Quy trình này được hợp tác với hãng máy ảnh Canon và được thực hiện như sau: Khi chụp ảnh, các máy ảnh Canon tự động sẽ gán cho mỗi bức ảnh các thông số như thời gian, ngày tháng và vị trí của nó một mã định danh duy nhất. Dữ liệu này sau đó được ký bằng mật mã để thiết lập tính xác thực của nó.
Sau đó, những bức ảnh này được đăng ký trên một sổ cái (blockchain) công khai cùng với mọi sửa đổi tiếp theo từ bộ phận quản lý ảnh của Reuters. Điều này tiếp tục duy trì cho đến khi hãng tin phân phối bức ảnh với tất cả siêu dữ liệu, lịch sử chỉnh sửa và đăng ký blockchain được nhúng trong đó. Để xác minh hình ảnh, người dùng tin tức có thể so sánh mã định danh duy nhất (giá trị băm) trên sổ cái công khai.
Để giải thích nó một cách đơn giản hơn, blockchain là một danh sách ngày càng tăng các bản ghi – được gọi là các khối – được mã hóa và liên kết. Mỗi khối cũng chứa dấu thời gian và thông tin khác về nguồn gốc của dữ liệu.
Theo thiết kế, blockchain có khả năng chống sửa đổi dữ liệu chứa trong đó, điều này có thể hữu ích khi chúng ta cần bảo vệ nội dung tin tức khỏi bị giả mạo.
Một ưu điểm khác của dữ liệu được lưu trữ trong blockchain là nó đã được ghi lại và xác thực bởi những người dùng khác, có thể là con người hoặc máy tính.
Điều này đặc biệt quan trọng vì mọi người ngày càng lo lắng về khả năng phân biệt giữa tin tức thật và tin giả trên internet. Những tiến bộ trong AI tạo ra đã khiến việc tạo ra và phát tán tin giả hoặc sai lệch trở nên dễ dàng và rẻ hơn bao giờ hết.
Nhược điểm là quá trình xác minh này đòi hỏi sự hiểu biết khá tốt về công nghệ blockchain, đây là kỹ năng mà độc giả bình thường khó có được.
Một nhược điểm khác là công nghệ này được củng cố bởi một hệ thống phi tập trung dựa vào hàng tỷ máy tính ngốn nhiều năng lượng. Mặc dù rất khó để tính toán lượng khí thải carbon của công cụ mới này, nhưng bất kỳ lợi ích nào mà nó mang lại trong việc chống lại thông tin sai lệch có thể cần phải được cân nhắc.
Mai Anh (theo Journalism)