CHUYÊN GIA ĐÁNH GIÁ CƠ HỘI PHẢN CÔNG CỦA UKRAINE
Ukraine đang đứng trước sức ép phản công lớn khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài sang năm thứ hai và viện trợ của phương Tây không phải vô hạn.
UKRAINE TRƯỚC SỨC ÉP PHẢN CÔNG
Vài tháng trở lại đây, Ukraine và các đồng minh phương Tây đã đề cập đến khả năng Kiev tiến hành một cuộc phản công quy mô lớn vào mùa xuân nhằm giành lại một lãnh thổ bị Nga kiểm soát, đặc biệt kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự vào tháng 2/2022. Hiện giờ, khi đà tiến công của Nga bị chậm lại do thời tiết mùa đông khắc nghiệt và tổn thất nguồn lực, có nhiều đồn đoán rằng Ukraine sắp phản công.
Cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Đại tá Thủy quân Lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Mark Cancian dự đoán Ukraine sẽ sớm phản công, không chỉ để đối phó với Nga mà còn nhằm cho NATO thấy cuộc xung đột này đã qua giai đoạn bế tắc.
Theo ông, quân đội cả hai nước đều theo đuổi chiến lược tương đối thận trọng kể từ tháng 10/2022, nhưng một cuộc giao tranh dữ dội hơn có thể sẽ diễn ra trong vài tuần tới.
Sau những tháng mùa đông khắc nghiệt, Ukraine cần giành được một số chiến thắng để duy trì sự ủng hộ và quan tâm của phương Tây, John Spencer, chủ tịch nghiên cứu chiến tranh đô thị tại tổ chức tư vấn Diễn đàn Chính sách Madison, nói với báo Wall Street Journal. “Một cuộc phản công mùa xuân với Leopard và Bradley dẫn đầu sẽ giúp ích cho họ”, ông nói.
Ukraine cần chứng minh rằng, họ có thể sử dụng tốt xe tăng, xe bọc thép, pháo và tên lửa do phương Tây viện trợ, và đẩy lùi được Nga.
Ông Cancian nhấn mạnh, nếu Ukraine phản công và giành lại một số vùng lãnh thổ, điều đó sẽ thúc đẩy phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí và đạn dược. Sự ủng hộ của nước ngoài cho Kiev có thể sẽ có sự khác biệt giữa một cuộc xung đột kéo dài vài tháng với cuộc xung đột kéo dài vài năm trong bối cảnh các đồng minh, đối tác của Ukraine dần mệt mỏi vì chiến sự. “Điều quan trọng là quan sát những tiến triển trên chiến trường”, ông Cancian lưu ý.
Hồi tháng 2, báo Bild của Đức dẫn nguồn thạo tin cho hay, Mỹ cùng các đồng minh châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine khi xung đột bước sang năm thứ hai, nhưng phương Tây cũng xem xét đến khả năng đưa Kiev ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Theo đó, phương Tây có thể đã ra một “tối hậu thư” với Ukraine rằng họ cần giành lại các vùng lãnh thổ đang bị Nga kiểm soát vào mùa thu, hoặc sẽ chấp thuận hòa đàm.
“Nếu các cuộc phản công thất bại, Kiev sẽ đứng trước sức ép lớn về việc phải đàm phán với Điện Kremlin”, tờ báo viết.
CƠ HỘI DUY NHẤT
Tổng thống Séc, cựu tướng NATO Petr Pavel cảnh báo, quân đội Ukraine chỉ có một cơ hội phản công duy nhất trong năm nay. “Cánh cửa cơ hội cuối cùng đang mở ra trong năm nay. Sau mùa đông tới, sẽ vô cùng khó khăn để duy trì mức viện trợ như hiện tại. Ukraine chỉ có một cơ hội để khởi động phản công quy mô lớn. Nếu thất bại, họ khó có thể nhận được đợt viện trợ tiếp theo”, ông nói.
Theo ông Pavel, trọng tâm chương trình nghị sự của Mỹ sẽ thay đổi trong năm 2024. Theo đó, Mỹ sẽ tập trung vào cuộc bầu cử tổng thống và đối phó với Trung Quốc. Các nước châu Âu cũng sẽ giảm viện trợ cho Ukraine để tập trung giải quyết những vấn đề trong nước, đặc biệt là lạm phát.
Vì những lý do rất rõ ràng, Ukraine không công bố trước kế hoạch phản công, nhưng dựa vào tình hình thực tế, giới chuyên gia dự đoán chiến dịch này có thể diễn ra trong những tuần tới.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 23/3 chia sẻ với báo Yomiuri Shimbun của Nhật Bản rằng, Kiev đang chờ đạn dược viện trợ của các đồng minh và đối tác trước khi phát động cuộc phản công. “Chúng tôi chưa thể bắt đầu, chúng tôi không thể gửi những người lính kiên cường của mình ra tiền tuyến mà không có xe tăng, pháo binh và tên lửa tầm xa”, ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng quân đội Ukraine hé lộ ý định phản công với mục đích nghi binh, khiến Nga dàn mỏng lực lượng dọc theo chiến tuyến, sẵn sàng cho bất kỳ cuộc tấn công nào, thay vì tập trung họ vào những địa điểm cụ thể, chẳng hạn như thành phố phía đông Bakhmut. Tuy nhiên, hầu hết giới chuyên gia tin Ukraine đang thực sự nghiêm túc với kế hoạch phản công.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng sẽ không chỉ có một cuộc phản công lớn, mà có thể là một vài cuộc phản công khác nhau”, Thiếu tướng Australia đã nghỉ hưu Mick Ryan, người đã theo dõi sát sao xung đột Nga – Ukraine, bình luận. Ông lập luận: “Điều này là do cả phía nam và phía đông đều có cơ hội cho Ukraine phản công”.
Ukraine không quan tâm đến những đồn đoán, chỉ có 3 người biết khi nào Ukraine sẽ phản công là Tổng thống Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh Ukraine. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Malyar viết trên mạng xã hội: “Làm ơn ngừng đặt câu hỏi cho các chuyên gia về một cuộc phản công trên sóng truyền hình, làm ơn ngừng viết blog và bài đăng về chủ đề này, làm ơn ngừng thảo luận công khai về các kế hoạch quân sự của quân đội chúng ta”.
Theo chuyên gia Ryan, có nhiều yếu tố có thể chi phối kế hoạch phản công của Ukraine. Thời gian sẽ là yếu tố quyết định trong cuộc phản công này, và điều cần cân nhắc đầu tiên là thời tiết và mùa ẩm ướt (cuối đông, đầu xuân) của Ukraine sẽ khiến xe tải, bộ binh, xe tăng và các phương tiện có bánh xích khác chậm lại bao lâu. Ngoài ra, kế hoạch phản công của Kiev cũng phụ thuộc vào khi các lực lượng của họ hoàn tất chương trình huấn luyện và khi các thiết bị và đạn dược mới đến, khi cơ hội gõ cửa.
“Tình báo Ukraine sẽ theo dõi chặt chẽ sức mạnh và tinh thần của quân đội Nga, tình trạng dự trữ đạn dược và những khí tài quan trọng cũng như các vấn đề khác để phát hiện và khai thác điểm yếu của Moscow. Điều đó có nghĩa là một cuộc phản công của Ukraine có thể đến sớm hơn chúng ta nghĩ do các cuộc tiến quân của Nga đang suy yếu ở những nơi như Bakhmut”, ông Ryan nói thêm.
Ukraine rất có thể sẽ tìm cách tiến về phía đông nam qua Zaporizhia hướng đến Melitopol và Biển Azov, cắt đứt hành lang trên bộ của Nga tới Crimea, cô lập các tuyến tiếp tế của nước này tới các vị trí xa hơn về phía tây, Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nhận định. Chuyên gia Cancian của CSIS cũng tin rằng Ukraine sẽ nhắm vào khu vực Zaporizhia, nơi mà sự kiểm soát của Nga không quá chặt ngay cả khi Moscow đã tăng cường xây dựng công sự phòng thủ ở đây.
“Vấn đề là phải tìm ra các điểm yếu hơn trong phòng tuyến của Nga”, ông O’Brien nhấn mạnh.
Ông Vladimir Rogov, lãnh đạo phong trào “Chúng tôi sát cánh với nước Nga” ở các khu vực do Nga kiểm soát, cho biết Kiev đã tập hợp khoảng 75.000 quân quanh Zaporizhia.
Tuy nhiên, giới quan sát không loại trừ khả năng Ukraine cùng lúc sẽ phản công nhằm giành lại các vùng lãnh thổ ở Donbass, miền Đông. Ukraine được cho là tập trung ngày càng nhiều pháo binh ở mặt trận Donbass để chuẩn bị tung đòn đáp trả sau nhiều tháng phòng thủ.
NÚT THẮT BAKHMUT
Ukraine vẫn giữ bí mật về kế hoạch hành động nhưng một số dấu hiệu có thể dự báo trước cách thức phản công của họ, chẳng hạn như những loại vũ khí và các đợt huấn luyện mà phương Tây đã và đang cung cấp cho họ gần đây. Các nhóm binh sĩ Ukraine đã được huấn luyện ở châu Âu và Mỹ để vận hành các hệ thống vũ khí và xe tăng mới của phương Tây, đồng thời phối hợp sử dụng những vũ khí đó với các đơn vị pháo binh, bộ binh, kỹ sư chiến đấu và các khí tài khác.
Theo giới chuyên gia, do hạn chế về số lượng máy bay và không giành được ưu thế trên không nên Ukraine sẽ khó tiến hành một cuộc phản công kiểu NATO hay nói cách khác là không kích quy mô lớn. Thay vào đó, Ukraine sẽ tận dụng vũ khí tầm xa chính xác trên mặt đất bao gồm tên lửa và pháo, như pháo phản lực cơ động cao HIMARS.
Báo Wall Street Journal của Mỹ dự đoán, sau cuộc phản công bằng pháo và tên lửa ban đầu, lực lượng bộ binh Ukraine có thể sẽ tiến công với số lượng lớn. Đằng sau làn sóng xe tăng phía trước có thể sẽ theo sau hàng chục xe chiến đấu bọc thép và xe chở bộ binh.
“Như đã thể hiện tại Kiev, Kherson và Kharkov, quân đội Ukraine biết cách lập kế hoạch và tiến hành các cuộc phản công quy mô lớn thành công”, ông Ryan nhận định. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, trong đợt phản công lần này, lực lượng của Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều chướng ngại vật hơn do Nga thiết lập ở mặt trận miền Đông và miền Nam.
Giới chuyên gia tin rằng, vũ khí viện trợ của phương Tây sẽ mang lại lợi thế cho Ukraine trong bối cảnh nguồn lực của Nga hao hụt đáng kể sau hơn một năm xung đột. Tuy nhiên, vấn đề là liệu Kiev có thể giữ ưu thế đó trong bao lâu.
Theo ông Ryan, nếu NATO cung cấp đủ đạn dược, các xe tăng, xe tác chiến bộ binh hiện đại của phương Tây kịp thời gửi đến Ukraine, điều đó sẽ đặt ra thách thức lớn với Nga trong việc giữ các vùng lãnh thổ đã kiểm soát.
Các chiến hào, hào xe tăng, răng rồng, mìn và các chướng ngại vật phòng thủ khác do Nga đào sẽ khiến quân đội Ukraine tiến quân trong trạng thái nguy hiểm và chậm chạp, song khí tài viện trợ gần đây của phương Tây sẽ giúp Kiev giảm bớt phần nào thách thức.
Cựu chỉ huy quân đội Mỹ John Nagl nhận định: “Nếu Ukraine có thể xuyên thủng các khu vực phòng thủ này và tiếp cận các khu vực phía sau của Nga, họ có thể giành lại một số vùng lãnh thổ”.
Tuy nhiên, một trong những nút thắt lớn nhất và cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay đối với kế hoạch phản công của Ukraine là việc quân đội nước này kiên quyết bám trụ ở mặt trận Bakhmut bất chấp cạn kiệt đạn dược, tổn thất nhân lực lớn. Chiến lược của Kiev là bào mòn lực lượng của Nga, khiến họ không còn cơ hội mở các đợt tấn công lớn, và giúp Ukraine có thêm thời gian củng cố lực lượng trong lúc chờ viện trợ.
Chiến lược này của Kiev đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi. “Ý tưởng của Ukraine không chỉ nhằm làm tiêu hao sinh lực của Nga mà còn cầm chân họ tại Bakhmut để họ không thể triển khai lực lượng tới bất cứ nơi nào khác.
Câu hỏi đặt ra nếu họ giữ vững phòng tuyến và đồng ý trả cái giá mà các chỉ huy Ukraine cho là có thể chấp nhận được thì đây liệu có phải là bước đi sai lầm hay không”, Rajan Menon, giám đốc chương trình chiến lược tại tổ chức Ưu tiên Quốc phòng, lập luận. Theo ông, Ukraine dường như nhận thức rõ việc phải đánh đổi ở Bakhmut.
Trong khi đó, phương Tây cho rằng Bakhmut, thành phố nhỏ ở Donetsk, không có giá trị chiến lược, do vậy Ukraine nên rút quân để bảo tồn lực lượng cho kế hoạch phản công sắp tới. Konrad Muzyka, giám đốc công ty phân tích quân sự Rochan Consulting, một công ty phân tích quân sự có trụ sở tại Ba Lan, bình luận việc Ukraine bám trụ tại Bakhmut có thể đe dọa khả năng của họ trong việc bảo vệ các khu vực khác.
Ông Michael Kofman, nhà phân tích quân sự kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nga tại CNA, cũng cảnh báo: “Chiến lược phòng thủ đến cùng tại Bakhmut có thể giúp Ukraine gặt hái được một số thành quả nhất định như khiến Nga hao tổn đạn dược và nhân lực, nhưng hiệu quả của chiến lược này đang giảm dần. Nếu Ukraine tập trung nguồn lực cho một cuộc tấn công riêng lẻ thì nó sẽ cản trở một kế hoạch quân sự mang tính chiến lược hơn”.
Theo các chuyên gia, cạn kiệt đạn dược, tổn thất nhân lực lớn hiện là trở ngại lớn nhất đối với kế hoạch phản công của Kiev.
“Nếu Ukraine không thể phản công vào cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm nay và nếu lý do họ không thể làm điều đó là vì không có đủ binh sỹ hoặc vũ khí, thì cuộc chiến tại Bakhmut sẽ là bằng chứng cho thấy chiến thắng chiến lược của Nga”, giáo sư Paul D’Anieri nhấn mạnh.
Minh Phương
Theo New York Times, The Times, Business Insider
11/04/2023