Trong 8 tháng đầu năm 2023, số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào TP HCM đạt hơn 1,9 tỷ USD. Con số này phản ánh những nỗ lực của TP HCM trong việc thu hút đầu tư cũng như triển khai các giải pháp đột phá gỡ rối cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, ít phát thải.
Tập đoàn Intel vừa công bố thông tin đã hoàn tất thủ tục hồ sơ để triển khai đầu tư giai đoạn 2 nhà máy Intel tại Khu công nghệ cao TP HCM. Theo đó, tập đoàn sẽ rót thêm 475 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư tại đây lên gần 1,5 tỷ USD sau 13 năm, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà máy sản xuất vi xử lý thế hệ 13 Raptor Lake và vi xử lý thế hệ tiếp theo Meteor Lake. Cho tới thời điểm này, nhà máy tại Việt Nam đang sản xuất và chiếm hơn 50% sản lượng toàn cầu về lắp ráp, kiểm định của Intel.
Nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, UBND TP HCM đã chỉ đạo thành lập Tố công tác xử lý các vướng mắc, đàm phán đề xuất các chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển để tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Intel triển khai dự án đang hoạt động tại Khu công nghệ cao hiệu quả và vận động thực hiện mở rộng nhà máy của Intel tại TP.HCM trong tương lai. Các kết quả sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023.
Nhà máy Intel tại TP HCM (Ảnh: Intel)
Cũng tại TP HCM, Công ty TNHH dược phẩm Samil Pharmaceutical (Samil) cho biết đã đầu tư 92,5 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất dược phẩm. Việc xây dựng, lắp đặt máy móc trang thiết bị đã được hoàn tất và đang đề nghị cấp giấy chứng nhận GMP để đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục phê duyệt dự án và chậm hoàn thuế VAT khiến công ty gặp khó khăn lớn về chi phí nghiên cứu, tuyển dụng chuyên gia.
Những vướng mắc của doanh nghiệp này đã được lãnh đạo TP HCM giải đáp ngay tại Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc diễn ra tháng 8/2023. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết, mặc dù DN có giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận kinh doanh nhưng theo quy định về hoàn thuế tại Nghị định 19/2023, Thông tư 13/2023 một trong những thủ tục để được hoàn thuế là văn bản chấp nhận ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo ông Dũng, sau khi khu công nghệ cao có công văn đề nghị Bộ Y Tế góp ý cấp chứng nhận đầu tư cho Samil thì Bộ ủng hộ chủ trương, đồng thời đề nghị khu công nghệ cao hướng dẫn công ty hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược theo quy định.
Việc gỡ vướng cho Intel và Samil thể hiện nỗ lực của TP HCM trong việc cải thiện môi trường đầu tư cũng như tiếp sức cho doanh nghiệp để thu hút các dự án công nghệ cao, ít phát thải đầu tư nước ngoài.
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào TP.HCM đạt hơn 1,9 tỷ USD. Trong đó, cấp mới giấy phép đầu tư có 762 dự án với vốn đăng ký 390 triệu USD, tăng 59,1% về số dự án và tăng 26,2% về vốn so với cùng kỳ. Đối với các dự án điều chỉnh vốn đăng ký có 194 lượt dự án với số vốn tăng 582 triệu USD, tăng 102 % về số dự án.
Điểm sáng trong thu hút vốn FDI vào TP HCM là vốn “rót” vào hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng cao. Trong số 194 lượt dự án điều chỉnh vốn đăng ký thì hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ có 50 dự án, vốn đăng ký tăng 290 triệu USD chiếm gần 50% vốn đăng ký điều chỉnh.
Việc thu hút vốn FDI đầu tư vào các ngành khoa học công nghệ cũng phù hợp với định hướng của TP HCM trong thời gian tới là thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường.
Công nghệ cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường là lĩnh vực được TP HCM ưu tiên thu hút vốn FDI (Ảnh minh họa)
Theo nhận định của các chuyên gia, với việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM có hiệu lực ngày 1/8/2023, nhiều nút thắt về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ nhanh chóng. Đó là những kiến nghị thủ tục liên quan đến hoạt động xây dựng, PCCC, tái đầu tư hạ tầng đường, điện, y tế… kéo dài trong nhiều năm qua đã được tháo gỡ.
Quan trọng hơn, dịch vụ hành chính công điện tử được áp dụng tối đa giúp quy trình thủ tục hành chính, cấp phép hồ sơ, giải quyết những vướng mắc được số hóa, minh bạch tiến độ thời gian, nên doanh nghiệp thuận tiện theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ, sẽ chủ động cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM gồm 44 cơ chế, chính sách với 7 lĩnh vực, được kỳ vọng sẽ đột phá khơi thông nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực để phát triển và đưa TP Hồ Chí Minh trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, xứng đáng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. Nghị quyết 98 quy định số lượng cơ chế, chính sách đặc thù lớn nhất từ trước đến nay được Quốc hội thông qua. Các lĩnh vực được áp dụng chính sách đặc thù gồm: Quản lý đầu tư; Tài chính, ngân sách; Đô thị và tài nguyên – môi trường; Ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy chính quyền của TP HCM; Tổ chức bộ máy chính quyền của TP Thủ Đức… Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Nghị quyết 98 được Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách mới tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố để tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước; Nghị quyết không chỉ gỡ rối những vướng mắc hiện nay TP đang gặp phải mà còn kiến tạo những động lực mới cho sự phát triển của TP trong thời gian tới… |
Ngọc Châu