Nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) có đã hơn chục năm nay. Nhiều năm qua, nghề giúp hàng chục hộ dân đổi đời nhờ bán các loại cá đặc sản của hồ thủy điện. Kinh tế phát triển, nhiều hộ dân mở rộng mô hình nuôi cá lồng. Hiện nay trên lòng hồ Hòa Bình có trang trại nuôi cá lồng rộng khoảng 3ha, lớn nhất tỉnh Hòa Bình.
Để nuôi được cá lồng, người dân phải đầu tư hệ thống thuyền, bè và các lồng cá được làm bằng các thùng phuy nổi trên mặt nước. Hệ thống các lồng cá sẽ liên kết chặt chẽ với nhau bằng các thanh sắt hàn cố định để giữ các tấm lưới chìm dưới nước. Các lồng cá rộng từ 15-20m2, có lồng rộng lên đến 30m2. Diện tích lồng nuôi tùy thuộc vào loại cá nuôi với mật độ sao cho phù hợp.
Những người làm nghề nuôi cá lồng quanh năm sống lênh đênh trên mặt nước hồ. Họ lấy chòi canh cá làm nhà ở, mọi sinh hoạt đều quẩn quanh diện tích chòi rộng hơn chục mét vuông. Hàng ngày, công việc chính là cho cá ăn, thăm cá, phòng chống dịch bệnh cho cá. Niềm vui của họ là thấy đàn cá lớn lên mỗi ngày.
Anh Hà Công Hưởng (35 tuổi, trú tại xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi) cùng vợ lên hồ Hòa Bình làm nghề nuôi cá lồng 9 năm qua. Anh cho biết, ngoài vợ chồng anh còn có thêm khoảng 20 người nữa cùng sống bám mặt hồ để nuôi cá lồng.
“Mỗi ngày chúng tôi dậy từ sáng sớm, thăm các lồng cá, cho cá ăn, rồi kiểm tra, sửa chữa, gia cố lại cho chắc chắn để cá không thể thoát ra được bên ngoài, nếu cần”, anh Hưởng chia sẻ.
Hầu hết những người sống bám mặt hồ nuôi cá lồng đều là những thanh niên trai tráng khỏe mạnh. Ông Phạm Văn Thịnh, chủ trại cá cho biết, sống trên lòng hồ, 4 mặt là sông nước, vì thế nghề nuôi cá lồng cần những người có sức khỏe thì mới chống chọi lại được với sương gió, sóng nước.
Anh Đinh Việt Long (36 tuổi), tốt nghiệp khoa nuôi trồng thủy sản – Trường Đại học Nha Trang, gắn bó với những lồng cá trên lòng hồ Hòa Bình 4 năm kể về công việc: “Môi trường sống của cá tại cá lồng nổi trên lòng hồ phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, để đảm bảo tốt nhất cho cá. Vì thế, chúng tôi phải vệ sinh bằng cách khử trùng vôi bột, cho cá ăn vitamin C định kỳ 3 tháng để tăng sức đề kháng”.
Anh Long cho biết thêm, hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 7 hàng năm là thời gian cá sinh trưởng tốt nhất, còn từ tháng 7 đến tháng 11 là mùa lũ, nước hồ thường bị ô nhiễm nên cá chậm lớn. Thời điểm này, các lồng cá cần được kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn.
Anh Phạm Văn Thịnh kể: “Tôi đến với nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ Hòa Bình từ năm 2012, một cách tình cờ. Từ khi bắt tay vào nghề, tôi cảm thấy rất yêu thích. Những lồng bè mang lại công ăn việc làm cho người dân, giúp phát triển nghề tại địa phương. Chúng tôi cố gắng mở rộng quy mô trang trại vì mục tiêu đó”.
Với diện tích 3ha, trại nuôi cá lồng của anh Thịnh lớn nhất hồ Hòa Bình hiện nay. Hàng năm có nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh đến học tập kinh nghiệm nuôi cá lồng tại đây.
“Những anh em nuôi cá trên sông được bố trí chỗ ăn ở với đầy đủ tiện nghi. Nhu yếu phẩm được tiếp tế 4-5 ngày/lần. Tuy không bằng được trên bờ nhưng chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ người lao động để có điều kiện tốt nhất cho sinh hoạt và làm việc, đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày”, anh Thịnh nói.
Theo Sở NN&PTNT Hòa Bình, hiện nay, tỉnh có số lượng lồng bè nuôi cá trên lòng hồ chứa lớn nhất cả nước với 4.750 lồng, sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Nghề nuôi cá vùng hồ phát triển cũng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 5.000 lao động địa phương.