“Sách thật vừa ra thì trên mạng sách giả đã tràn lan”
Chiều 29/8, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức hội thảo “Sự tác động của xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đối với phát triển văn hóa đọc”.
Mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Thanh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Giám đốc Học Viện Báo chí và Tuyên truyền, nhấn mạnh mỗi cuốn sách đều là sản phẩm của tri thức và đạo đức, cần được tôn trọng và bảo vệ cả về nguyên tắc, nội dung lẫn hình thức truyền tải.
Tuy nhiên, trên thị trường sách trong nước, việc in ấn, phát hành xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả vẫn đang là vấn nạn nhức nhối lâu nay.
Theo ông Giang, nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng, sách học thuật là kết quả nghiên cứu vất vả của các nhà khoa học… bị sao chép bừa bãi, in ấn, đóng bìa cẩu thả, in trên những loại giấy kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lỗi chính tả, phông chữ, không được biên tập, kiểm duyệt về nội dung, hình thức…
Nhiều đầu sách, xuất bản phẩm bị in lậu bằng công nghệ cao khiến người dùng khó phân biệt thật, giả.
Đặc biệt, lợi dụng sự phát triển của Internet và các hình thức truyền thông kỹ thuật số, nhiều xuất bản phẩm lậu/giả, cả dạng truyền thống như sách in và các dạng mới như sách nói, sách điện tử…, được bày bán công khai, chạy quảng cáo rầm rộ, khai thác nội dung trái phép trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Theo nghiên cứu của Media Partners Asia năm 2022, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2022, các cơ quan chức năng đã tịch thu, tiêu hủy 127.051 xuất bản phẩm các loại, xử phạt hành chính 677.000.000 đồng (tăng 3% so với năm 2021).
“Sách bản quyền vừa ra thì trên mạng sách giả đã được bày bán tràn lan. Vấn nạn xuất bản phẩm lậu/giả không được giải quyết triệt để đã và đang “giết chết” những xuất bản phẩm thật”, ông Giang nói.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết việc bạn đọc sử dụng sách lậu, sách giả đã tiếp tay cho các đối tượng xấu có thị trường tiêu thụ; gây thiệt hại lợi ích của cá nhân, tổ chức, cơ quan; xâm phạm quyền tác giả; vi phạm pháp luật…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh “chết lặng” trước chồng sách giả
Ông Hoàng Anh Hào, Đại diện Nhà xuất bản Trẻ, cho hay hơn 300 đầu sách của đơn vị này đang bị làm giả, làm lậu. Đây là nhóm 20% số sách bán chạy nhất, đem lại 80% doanh số cho nhà xuất bản, hay nói cách khác là những đầu sách “nuôi sống” nhà xuất bản trong nhiều năm qua.
Theo ông Hào, những cuốn sách đã xuất bản trên 20 năm, những cuốn đã được tái bản 76 lần với mấy trăm nghìn bản, hay cuốn vừa mới xuất bản được in phủ thị trường nhanh nhất, cũng đều bị làm giả, làm lậu.
Ông Hào cho rằng, một trong những tác động xấu của vấn nạn xuất bản phẩm lậu/giả là làm triệt tiêu người sáng tạo chân chính, khiến họ không còn động lực nghiên cứu, tìm tòi để sáng tác những tác phẩm thú vị và chất lượng.
Ông lấy ví dụ về một buổi ký tặng sách tại Hà Nội của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Một độc giả nhí mang theo 10 cuốn sách, đợi từ 8h đến 12h mới đến lượt. Khi nhìn vào chồng sách đó, Nguyễn Nhật Ánh dừng lại và trầm tư, nói rằng không thể ký tặng, vì toàn bộ 10 cuốn… đều là sách giả.
Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách điện tử WAKA, cho biết chỉ có 2 – 3% lượng khách hàng quan tâm đến sản phẩm mình mua là sách thật hay sách giả.
Các giải pháp chống giả như tem thông minh cho sách in, hay các chỉ dấu điện tử (thủy vân số…), đăng ký sở hữu trí tuệ về công nghệ xác minh, ít được người dùng biết đến.
“Bây giờ, sách giả chất lượng như sách thật, nội dung giống hệt”, ông Hoàng nói.
Theo ông, người dùng đang bị đặt trách nhiệm: “Hãy là người tiêu dùng thông minh”. Nhưng thực ra nếu thông minh, độc giả thường chọn mua sách lậu với chất lượng gần tương đương mà giá thành rẻ hơn.
Đại diện WAKA cho rằng các nhà xuất bản, đơn vị làm sách nếu muốn người dùng đứng về phía mình trong “cuộc chiến này” thì phải mang lại lợi ích cho độc giả. Đó là tạo ra chất lượng sản phẩm cao mà đơn vị làm lậu không đủ năng lực để làm.
Không riêng sách in truyền thống, mà sách điện tử và sách nói còn dễ làm lậu hơn. Ông Nguyễn Luận, Giám đốc bản quyền của công ty sách nói Voiz FM, cho biết trong hơn 4 năm qua, đơn vị đã phải đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền trên Internet với mức độ tổ chức và tinh vi ngày càng cao.
3 hình thức vi phạm bản quyền phổ biến ở sách nói gồm: USB sách nói/link chia sẻ; kênh YouTube sách nói và Website. Trong đó, các kênh YouTube chuyên đăng tải sách nói vi phạm bản quyền nhiều nhất.
Theo ông Luận, chính các tiện ích của công nghệ đã giúp các kênh YouTube “mọc lên như nấm sau mưa”, gây thiệt hại trực tiếp đến các đơn vị xuất bản, đến ngân sách nhà nước và văn hóa đọc.
Theo khảo sát của Voiz FM, Việt Nam là một số ít các quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet tìm kiếm sách nói cao hơn sách điện tử (ebook). Nắm bắt xu thế này, những đối tượng vi phạm bản quyền đã tổ chức thu âm hàng loạt tựa sách bán chạy nhất trên thị trường nhằm thu hút lượt xem và thu lợi bất chính từ nguồn tiền quảng cáo.
Bạn đọc có thể tìm thấy phiên bản sách nói lậu của bất kỳ tựa sách bán chạy nào trên YouTube. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của sách giấy, sách điện tử lẫn sách nói, gây khó khăn về tài chính cho các công ty xuất bản khi không thể thu về doanh thu kỳ vọng.
“Nếu xử lý vi phạm bản quyền với sách giấy khó một, thì việc đối phó với tình trạng này ở sách nói còn khó mười”, ông Luận thừa nhận.
Lập danh sách đen các đơn vị xuất bản giả/lậu
Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, tổng kết các tác động tiêu cực của xuất bản phẩm lậu/giả, đồng thời nêu một số giải pháp.
Theo đó, các nhà xuất bản cần chung tay tiêu diệt thị trường sách giả, vận dụng linh hoạt các giải pháp về quản lý, tạo ra các sản phẩm mới, có tính cạnh tranh dẫn đến các đối tượng xấu khó làm lậu, làm giả.
“Chúng ta cũng cần lập “danh sách đen” các đơn vị vi phạm để diệt tận gốc vấn nạn này”, ông Nguyên nói.
Bàn về chế tài xử lý hành vi in sách lậu, sách giả vẫn còn nhiều điều bất cập, ông Nguyên cho hay thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản để bắt kịp với thực tiễn.
Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng sẽ làm việc với các nền tảng như TikTok để đánh gậy bản quyền các sàn thương mại hay gian hàng vi phạm bản quyền.
Cục trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc chống vấn nạn sách lậu, sách giả. Theo ông Nguyên, đã có những trường học mà sinh viên bị đánh trượt khi dùng sách giả, sách lậu vì “họ đã trượt ngay từ nhận thức, vi phạm pháp luật khi mới bước chân vào nhà trường”.
“Do đó, trong tuyên truyền, câu chuyện bắt đầu từ ý thức sử dụng sách, tài liệu trong các cơ sở đào tạo rất quan trọng”, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nói.