Các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chủ đạo, chiếm 70-90% tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trên các tạp chí uy tín thế giới.
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hồi cuối tháng 8 công bố kết quả hoạt động khoa học, công nghệ tại các cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, năm 2018, Việt Nam có gần 9.000 công bố quốc tế, một năm sau tăng lên hơn 12.600. Từ năm 2020 đến nay, số công bố mỗi năm đều đạt trên 18.000. Trong đó, hệ thống giáo dục đại học luôn có vai trò chủ đạo ở tất cả lĩnh vực.
Cụ thể, khoảng 70% công bố quốc tế trong danh mục WoS (Web of Science, còn gọi là ISI – cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới), 90% trong danh mục Scopus và hơn 50% công bố trên các tạp chí uy tín quốc gia đến từ các trường đại học.
Tính riêng trong năm 2022, 9/10 tổ chức có nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín là các trường đại học. Trong đó, Đại học Quốc gia TP HCM có hơn 2.240 công bố, Đại học Bách khoa Hà Nội có 1.482.
“Số lượng công bố quốc tế được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu Scopus (cơ sở dữ liệu chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) của Nhà xuất bản Elsevier”, báo cáo cho biết, thông tin thêm rằng 10 lĩnh vực chiếm phần lớn nghiên cứu của Việt Nam là Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Toán học, Vật lý và Thiên văn, Khoa học môi trường, Y học, Khoa học vật liệu, Hóa học, Khoa học nông nghiệp và sinh học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học của các trường đại học dần gắn với đào tạo, góp phần tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều đề tài đóng góp cho các ngành công nghệ, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần duy trì và giúp các trường có vị trí tốt trong các bảng xếp hạng quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học còn tương đối nhỏ lẻ, và chưa có đóng góp nổi bật. Việc sử dụng kết quả nghiên cứu vào hoạt động đào tạo của các trường đại học còn hạn chế, doanh nghiệp ít đặt hàng và không thường xuyên phối hợp trong nghiên cứu.
Trong năm tới, Bộ đề nghị các trường rà soát và có chính sách ưu đãi để hình thành, phát triển các nhóm nghiên cứu. Song song đó, các đơn vị cũng cần ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật, bảo đảm trung thực, trách nhiệm, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế.
Công bố quốc tế được cho là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực của các nhà nghiên cứu và quyết định xếp hạng đại học. Trên thế giới có hai cơ sở dữ liệu khoa học uy tín là ISI và Scopus.
Với hơn 18.000 công bố quốc tế mỗi năm, ba năm qua, Việt Nam đều trong top 50 quốc gia dẫn đầu về hoạt động này.
Vnexpress.net