Chia sẻ với Thanh Niên ngày 4.9, lãnh đạo một đơn vị truyền thông cho biết: “Nhiều khả năng năm nay khán giả VN sẽ không được xem tường thuật trực tiếp các môn tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục. 5 năm trước, bản quyền ASIAD 18 cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Chỉ khi đội Olympic đi sâu vào vòng 18 đội, nhờ có sự hỗ trợ đắc lực về tài chính của hai doanh nghiệp lớn mà Đài tiếng nói VN đã mua được bản quyền. Nhưng ASIAD 19 câu chuyện rất khác khi chưa doanh nghiệp nào của VN lên tiếng về vấn đề này. Các bộ ngành có liên quan cũng không thể bắt ép các đài mua và càng không thể can thiệp vào các cuộc đàm phán. Thuận mua vừa bán, đối tác Hàn Quốc đang sở hữu gói bản quyền truyền thông ASIAD 19 trên lãnh thổ VN đã tiến hành thương thảo với một số nhà đài hay đơn vị nhưng chưa tìm được tiếng nói chung”.
Là người trực tiếp đi đàm phán gói bản quyền ASIAD 19, đại diện của một đài truyền hình trả tiền chia sẻ rằng, trước đây khi vấn đề bản quyền chưa trở thành đề tài nóng trong xã hội, quá trình đàm phán diễn ra tương đối dễ dàng vì đối tác thường phân thành gói nhỏ để các đài lựa chọn. Việc chia gói sẽ giúp các đài lên được phương án phù hợp túi tiền của mình. Còn với ASIAD 19 hay nhiều giải đấu lớn khác trên thế giới, đối tác bán trọn gói với giá rất đắt.
Đại diện một đơn vị truyền thông cung cấp thông tin mới, giá bản quyền ASIAD 19 không còn ở mức rất đắt, lên đến 15 triệu USD mà giảm còn 7 triệu USD (khoảng 178 tỉ đồng, chưa kèm phụ phí truyền dẫn, thuế…). Gọi là giảm nhưng con số 7 triệu USD cũng là cực cao nếu so với số tiền 200.000 USD mà một đài truyền hình tại VN đã bỏ ra để mua bản quyền ASIAD 14 năm 2014. Đến ASIAD 18, số tiền tăng lên chóng mặt, thành 2 triệu USD. “Đôi khi tiền bạc lại không phải vấn đề quá lớn với chúng tôi. Tuy nhiên quá trình đàm phán thành công được hay không, còn phụ thuộc vào thái độ của đối tác. Họ có vẻ lạnh nhạt, không nhiệt tình. Hoặc có thể đó là một chiêu của đối tác”, vị đại diện này cho biết.