Chị Hương ngụ ở TP Thủ Đức cho biết, bình thường, mỗi tháng gia đình chị chỉ dùng 1 – 1,1 triệu đồng tiền điện. Thế nhưng, tiền điện tháng 8 đã tăng lên gần 1,5 triệu đồng. Kiểm tra lại số ngày ghi điện, chị phát hiện kỳ hóa đơn kéo dài 42 ngày, thay vì 30 ngày như trước.
“Bình thường chúng tôi trả tiền mỗi kỳ ghi điện là 30 – 31 ngày. Đến nay, kỳ ghi điện kéo dài 42 ngày khiến tôi hơi “sốc” vì số tiền tăng lên nhiều quá”, chị Hương nói.
Nhiều người khác tại TP.HCM cũng có hóa đơn tiền điện tăng đột biến trong tháng 8 giống gia đình chị Hương. Thậm chí, có nhiều kỳ hóa đơn kéo dài đến hơn 50 ngày, dẫn đến số tiền điện phải đóng cũng tăng mạnh.
Trả lời VTC News về thực trạng này, ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin phản ánh của người dân.
Sở dĩ nhiều hộ dân có tiền điện tăng cao là vì ngành điện đã thay công tơ có chức năng đo xa và chuyển đổi sang ghi điện vào ngày cuối mỗi tháng. Những sự thay đổi này nhằm tạo thuận tiện cho chu kỳ kế toán (từ mùng 1 đến ngày cuối tháng) và giúp cho khách hàng dễ nhớ ngày ghi chỉ số, ngày thanh toán tiền điện.
Theo ông Kiên, thời gian vừa qua, một số khách hàng được ghi điện từ ngày 3 đến 20/8 và thu tiền trong khoảng từ ngày 6 đến 25/8 nhưng được dời về cuối tháng. Do đó, số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 8 đáng lẽ là 31 ngày thì được dời tăng thêm từ 11 đến 28 ngày, tương ứng lịch thanh toán cũng dời về đầu tháng 9/2023.
Chính vì vậy, số tiền tương ứng cũng tăng theo vì kỳ hóa đơn được tính cho 39 – 51 ngày sử dụng điện.
Ông Kiên khẳng định, đơn giá, định mức bậc thang vẫn không thay đổi và người dân được tính đúng theo quy định hiện hành. Đối với khách hàng sử dụng mục đích sinh hoạt thì định mức được tính theo số ngày sử dụng.
Ông ví dụ, bậc thang đầu là 50 kwh, nếu tính đúng ngày ghi điện cũ là 31 ngày, khi dời về 31/8 thì định mức các bậc cũng cộng thêm tương tứng với số ngày sử dụng tăng thêm.
Cụ thể một trường hợp khách hàng thuộc khu vực ghi điện ngày 11 hàng tháng, kể từ tháng 8/2023 chuyển về ghi điện ngày cuối tháng, trong kì hóa đơn tháng 8/2023 được tính toán như sau:
Khách hàng có thể xem kỹ phiếu báo tiền điện, trong đó có chi tiết số ngày sử dụng điện. Ngoài ra, khách hàng có thể truy cập ứng dụng Chăm sóc khách hàng CSKH EVNHCMC để tham khảo lượng điện sử dụng ngày bình quân hoặc những trong suốt thời gian của tháng ghi điện vừa qua.
Theo ông Kiên, trong kỳ ghi điện tháng 8 mới đây, toàn thành phố có 400.000 khách hàng bị thay đổi thời gian ghi điện. Các hộ dân được chuyển ngày ghi điện từ giữa tháng sang cuối tháng.
“Hiện nay, EVNHCMC đã cơ bản hoàn thành việc thay gắn công tơ có chức năng đo xa cho các khách hàng trên địa bàn TP.HCM nên việc thu thập chỉ số tự động từ xa thuận tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng”, ông Kiên nói.
Cũng theo ông Kiên, trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, EVNHCMC sẽ thông báo trước khách hàng thời gian thực hiện cụ thể và giải thích chi tiết các thay đổi về sản lượng điện tiêu thụ và tiền điện trong tháng, việc tính toán giá điện tuân thủ đúng Thông tư số 16/2014/TT-BCT.
Trường hợp khách hàng có thắc mắc có thể liên hệ tổng đài 1900545454 để được hỗ trợ giải thích và tương tác trực tiếp. Ngoài ra, nhân viên điện lực có thể đến gặp trực tiếp người dân để giải thích tuỳ theo nhu cầu khách hàng.
Ông Kiên khẳng định, việc thay đổi thời gian ghi chỉ số điện không hề ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng sử dụng điện. Lịch ghi chỉ số điện thống nhất sẽ mang đến cho khách hàng sự thuận lợi trong việc ghi nhớ. Khi nhận hóa đơn tiền điện khách hàng cũng sẽ biết chắc chắn lượng điện năng sử dụng là từ mùng 1 đến ngày cuối tháng.
“Trong tháng đầu tiên thay đổi thời gian ghi chỉ số điện, thay vì dùng điện 30, 31 ngày mới trả tiền điện thì khách hàng được dùng 30 – 59 ngày mới trả tiền điện, tùy theo thời gian cuối cùng ghi chỉ số của tháng trước đó”, ông Kiên nói.
ĐẠI VIỆT