
Báo cáo Tình trạng Khí hậu ở châu Phi 2022 cho biết: “Châu Phi chỉ phát thải một phần khí nhà kính trên toàn cầu nhưng đang phải gánh chịu sự ảnh hưởng không tương xứng từ biến đổi khí hậu”.
Báo cáo cho biết thêm: “Biến đổi khí hậu và nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng suy giảm có thể gây ra xung đột vì đất sản xuất, nước và đồng cỏ khan hiếm, nơi bạo lực giữa nông dân và người chăn nuôi đã gia tăng trong 10 năm qua do áp lực đất đai ngày càng tăng…”.
Hiện tại, bạo lực cộng đồng về tài nguyên đã bùng phát thường xuyên ở các vùng Sahel khô cằn. Trung bình, mỗi người châu Phi thải ra 1,04 tấn khí thải carbon dioxide (CO2) vào năm 2021, chưa bằng 1/4 mức trung bình toàn cầu.
Báo cáo cho biết tốc độ nóng lên trung bình ở châu Phi là 0,3 độ C mỗi thập kỷ trong giai đoạn 1991-2022, so với 0,2 độ trên toàn thế giới.
Sự nóng lên nhanh nhất ở Bắc Phi, nơi hứng chịu nhiều đợt nắng nóng kể từ năm ngoái. Báo cáo cho biết điều đó đã góp phần làm giảm sản lượng ngũ cốc xuống còn 33 triệu tấn hoặc thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm trước đó.
Nhìn chung, báo cáo cho biết năng suất nông nghiệp đã giảm do biến đổi khí hậu, ghi nhận mức giảm 34% kể từ năm 1961, điều này có thể khiến nhu cầu nhập khẩu lương của châu Phi thực tăng mạnh.
Mai Anh (theo Reuters)