Doanh thu giảm sâu
Kinh doanh tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp, TPHCM) từ những ngày đầu thành lập, bà Xuân Lai (65 tuổi) phải thừa nhận: “Chưa từng thấy cảnh ế ẩm như hiện nay”.
Thời hoàng kim trong 20 năm kinh doanh tại đây, bà Lai cho biết, khu chợ quy mô 400 sạp này lúc nào cũng đông nghịt khách. Tiểu thương kinh doanh vải như bà có thể kiếm được hơn 10 triệu đồng/ngày.
Giờ đây, thời thế đã thay đổi, kiếm được vài trăm nghìn đồng một ngày, với bà, đã là may mắn.
“Từ sau dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Dần dần, tiểu thương trả sạp ngày càng nhiều, chợ mỗi lúc một đìu hiu hơn. Hiện chỉ khoảng 20 sạp còn mở bán”, bà Lai nói.
Nữ tiểu thương nhận định, nguyên nhân tình trạng này là do khó khăn chung, người dân đang phải thắt chặt chi tiêu. Đối tượng mua sắm ở chợ chủ yếu là công nhân hoặc học sinh, sinh viên, những người có thu nhập trung bình. Nhưng khi nhóm đối tượng này mất việc, tiểu thương cũng mất luôn lượng lớn “bạn hàng quen”.
Trước đây, chợ nhộn nhịp, thường tối muộn bà Lai và các bạn hàng mới thu dọn, đóng sạp. Hiện tại, chỉ mới 18h, các ki-ốt đã dọn hàng gần hết vì có ngồi thêm cũng không mấy người mua.
“May mắn là sạp nhà nên tôi không mất tiền thuê, còn có thể cầm cự được. Nhiều chủ sạp khác phải trả tiền thuê, ít nhất là 2 triệu đồng/tháng, quả thật rất khó để bám trụ lại chợ”, bà Lai nói.
Chị Trang (40 tuổi) là chủ 5 sạp hàng ở chợ Hạnh Thông Tây. Chị Trang cho hay, do xu hướng mua hàng online (trực tuyến) tăng, người trẻ không mặn mà tìm đến khu chợ nữa. Các sạp hàng của chị chủ yếu được cho thuê lại để làm kho. Chỉ còn một sạp chị cho thuê làm cửa hàng thì tiểu thương lâu nhất cũng chỉ trụ được 6 tháng.
Thực tế, không ít sạp đã được giảm giá thuê. Ban quản lý chợ và chủ sạp cũng nhiều lần tân trang cơ sở vật chất, nỗ lực để thu hút khách hàng nhưng tình hình không mấy khả quan.
Rời đi khi khách không còn mặn mà với chợ truyền thống
Đã có hơn 10 năm buôn bán tại chợ Hạnh Thông Tây, chị Tiên (35 tuổi) dự định cố trụ hết năm nay rồi nghỉ.
“Cả tuần bán được vài bộ quần áo. Như ngày hôm nay, quầy tôi chỉ bán được mỗi cái váy trong khi tiền thuê sạp đã 3 triệu/tháng. Việc buôn bán cứ ì ạch thế này, tôi không gồng nổi được lâu hơn”, chị Tiên nói.
Nghĩ đến cảnh “sáng dọn ra, chiều dọn vô”, chị Tiên lại héo hắt vì bản thân vốn là lao động chính, sạp hàng là nguồn thu nhập chủ yếu của cả nhà. Vậy mà giờ, chi tiêu trong gia đình đành trông cả vào công việc của chồng. Tiền chị kiếm được từ sạp hàng không đủ để đi chợ hằng ngày.
“Khách hàng giờ vừa hạn chế mua sắm vừa chuộng kiểu mua hàng online, không muốn bỏ thời gian đến chợ để mua sắm như trước nữa. Tôi trước giờ chỉ quen bán ở chợ, giờ có bán online cũng không cạnh tranh được nữa”, chị Tiên thừa nhận.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, hoạt động của chợ truyền thống ngày càng giảm là xu hướng tất yếu, thể hiện sự chuyển đổi tự nhiên của thị trường.
“Không sớm thì muộn, các kênh bán hàng online sẽ dần thay thế chợ truyền thống vì tính tiện lợi, giúp người mua thấy giá cả rõ ràng, không cần mặc cả, trả giá”, vị này nói.
Về sức mua trên thị trường, thực tế, trong và sau dịch Covid-19, làn sóng lao động về quê nhiều, không phải ai cũng trở lại TPHCM.
Từ quý II/2022, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng sau dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Đặc biệt, các khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp thâm dụng lao động như dệt may, giày da… không có đơn hàng làm. Lượng công nhân mất việc tiếp tục về quê, có bám trụ lại thì đời sống cũng nhiều khó khăn.
“Đối tượng khách hàng chính ở các chợ truyền thống là công nhân nên tình trạng mất việc, giảm lương… tác động trực tiếp đến sức mua ở chợ, khiến tiểu thương méo mặt”, ông Điền phán đoán.
Sau hết, vị tiến sĩ dự đoán, phải đến hết quý III/2023 tình hình kinh doanh của các tiểu thương ở chợ truyền thống mới mong dần trở lại. Thời điểm hiện tại, theo ông Hiển, các tiểu thương chỉ có thể “cầm cự và cố gắng giữ nghiệp”.
TS Huỳnh Thanh Điền cũng cảnh báo, chợ truyền thống cần thay đổi nếu không sẽ khó trụ. Theo ông, chợ cần được quy hoạch bài bản, tập hợp thành khu riêng, loại bỏ tình trạng bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè để đảm bảo điều kiện công bằng cho các tiểu thương có sạp, cửa hiệu phải gánh chi phí mặt bằng cao.
Bên cạnh đó, tiểu thương cũng phải tự ý thức tìm hiểu rõ về nguồn gốc của sản phẩm, niêm yết giá rõ ràng, phối hợp khai thác cả kênh bán hàng trực tuyến…